Văn học bao giờ cũng là câu chuyện của con người. Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được nhà văn miêu tả, thể hiện trong tác phẩm. Văn học không thể thiếu nhân vật, bởi vì nó là hình thức cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng. Nhân vật trong tác phẩm văn học thường giữ vai trò cốt yếu trong tổ chức của truyện. Hiểu một cách đơn giản, tiểu thuyết là câu chuyện về các nhân vật. Đó chính là lí do vì sao phân tích nhân vật là một trong những phân tích có tính chất nền tảng nhất.
Là một thể loại có vị trí trung tâm trong hệ thống thể loại văn học cận, hiện đại, tiểu thuyết mang trong mình những đặc điểm riêng trên nhiều phương diện, trong đó là khả năng xây dựng và thể hiện nhân vật. Như tất cả các tác phẩm có cốt truyện khác, “nhân vật trong tiểu thuyết là hạt nhân của sự sáng tạo nghệ thuật, là trọng điểm để nhà văn giải quyết các vấn đề của đời sống xã hội” [15, 191]. Cái làm cho nhân vật tiểu thuyết khác với nhân vật kịch, nhân vật sử thi, nhân vật trong truyện trung cổ là ở chỗ nhân vật tiểu thuyết là “con người nếm trải”, con người được miêu tả sinh động như ngoài đời.
Cùng với việc đổi mới quan niệm về hiện thực, văn học giai đoạn 2004- 2009 có sự tiếp nối trong việc đổi mới quan niệm về con người của văn học các giai đoạn trước. Hai cuộc kháng chiến của dân tộc kéo dài khiến cho một số nguyên tắc miêu tả con người thời chiến trở thành quy phạm, “sự kiện lấn át con người”, “nhân vật chỉ đóng vai trò làm đường dây xâu chuỗi các sự kiện lịch sử với nhau” [16, 79]. Sau khi chiến tranh kết thúc, quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi bắt đầu có sự chuyển biến. Con người từ điểm nhìn lí tưởng hóa được đặt vào điểm nhìn thế sự, đời tư. Con người được tiếp cận ở nhiều tư cách, vị thế, trên nhiều bình diện khác nhau. Các nhà
văn đã quan tâm đến con người như một cá thể, một thực thể sống, trong đó chứa đựng cả cái phần nhân loại phổ quát. Cái nhìn về con người đã không còn rạch ròi tốt- xấu, trắng- đen, cao cả -thấp hèn như trước.
Đổi mới trong việc xây dựng nhân vật là một trong những biểu hiện rõ nét nhất cho thấy sự đổi mới trong quan niệm về con người của tiểu thuyết viết về chiến tranh giai đoạn 2004- 2009. Sự thức tỉnh ý thức cá nhân và tinh thần nhân bản đã đưa lại cho tiểu thuyết giai đoạn này một khuôn diện mới. Đặt con người trong các quan hệ nhân sinh cụ thể, nhiều chiều, đó chính là cách xử lí phổ biến của các nhà văn hiện nay. Có lẽ chính vì thế mà hầu như các tác phẩm không chủ tâm xây dựng nhân vật kì vĩ đặt trong hệ quy chiếu của các giá trị cộng đồng như trước đây nữa mà chỉ chú ý khai thác tâm lí, quá trình ý thức của nhân vật trong mối liên hệ với hoàn cảnh. Nhiều tác phẩm vẫn có những kiểu nhân vật quen thuộc của văn học sử thi 1945- 1975 song đã được các nhà văn khai thác ở góc độ mới. Để đảm bảo tính chân thực, các nhà văn đã đưa vào tác phẩm của mình những nhân vật có thật ngoài đời tuy vậy cũng không xem nhẹ các nhân vật hư cấu.