Xây dựng mối liên hệ giữa các nhân vật

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 66 - 69)

Khi nhận xét về sự phát triển của tiểu thuyết viết về chiến tranh hiện nay, giáo sư Phong Lê cho rằng: Sống trong thời kì đất nước đang không ngừng phát triển và hội nhập với thế giới, các nhà văn của chúng ta đã có cách nhìn, cách nghĩ mới trong việc thể hiện chiến tranh. Đối với họ viết về chiến tranh “không phải chỉ còn là sự giải tỏa kí ức của quá khứ hoặc sự trang trải những kỷ niệm dồn chứa của một thời... Đề tài chiến tranh, với họ, là gắn với sự sống nguyên khối gồm rất nhiều mặt sống khác, đang diễn ra và ràng buộc với nhau trong muôn mặt của cuộc đời” [41, 124].

Quả đúng như vậy, chiến tranh đâu chỉ có súng đạn và chết chóc, trong chiến tranh, cái “sự sống nguyên khối” của con người với bao mối quan hệ chằng chịt vẫn diễn ra cho dù có khó khăn đến mức nào đi chăng nữa. Người lính tham gia chiến đấu đâu chỉ vì mục tiêu lí tưởng mà gạt hết bỏ mọi tình cảm riêng tư. Ở trong họ cái chung hòa với cái riêng, nghĩa vụ gắn với quyền lợi, vv… Ngoài quan hệ đồng đội, họ còn có nhiều mối quan hệ khác như gia đình, bạn bè, tình yêu, làng xóm và với cả người dân nơi họ đóng quân. Có thể nói với cái nhìn mới về con người, các nhà văn viết về chiến tranh hiện nay đã xây dựng nhân vật trong mối liên hệ đa dạng, đặt nhân vật vào những tình huống nhất định và xử lí khéo léo các mối quan hệ đó. Cũng từ những mối quan hệ này mà người đọc thấy được cái nhìn của các tác giả về người lính „đời” hơn, thực hơn.

Đi sâu vào tìm hiểu, chúng ta có thể thấy nhiều tác phẩm đã thể hiện quan hệ đồng đội như là một cái nền, điểm nhấn chính, xen vào đó là mối quan hệ khác có tác dụng thu hút sự chú ý tới câu chuyện, làm toát lên chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Trong Những bức tường lửa, song song với những trận đánh nảy lửa với kẻ thù của sư đoàn Hồng Bàng là câu chuyện của các nhân vật vốn là học sinh lớp 10B: Lân, Ban, Hướng, Côn, vv… Nhóm học sinh này đã gác việc học tập của mình lại lên đường chiến đấu vì tổ quốc. Thật ngẫu nhiên, nhiều người trong số họ đã được biên chế cùng đơn vị, từ những người bạn bây giờ họ đã trở thành đồng chí, đồng đội. Cùng chung một chiến hào nhưng mỗi người lại có mục đích sống, một cá tính khác nhau. Thẳng thắn, bộc trực như Côn, Hướng; khôn khéo, có phần vụ lợi như Ban; còn Lân thì lại là người có những nét tính cách dung hòa hai nhóm bạn trên. Cũng từ đây nhiều mối quan hệ được mở ra. Tình yêu, tình bạn, tình đồng đội của họ là mối quan hệ xoắn xuýt, khó tách bạch. Cả Lân và Ban đều yêu cô bạn Thanh cùng lớp 10B, trong khi Lân khá rụt rè không dám thổ lộ tình cảm thì Ban lại lợi dụng lòng tin của Thanh; Côn yêu Đào- cô bạn cùng lớp đến mãnh liệt nhưng Đào lại chỉ quan tâm đến Ban, vv…Chính những mối liên hệ này khiến cho câu chuyện có sức lôi cuốn, bởi hình tượng người lính đã được tác giả soi chiếu trên nhiều khía cạnh.

