Ngôn ngữ độc thoại nội tâm

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 95 - 99)

Độc thoại nội tâm là phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí, mô phỏng hành động, cảm xúc suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó. Mặc dù là những tiểu thuyết bám sát các sự kiện lịch sử, thiên về kể nhưng hầu hết các tác phẩm đều có sự xuất hiện sự độc thoại nội tâm của nhân vật với mức độ đậm nhạt khác nhau. Tuy vậy so với các tiểu thuyết được triển khai trên dòng ý thức thì trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh cách mạng giai đoạn 2004- 2009, độc thoại nội tâm xuất hiện với tần số khiêm tốn hơn. Ai cũng biết con người có thế giới nội tâm vô cùng phức tạp. Được giãi bày tình cảm, suy nghĩ là nhu cầu không thể thiếu của con người. Người lính hơn bao giờ hết cũng không nằm ngoài những quy luật đó. Trong điều kiện chiến tranh, nhất là khi phải rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt, có tính chất bước ngoặt, nhu cầu giãi bày ấy lại càng mãnh liệt hơn. Tâm sự với đồng đội, với người thân, với bạn bè và tâm sự với cả chính mình sẽ giúp người lính thanh thản hơn. Cũng từ đó họ có thêm năng lượng để bước vào những thử thách mới.

Trong Những bức tường lửa, những màn độc thoại của nhân vật Lân xuất hiện với tần số cao. Trước những biến động của thiên nhiên và chiến tranh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, ông phải thốt lên: “Một thời đại văn minh thì việc giết người cũng phải thật văn minh” [63, 8]. Những màn độc thoại của nhân vật thường xuất hiện trong các tình huống đặc biệt. Chẳng hạn khi bắt đầu vào cuộc chiến, được bắn viên đạn đầu tiên, trong lòng Lân đã có những suy nghĩ về kẻ thù: “Không hiểu chúng bắn gì mà khiếp thế. Mới động có một tẹo như thế mà chúng trút ra hàng tấn đạn rồi. Thằng giặc này quả là giàu thật đấy.” [63, 256]. Chứng kiến cái chết không phải do kẻ thù đem đến mà là do tinh thần hoảng loạn của đồng đội khi trinh sát địa hình của địch, anh đã tự hỏi: “Dĩ nhiên, như mọi tờ giấy báo tử khác, trên giấy phải có dòng chữ “đã hy sinh anh dũng trong chiến đấu”. Chứ còn biết làm sao? Ai còn nỡ lòng phán xử người đã chết để xem anh ta đã chết trong tư thế nào?” Trong cuốn sổ mà Thanh tặng, Lân đã độc thoại rất nhiều về sự hy sinh, mất mát to lớn của nhân dân ta và sự phi lí của chiến tranh. Nhân vật Hùng Phong cũng có lúc nói lên những suy nghĩ của mình trước thi thể của những tên lính Mĩ: “Cả hai thằng Mĩ vẫn mở mắt trừng trừng những đôi mắt xanh,….vì sao cái chết lại đến với chúng đột ngột và khủng khiếp như thế” [63, 21].

Tiếng khóc của nàng Út là câu chuyện được kể dựa trên hàng loạt những hồi ức. Và nhân vật Toàn trong tác phẩm này cũng có những giây phút trải lòng mình trước hoàn cảnh. Lời độc thoại dồn tụ vào các câu hỏi dường như không có câu trả lời. Đó là dòng suy tư về những người tham gia cách mạng: “Sự nghiệp chung to tát đến thế, sao chỉ có một nhóm người? Mà nhúm người gánh vác ấy dường như cứ lần hồi mất dần...Có những người mất đi tan lãng trong quá khứ. Làng có nhớ tên họ không... Rồi đây có ai bao nhiêu người đã hỉ xả trong những ngày này và trước những ngày này?”

Trong tác phẩm có rất nhiều đoạn độc thoại của Toàn về lòng dân đối với cách mạng, của Bường về tình yêu, về cái chết:

“Cái chết vốn là sự khủng khiếp đối với con người, sống gửi chết về, đó chỉ là thương nhau mà an ủi. Chết là mãi mãi không còn … Vậy mà thế hệ đẹp đẽ này coi cái chết nhẹ nhàng, thản nhiên, cái chết chỉ là bắt đầu cuộc sống trường tồn của một nhân cách….” [70, 341].

