Tiếp cận chiếntranh bằng cái nhìn đa chiều

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 26 - 39)

Vẫn là viết về chiến tranh nhưng với điểm nhìn từ cuộc sống hôm nay, các tác giả đã có thời gian chiêm nghiệm về cuộc chiến với cái nhìn bao quát, điềm tĩnh hơn. Không đơn thuần là những tác phẩm phản ánh sự xung đột giữa hai phía ta và địch, cũng không chỉ dừng lại ở việc thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc, trong các tác phẩm viết về chiến tranh giai đoạn 2004- 2009, gương mặt chiến tranh được khám phá trên nhiều bình diện, góc độ khác nhau. Nhiều tác phẩm đã tiếp tục soi chiếu vào các mảng chìm của cuộc sống mà trước đây do yêu cầu của lịch sử người viết chưa có điều kiện đề cập tới.

2.1.1.Hiện thực chiến trường

Văn học viết về chiến tranh cách mạng trong những năm đầu thế kỉ XXI và cụ thể là giai đoạn 2004- 2009 vẫn có sự tiếp nối văn học giai đoạn trước trên phương diện đổi mới quan niệm về hiện thực. Giai đoạn 1945- 1975 do sự quy định của hoàn cảnh lịch sử, văn học dồn trọng tâm cho nhiệm vụ tuyên truyền lí tưởng, cổ vũ chiến đấu. “Hiện thực được chọn lọc là hiện thực lớn lao trong xu thế phát triển lạc quan- một hiện thực tuyệt đối hợp lí.

Sự khen chê một tác phẩm thường xuất phát từ nguyên tắc đối chiếu nội dung đời sống được phản ánh vào tác phẩm với cái hiện thực được nhận thức, được quan niệm theo mô hình định trước” [16, 196]. “Những tác phẩm hư cấu sử dụng kỹ thuật tự sự theo truyền thống hiện thực chủ nghĩa” ấy “hầu hết đã chỉ diễn tả những cuộc chiến như những bức tranh rõ ràng, vừa khít với cái khung lịch sử và ý thức mà tác giả chọn và tin. Trong những bức tranh đó, hầu như lúc nào các ý niệm "ta" và "địch", "chính" và "tà", "chân" và "ngụy", "đúng" và "sai", "tốt" và "xấu" cũng được xác định ngay từ đầu, và tác giả vừa kể chuyện, vừa lồng vào câu chuyện của mình những luận đề chính trị và đạo đức, rồi lần lượt giải quyết những luận đề ấy theo một công thức nhất định nào đó” [61].

Trong giai đoạn hiện nay, các nhà văn đã thay đổi quan niệm và cách tiếp cận hiện thực. “Từ hiện thực của các sự kiện, biến cố lịch sử đến hiện thực về con người, từ cái nhìn một chiều lên cái nhìn đa chiều, biên độ hiện thực được mở rộng” [16, 196]. Hiện thực ấy có thể là số phận cộng đồng, dân tộc, là những biến cố xã hội lớn lao mà cũng có thể là số phận và những vấn đề cá nhân của con người. Điều đó đã đem đến cho tiểu thuyết chiến tranh một diện mạo mới. Các tác phẩm có sự giản lược độ đậm đặc của các sự kiện lịch sử và thay vào đó là xu hướng lấy số phận con người để dựng lại các sự kiện lịch sử.

Một trong những vấn đề cơ bản được nhiều người quan tâm ở những tác phẩm viết về chiến tranh đó là vấn đề sự thật chiến tranh. Ai cũng biết bản chất của nghệ thuật là sự sáng tạo, hư cấu nhưng không vì thế mà người viết bỏ qua những mảng hiện thực của cuộc sống. Đề cao sự thật là nguyên tắc cơ bản của rất nhiều nhà văn trên thế giới khi viết về chiến tranh như Lep Tônxtôi, Enest Hemingway, vv…. Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu, Batsarốp cũng khẳng định: “mô tả chiến tranh mà chỉ giữ lại cái oai hùng, vứt

bỏ tất cả những cái khác có nghĩa là bỏ rơi mất nhiều bài học của chiến tranh, một hiện tượng cực kì phức tạp... Không mô tả những chi tiết nặng nề bi thảm của chiến tranh là xuyên tạc bộ mặt thật chiến tranh trong ý thức loài người” [Dẫn theo 52, 96].