Nếu như ở Những bức tường lửa các nhân vật chủ yếu được Khuất Quang Thụy đặt trong mối liên hệ với bạn bè thì ở Thượng Đức, ngoài việc đặt nhân vật trong mối quan hệ đồng đội, tác giả còn quan tâm thể hiện mối liên hệ gia đình của các nhân vật. Các nhân vật dù ở tuyến địch hay ta cũng được nhà văn phát hiện những tình cảm ẩn giấu bên trong mỗi con người. Ngoài giờ phút chiến đấu, những người lính vẫn không quên nhớ về gia đình nơi hậu phương của mình. Ngay từ chương mở đầu của tác phẩm, người đọc đã thấy được tâm trạng của Hoàng Thủy- người bí thư huyện lúc nào cũng không nguôi hướng về người vợ và đứa con gái bé bỏng mà anh chưa hề được gặp mặt đang mắc kẹt ở bên trong căn cứ Thượng Đức. Đã có lần anh không chịu nổi liều mình trở về nhà thăm vợ con nhưng cũng không thành. Ngoãn và

Tấn là hai anh em trong một gia đình được chiến đấu cùng một đơn vị. Trong góc riêng của họ đều có bóng dáng thân thương của gia đình. Ngoãn đi chiến đấu nhưng vẫn không thể yên tâm về người vợ, về người cha nơi hậu phương của mình. Cẩm Linh- cô du kích dũng cảm đặt niềm tin vào người cha của mình đang bí mật tiếp cận địch. Ngay cả người phía bên kia chiến tuyến như Quốc Hùng cũng coi mái ấm gia đình là chốn đi về bình yên nhất. Chính các mối liên hệ chồng chéo đó đã tạo ra cho tiểu thuyết tuy viết về chiến tranh nhưng vẫn mang hơi thở của cuộc sống đời thường. Làm nhiệm vụ cách mạng không có nghĩa là phải quên đi, bỏ qua những tình cảm khác, có như thế mới là con người bình thường.

Trong Tiếng khóc của nàng Út, nhà văn cũng đặt các nhân vật trong mối liên hệ mật thiết với gia đình, cộng đồng, làng xóm. Những người con, kể cả con nuôi và con đẻ của bà On luôn nhớ về người mẹ, người em với tình cảm gắn bó, ruột thịt. Cả một gia đình theo cách mạng để rồi nhiều người lần lượt ngã xuống. Họ ra đi khi trong mình còn vấn vương bao tình cảm. Trong mối quan hệ đồng chí, đồng đội, những người con cách mạng như Toàn, Vần nhiều khi phải đấu tranh với những người cán bộ nhân danh Đảng nhưng ấu trĩ, thỏa hiệp. Số phận của các con người ấy, thắm đượm tình làng, quyện vào nhau, cho nhau và vì nhau sức mạnh của một thời.

Sẽ là thiếu sót khi chúng ta không kể đến mối quan hệ được hầu hết các tác phẩm quan tâm thể hiện. Đó là mối quan hệ tình yêu tuy rằng mức độ đậm nhạt của nó khác nhau. Ở Những bức tường lửa là mối tình của Lân với Thanh, trong Tiếng khóc của nàng Út là quan hệ của nàng Út và Toàn, Bường và Thơm, trong Mùa hègiá buốt là tình cảm của Việt và Bích Vân vv… Tình yêu của người lính trong chiến tranh cũng mang những dư vị ngọt ngào với đầy đủ các sắc thái tình cảm vốn có của nó. Lãng mạn và lí tưởng như mối tình của Bích Vân và Nguyễn Sĩ Việt, thiết tha và trong sáng như mối tình của

Toàn và nàng Út, rạo rực đắm say như Bường và Thơm, hay sự thất bại trong tình yêu của Lân, Ban vv… Có thể nói trong tình yêu của mình, người lính tìm thấy tâm hồn đồng điệu. Họ yêu hết mình, dâng hiến hết mình và sẵn sàng đi đến tận cùng của cuộc chiến tranh. Tình yêu chắp cánh cho người lính có niềm tin, giúp họ vượt qua những khó khăn của cuộc chiến. Rốt cục những mối tình ấy đều mang màu sắc bi kịch. Họ đều không được sống với chính tình cảm của mình. Họ không phải bị chia rẽ từ những xung đột tình cảm mà chủ yếu là vì cuộc chiến đã cướp đi của họ những người thương yêu nhất của mình. Ở một góc độ khác, miêu tả mối quan hệ tay ba Hùng Phong- Đào - Thanh, Khuất Quang Thụy muốn nói lên một điều: tình yêu của con người không phải lúc nào cũng là chuyện hòa hợp của hai người, không phải lúc nào cũng đẹp lung linh, thuần khiết. Nó còn là những mối quan hệ chồng chéo, phức tạp.

Như vậy, có thể nói xây dựng các mối quan hệ giữa các nhân vật là nhiệm vụ không thể thiếu của mỗi nhà văn. Bởi thông qua những mối liên hệ này, nhà văn có điều kiện để chuyển tải ý đồ nghệ thuật của mình một cách dễ dàng.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 66 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)