Và đặc biệt những suy nghĩ ấy nhiều khi không còn lặng lẽ nữa mà đã bật lên trong tiếng khóc của nàng Út trước cái chết của Toàn. Một nỗi đau quá lớn, một sự xót xa vô hạn đã khiến cho nàng không kìm nổi lòng mình. Ngay như một nhân vật có tính chất phản diện như ông quyền bí thư huyện ủy cũng có những lời tự vấn khi một mực tuyên truyền cho đồng chí của mình phải chấp hành tuyệt đối điều 14C của Hiệp định Giơnevơ trong khi chính ông ta cũng hoài nghi về nó:

“Mình giao giảng hòa bình nhưng lại phải giắt theo súng, giắt theo súng

côn đu đàng hoàng, nhưng lại chần chừ, khi phải dùng súng thì lại bắn chỉ thiên…Mình giấu trong bụng tấn bi kịch đầy hài hước ấy bằng bộ mặt nghiêm trang giả dối và trừng trị những ai cho mình là giả dối…Bây giờ mình đang là quyền bí thư. Chẳng bao lâu nữa nếu ông bí thư còn đau, người ta có thể cắt chữ Q. Mình hốt trước hai thằng nhép này à?” [70, 125].

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sĩ Việt trong Mùa hè giá buốt cũng đã không ít lần thể hiện sự bi quan về cái chết, về những tổn thất lớn của cuộc chiến:

“Chiến tranh là vậy. Khắc nghiệt và bạo tàn. Mạng người như cây cỏ. Cười đó rồi chết đó! Vừa thấy đó mà bỗng hóa gió mây!” … Cay đắng lắm, phũ phàng lắm, muốn sống lắm nhưng chắc gì đã được. Có ai đó nói rằng bom đạn không có mắt! Điều này thật chí lý. Bởi bữa nay nó không xuyên

vào anh….. Nhưng không lẽ bom đạn cứ tránh đường cho anh đi qua cuộc chiến tranh? [42, 29].

Hay khi Việt nghĩ về sức mạnh nào khiến những người lính hành động quả cảm trong chiến đấu: “Anh không thể giải thích được rằng tại sao, khi phát lệnh xung phong, các đại đội đã tràn lên như bầy sói hung hãn đạp qua cả xác đồng đội mình tại chỗ cửa mở để tràn vào căn cứ? Phải chăng họ không biết sợ? Họ muốn trả thù hay khao khát lập chiến công? Điều gì thôi thúc họ bất chấp hy sinh, coi thường cái chết?” [42, 36].

Độc thoại nội tâm không chỉ cho thấy những tiếng nói bên trong của nhân vật mà còn cho độc giả thấy khả năng phân tích tâm lí nhân vật của nhà văn. Trong Thượng Đức không ít lần tư lệnh Hai Mạnh phải trăn trở trước lời đề nghị cho quân chiếm lại vùng Đại Lộc:

“Liệu huy động toàn bộ lực lượng lấy lại vùng B Đại Lộc có làm cho tình hình sáng lên không? Có đấy từ trên xuống dưới sẽ khối người bớt cay cú….Nhưng vị chỉ huy trận mạc thì không thể chỉ vì cái đó. Hàng trăm hàng nghìn người sẽ hy sinh chỉ vì một tính toán cá nhân, một sự bốc đồng vô lối… Thà để mọi người chê bai, hiểu lầm, thà bị mất cấp, mất chức chứ không thể liều lĩnh, ngông cuồng” [14, 28].

Những lời độc thoại trên đã không những cho ta thấy được suy nghĩ, cân nhắc của nhân vật mà còn toát lên nhân cách đáng quý của người chỉ huy. Cũng trong tác phẩm này còn có khá nhiều các màn độc thoại của các nhân vật khác. Đó còn là tâm trạng của nhân vật Ngoãn đấu tranh khi nảy ra ý định “chấm dứt đời quân ngũ”, anh băn khoăn đấu tranh tư tưởng có nên thú nhận với vợ hay không và hậu quả của việc bỏ đơn vị về nhà sẽ như thế nào. Nghệ thuật tạo tình huống cùng với độc thoại nội tâm đã khắc sâu tâm trạng rất thực của một người lính khi bị rơi vào hoàn cảnh phải có sự lựa chọn khắc nghiệt.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 95 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)