Vốn là kiểu nhân vật được khắc họa sâu đậm trong tiểu thuyết mang tính chất sử thi các giai đoạn trước, nhân vật quần chúng giờ đây vẫn xuất hiện trên trang viết của các nhà văn. Trước 1975, kiểu nhân vật này thường đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm. Đó là “con người của số đông lực lượng cách mạng. Họ giống nhau trong xuất thân và trong cuộc đổi đời do cách mạng đem lại, trong ý chí và niềm tin cách mạng thể hiện qua hành động hàng ngày, trong tinh thần chịu đựng gian khổ, nén tình riêng vì sự nghiệp chung…Con người quần chúng đó được ý thức chủ yếu qua các tình huống tập thể, đám đông nhân dân, bộ đội, dân công” [50, 7].
Đến nay, hình tượng nhân vật quần chúng không còn chiếm vị trí quan trọng nữa, đó thực sự chỉ là những nhân vật “làm nền” cho tác phẩm. Trong các tiểu thuyết, nhân vật quần chúng vẫn được mô tả là những con người với các phẩm chất cao quý, một lòng một dạ chở che cách mạng. Họ thường có tấm lòng kiên trung đối với Đảng, với cách mạng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đọc Thượng Đức, hẳn độc giả không thể quên được khí thế hừng hực của quân dân nơi đây. Họ xả thân để có ngày độc lập tự do:
“Những bà mẹ lao lên trước mũi xe ủi của thằng địch, … Những chị ôm con nhỏ trong lòng lăn ngay ra trước xe bọc thép địch. Những đoàn học
sinh trẻ măng phơi phới tuổi xuân rầm rập xuống đường biểu tường biểu tình đấu tranh…” [14, 256].
Cũng trong tác phẩm này, ta còn được chứng kiến không khí cách mạng của cán bộ, du kích Quảng Đà nhiệt tình gan góc. Họ góp phần không nhỏ cho cuộc chiến đấu nơi đây: “… Hàng nghìn hàng vạn con người nô nức đổ ra rừng. Người kín đen trên dọc lối đi mới phát. Áo xanh bộ đội nhạt nhòa trong nắng đổ lửa... Đường mở tới đâu, đạn, gạo, pháo, chuyển tới đó” [14, 147]. Đây thực sự là trang viết thể hiện không khí cách mạng đầy tính sử thi. Nó khiến cho người đọc càng trân trọng tấm lòng quả cảm, sự hy sinh vô bờ bến của cha ông ta trong quá khứ.
Ta cũng thực sự ấn tượng với Cẩm Linh (Thượng Đức) - cô gái trẻ trong nhiều cương vị: cán bộ phụ nữ, cán bộ lương thực, giao liên dẫn đường. Người cha già của cô cũng không quản hiểm nguy, đi sâu vào lòng địch, làm nhiệm vụ lấy thông tin cho cán bộ. Họ sẵn sàng hy sinh thân mình vì sự nghiệp giải phóng Thượng Đức. Ở Những bức tường lửa là chị Sáu “phóng lựu” mạnh mẽ, dũng cảm, dày dạn kinh nghiệm chiến trường, dám chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trong cuộc đối đầu với kẻ thù trên vùng đất Quảng Trị quê hương, một cô Lài du kích quyết theo bước chân của người chị đi trước trong sự nghiệp cách mạng vv…Chính những cá thể nhỏ bé như thế đã góp phần tạo nên sức mạnh cho kháng chiến, một sức mạnh của lòng dân khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ.
Trong những ngày cách mạng gặp nhiều khó khăn, lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì cách mạng của quần chúng càng được nhân lên gấp bội phần. Đọc Tiếng khóc của nàng Út, sẽ không ai có thể quên được những người dân miền Trung đã từng bao bọc che chở cho cán bộ cách mạng. Đó là bà mẹ On, ông bà Sang, những người phụ nữ, người yêu,… giàu đức hy sinh. Họ đã phải chịu bao cực hình, thậm chí đánh đổi mạng sống của mình chứ nhất định
không chịu hé răng một lời về những bí mật cách mạng. Hành động và lời nói của người cha Toàn khi bị địch sự tra tấn dường như đã gói ghém tất cả tình cảm dành cho cách mạng của người dân xứ Quảng:
“Tau làm cộng sản đây, con tau làm cộng sản đó, chúng mày làm gì thì làm. Cả thôn này cộng sản, cả xã này cộng sản, cả tỉnh này cộng sản…” [70, 113].
Dù ở trong hoàn cảnh nào họ vẫn là chỗ dựa, là hậu phương vững chắc tiếp thêm sức mạnh cho cách mạng. Tấm lòng kiên trung của họ dường như không có gì dập tắt nổi. Cũng ở tác phẩm này, người đọc còn được chứng kiến hình ảnh người dân Tây Nguyên tham gia kháng chiến theo cách riêng của mình. Tình yêu nước, yêu đồng bào nguyên sơ của đồng bào dân tộc nơi núi rừng đã cho thấy tình cảm quân dân ấm áp đến chừng nào. Trong Mùa hè giá buốt, Văn Lê cũng không bỏ qua việc miêu tả nhân vật quần chúng. Điển hình là trường hợp của Bích Vân, từ một cô gái ngây thơ, trong sáng cô đã trở thành chiến sĩ giao liên dẫn đường một cách tình cờ. Chính hiện thực cuộc chiến đã tác động không nhỏ vào suy nghĩ của Bích Vân và đó là động lực để cô đến với cách mạng và sống hết mình vì nó.
Bên cạnh đó các tác phẩm còn lưu ý đến việc thể hiện thái độ của các nhân vật quần chúng với cách mạng. Đây là biểu hiện cho thấy các nhà văn đã từ bỏ cái nhìn đơn điệu về kiểu nhân vật này. Hiện lên trên trang sách không chỉ là những quần chúng yêu nước, đồng lòng với cách mạng, với Đảng mà còn có một số người không nhận thức rõ vấn đề đúng sai, có hành động đi ngược lại với cộng đồng. Thậm chí có lúc niềm tin của họ bị lung lay khi Đảng sai lầm, khuyết điểm. Trường hợp của ông Ngoãn trong Những bức tường lửa, một số nhân vật trong Tiếng khóc của nàng Út là minh chứng cho thấy các nhà văn hiện nay đã thể hiện cái nhìn sâu sắc hơn về kiểu nhân vật này. Đó là cái nhìn hoàn toàn chính xác, nó phản ánh đầy đủ cuộc sống của
quần chúng cách mạng. Bởi trên thực tế sẽ là rất khó để tất cả mọi người dân đều có suy nghĩ và hành động đúng trước bất cứ vấn đề gì.