Ở một số thời điểm, các nhà văn Việt Nam được định hướng hoặc tự nhận thức không mô tả cuộc chiến đúng như nó diễn ra. Cho đến thời kì đổi mới, nền văn nghệ đã thực sự được “cởi trói”, người cầm bút đã có thể sáng tạo, khám phá nhiều tầng bậc của cuộc sống. Đã qua rồi cái thời người viết còn e dè khi đặt bút viết về những tổn thất, mặt trái của cuộc chiến. Ngày nay, khi đọc nhiều tác phẩm viết về chiến tranh, độc giả thấy các nhà văn nhìn về cuộc chiến chân thực hơn. Tôn trọng sự thật khi viết về chiến tranh đó chính là cách xây dựng những tác phẩm có giá trị, được đông đảo bạn đọc chấp nhận. Hiện tượng cuốn nhật kí chiến trường của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc... là minh chứng rõ ràng nhất cho những điều vừa trình bày. Sức hấp dẫn của những tác phẩm này được tạo ra không phải là do chúng có nghệ thuật cao siêu mà nó hấp dẫn bạn đọc bởi miêu tả đúng tâm trạng, thân phận của con người trong chiến tranh.

Viết về chiến tranh “thực chất là đưa ra cách lí giải bằng nghệ thuật mối quan hệ giữa con người và chiến tranh” [39, 37]. Từ việc lí giải mối quan hệ ấy, người đọc sẽ phần nào thấy được quan điểm thái độ của nhà văn về hiện thực. Hơn nữa nó còn là yếu tố cốt lõi, ảnh hưởng tới phong cách của họ. Là một nhà văn khá trung thành với mảng tiểu thuyết về chiến tranh cách mạng, Khuất Quang Thụy luôn ý thức phải làm mới mình trong việc thể hiện đề tài này. Trả lời phóng viên nhân dịp cuốn tiểu thuyết của mình đoạt giải thưởng văn học của Bộ Quốc Phòng 1999- 2004, ông cho rằng: “Những bức tường lửa là sự khởi động lại chính tôi, đồng thời cố gắng đẩy mạch tư duy sáng tác về chiến tranh của tôi sang một giai đoạn mới” [64]. Nguyễn Bảo

Trường Giang cũng luôn trăn trở với ý nghĩ: “Phải viết thật về Thượng Đức, những sự thật vinh quang và cay đắng, những sự thật được và mất, cả những sai lầm và tổn thất để có được chiến thắng cuối cùng” [18]. Văn Lê cũng đã chia sẻ quan điểm của mình: “Viết về chiến tranh chứ không chỉ là chiến thắng” [26]. Nguyễn Chí Trung không những là nhà văn luôn tìm kiếm cho mình vốn sống thực tế mà ông còn có cả quá trình thâm nhập, trải nghiệm với vùng đất mà mình viết. Khi tâm sự về cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, ông cũng khẳng định: “Nếm trải thế nào, tôi kể lại thế ấy. Hiểu biết chừng nào, tôi viết chừng ấy” [69].

Tuy nhiên miêu tả hiện thực không có nghĩa là có sao thì nói vậy mà các nhà văn phải có sự chắt lọc để tạo những trang viết sinh động. Bởi “giữa hiện thực và phản ánh bao giờ cũng có một khoảng cách gọi là năng lực sáng tạo hay phạm trù thẩm mĩ. Nhưng chủ tâm dựa vào cái khoảng cách tất yếu đó để miêu tả méo đi, miêu tả theo ý muốn chủ quan mà bỏ đi tính tất yếu khách quan, dù méo đi theo hướng nào, kích lên hay hạ xuống cũng đều không chân thực, không là hạt nhân của thẩm mĩ văn chương” [31, 90]. Tất cả các quan niệm trên đã phần nào chi phối cách thức thể hiện trong tiểu thuyết của các nhà văn hôm nay.

Từ sự đổi mới quan niệm về hiện thực như trên, các nhà văn viết về chiến tranh giai đoạn 2004- 2009 đã mở rộng phạm vi phản ánh, hướng ngòi bút của mình vào thời điểm gay cấn của cuộc chiến nhiều hơn, nhìn thẳng vào những mất mát do chiến tranh gây ra, không né tránh cảnh chết chóc tàn bạo, cũng như những trận đánh ở thế không cân bằng lực lượng. Đặc biệt là các tác giả còn đi sâu vào những góc khuất của chiến trường mà trước đây nhiều người viết thường bỏ qua hoặc ít có điều kiện để nói đến. Đây là một trong những đặc điểm quan trọng của tiểu thuyết chiến tranh giai đoạn hiện nay.

Nhắc tới hai từ chiến tranh là nhắc tới bao hậu quả đi kèm theo nó. Và cũng không thể không nói tới hiện thực chiến trường dù nó diễn ra ở bất cứ nơi đâu, trong khoảng thời gian nào. Cảm nhận ban đầu của chúng tôi là các tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng giai đoạn 2004- 2009 đã miêu tả sự thật một cách trần trụi, không hề tô hồng, thi vị hóa. Đời sống chiến tranh được tái hiện qua hình ảnh trực diện của các cuộc chiến đấu - một hiện thực nóng bỏng trên cả bề rộng và bề sâu, ở nhiều tình thế phức tạp. Đó là những trận giao tranh quyết liệt, một mất một còn nơi tiền tuyến, có chiến thắng nhưng đi liền với nó là những tổn thất nặng nề trên mọi phương diện.

Là một nhà văn đã từng có nhiều tác phẩm viết về chiến tranh khá thành công, sau Không phải trò đùa, Góc tăm tối cuối cùng, vv… Khuất Quang Thụy tiếp tục cho ra đời tiểu thuyết Những bức tường lửa. (Và gần đây nhất là tiểu thuyết Đối chiến). Có thể nói Những bức tường lửa đã đánh dấu sự đổi mới trong việc thể hiện đề tài chiến tranh của tác giả trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Tác phẩm cũng được đánh giá là cuốn tiểu thuyết mang âm hưởng sử thi về cuộc chiến tranh chống Mĩ của dân tộc.

Không giống như nhiều tiểu thuyết viết về chiến tranh khác khi các nhà văn thường mở đầu bằng những chương đoạn tái hiện ngay cái khốc liệt của cuộc chiến. Những bức tường lửa được mở ra bằng hình ảnh của của đất nước những năm đầu của thiên niên kỉ mới với sự “trái tính trái nết” của trời đất và lời khẳng định “chiến tranh thì vẫn hiện diện như thể nó chưa bao giờ chấm dứt” [63, 7]. Cũng từ đây, người đọc sẽ thấy được bộ mặt của chiến tranh với đầy đủ những sắc thái của nó. Cuốn tiểu thuyết đã tái hiện quá trình vận động và tiến công nhằm phá tan “hàng rào điện tử Mắc Namara” của sư đoàn Hồng Bàng trên mặt trận Đường 9- Khe Sanh. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi hệ thống phòng tuyến kiểm soát từ xa của địch được trang bị những phương tiện kĩ thuật hiện đại bậc nhất cộng với hỏa lực tối đa để ngăn

chặn sự xâm nhập của Bắc Việt chi viện cho miền Nam. Bằng cái nhìn vừa bao quát vừa cận cảnh, tác giả đã tái hiện về cuộc chiến qua tương quan vũ khí giữa ta và địch, qua thế trận giằng co bom đạn dữ dội bất kể ngày đêm của quân ta với kẻ thù. Đó là cuộc chiến cam go, phức tạp với những khốn khó tột cùng của người lính Hồng Bàng.

Được khắc họa sâu đậm nhất trong tác phẩm chính là hình ảnh “đại đội Hùng Phong” trong các trận đối đầu trực tiếp với quân Mĩ. Đơn vị có những trận đánh được chuẩn bị kĩ lưỡng nhưng cũng có những trận lại diễn ra hoàn toàn bất ngờ. Trong khi kẻ thù “trút bom đạn không cần tính toán” thì các chiến sĩ của ta phải chia nhau từng quả lựu đạn, thậm chí họ còn xông lên cướp vũ khí của chúng để chiến đấu. Những người lính nhỏ bé song họ vô cùng dũng cảm, mưu trí, vận dụng linh hoạt nghệ thuật quân sự của cha ông. Dù máy bay đang lượn ngay trên đầu, bom bạn rơi tới tấp cũng không ngăn cản được tinh thần chiến đấu của họ. Ở trận đánh nào cũng có khung cảnh chiến đấu náo loạn âm thanh và đầy rẫy sự chết chóc. Những người đứng trên cương vị chỉ huy liên tục ngã xuống và thay vào đó là các chiến sĩ trưởng thành trong chiến đấu. Để đi đến chiến thắng trong mỗi trận giao chiến, không ít chiến sĩ phải hy sinh thân mình. Có bao nhiêu tình huống khiến cho người lính phải bỏ mình nơi chiến địa thì có bấy nhiêu kiểu hy sinh của họ: đi trinh sát thực địa vướng mìn, sập hầm, bị mảnh bom găm vào cơ thể, dính đạn của kẻ thù, chết cháy… “Chiến tranh đã thò ra những nanh vuốt đích thực của nó” [63, 282]. Quả thực, nhiều trang viết của nhà văn đã để lại trong lòng bạn đọc sự ám ảnh về sức hủy diệt khủng khiếp của chiến tranh. Tang thương, đổ nát, hoang tàn là những gì còn lại sau mỗi cuộc chiến. Sự mất mát ấy đến với cả hai phía, đó là sự thực mà nhà văn không hề né tránh.

Sống và chiến đấu trong môi trường khắc nghiệt như thế, người lính của sư đoàn Hồng Bàng luôn phải gồng mình lên để vượt qua sự thiếu thốn

trăm bề và cả những phút dao động trong tâm hồn. Bước vào những trận đấu nảy lửa, không ít người đã run sợ trước cái chết, thậm chí có người như hóa điên khi chứng kiến bạn thân của mình ra đi trong đau đớn. Nhưng thực tế chiến trường đã dạy cho họ một bài học: phải quen dần với sự mất mát đó. Phải là người từng trải qua cuộc chiến, thấu hiểu người lính, nhà văn mới có thể diễn tả được những tâm trạng, tình cảm chân thật của người lính như vậy.

Chiến tranh tự nó đã mang trong mình nhiều sắc màu nghịch lí “có cả mất mát tột cùng và cả hào hùng tột độ, có cả trần trụi và có cả những khoảnh khắc lãng mạn, châng lâng” [30, 102]. Ở mặt trận đường 9- Khe Sanh, cái vẻ khốc liệt của chiến sự dường như vơi đi phần nào khi ta chứng kiến những phút giây bình yên, lãng mạn của người lính nơi đây. Những câu đùa tếu táo, bữa ăn được cải thiện từ đồ khô hay cái tết Mậu Thân trước ngày là hình ảnh sinh động nhất cho thấy tình đoàn kết, sự chia sẻ ngọt bùi của họ trong lúc tiếng súng ngừng nổ. “Chính sự lãng mạn trong sâu thẳm tâm hồn người lính đã giúp họ bay lên, chế ngự và chiến thắng tuyệt đối sức mạnh của kẻ thù” [32, 173]. Cuốn tiểu thuyết không chỉ hấp dẫn người đọc bằng các trận đánh căng thẳng địch ta mà hơn hết nó còn lôi cuốn người đọc bằng một số tình huống rất đời thường. Anh chàng Hướng cắt tóc và bỏ quên cái mũ sắt Triều Tiên của mình hay chuyến đi trinh sát thực địa mà nhân vật Côn phải ngủ trong một chiếc hầm cùng với những người nữ du kích địa phương. Và sau đó là những xúc cảm giới tính không biết là mơ hay thực của người lính trinh sát này. Ấn tượng nhất là cảnh lính Hồng Bàng giải khát bằng nguồn nước từ chỗ cái giếng cạn còn lại duy nhất trong ngôi làng hoang. Họ háo hức uống mà không biết dưới đáy giếng kia là những xác người trơ xương từ bao giờ. Đây là chi tiết rất thực, nó cho thấy sự thiếu thốn vất vả trong sinh hoạt của người lính đồng thời cũng là một chi tiết tố cáo sức hủy diệt của chiến tranh.

Không chỉ dừng lại ở đó, Khuất Quang Thụy còn đi sâu vào những góc khuất nơi chiến trường. Ở vùng đất khói lửa này, khi mà cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào vẫn còn có những kẻ ham sống sợ chết, mưu cầu lợi ích cá nhân. Tiểu đội trưởng Nguyễn Xuân Khoái là người tài ba, lanh lợi, có công đưa tiểu đội mình ở vị trí tốp đầu trong huấn luyện nhưng anh ta cũng là người có những việc làm đáng lên án. Trong khi anh em chiến sĩ phải nằm hầm ngủ chật chội, nóng bức thì Khoái lại tạo cho mình một “không gian riêng”. Không gian ấy là nơi anh ta trao đổi mua bán những thứ hàng hiếm. Hơn nữa anh ta còn “can tội hối lộ bác sĩ giám định, làm giả hồ sơ bệnh tật để trốn tránh nhiệm vụ đi chiến đấu giải phóng miền Nam” [63, 168]. Tiểu đoàn trưởng Hoàng Mạnh và tiểu đoàn phó Phạm Quang Vinh chỉ vì cay cú cá nhân đã thi bắn súng để so tài. Đó là những sai lầm không đáng có của những người chỉ huy.

Nếu như Những bức tường lửa của Khuất Quang Thụy đưa người đọc đến không khí của những trận đánh trực diện trong kháng chiến chống Mĩ thì

Thượng Đức của Nguyễn Bảo Trường Giang lại đưa người đọc đến một mặt trận khác mà không kém phần gay go quyết liệt: trận chiến với kẻ thù Mĩ Ngụy. Bám sát những sự kiện và nhân vật lịch sử, Nguyễn Bảo Trường Giang miêu tả trận đánh vào Thượng Đức của sư đoàn 304. Đây là trận đánh có ý

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 26 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)