Giọng điệu suồng sã, tự nhiên

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 106 - 108)

Đây là gam giọng điệu ít xuất hiện trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh trong giai đoạn 1945- 1975 bởi văn học giai đoạn này bị tư duy sử thi chi phối. Trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh hiện nay, hầu như các tác phẩm đều có sự xuất hiện của giọng điệu này. Điều đó cho thấy tiểu thuyết đã

bám sát và tái hiện đời sống như nó vốn có. Hệ thống các từ ngữ thông tục và một phần nhỏ ngôn ngữ hàng ngày thể hiện trong lời nói của nhân vật khiến cho giọng điệu thân mật hơn và nó đem lại hiệu quả trong cách kể của tác phẩm. Chính giọng điệu này đã tạo ra những đoạn văn mang tính hài hước, góp phần làm nên sự đa giọng điệu của nhiều tiểu thuyết. Giọng điệu nghiêm trang, nhanh gọn, dứt khoát được toát lên qua các mệnh lệnh chiến đấu như được “mềm hóa” hơn qua các giọng điệu mang tính suồng sã, thông tục này. Chẳng hạn như trong Những bức tường lửa, gam giọng này chiếm một tỉ lệ lớn. Nó thường có trong các đoạn hội thoại của nhân vật. Đây là ngôn ngữ của người lính xuất thân từ nông thôn với cách xưng hô thân mật, lối đối đáp ngắn gọn, ồn ào:

- “Tiên sư ông. Tôi phải mất một lạng thuốc lào hảo hạng để đổi cho thằng Nhượng bên bếp tiểu đoàn đấy. Từ giờ nó thực sự là của ông, liệu mà giữ lấy kẻo mất gáo với ông Báo chứ chả chơi đâu!” [63, 153].

Còn đây là lời nói của một chính trị viên khi nhận xét về một chính trị viên cấp dưới:

“Cái thằng Báo nó nói hay như sáo ấy. Đến cầy cáo trong lỗ cũng phải bò ra để nghe…. Nói thật tôi chỉ thích làm cán bộ quân sự như ông thôi. Tổ chức vô lí bỏ mẹ, đâu phải không có chó mà cứ bắt mèo ăn cứt” [63, 227]...

Trong tác phẩm này, chúng ta cũng được thấy ngôn ngữ thông tục, suồng sã xuất hiện cả ở những người chỉ huy tuy tần số không nhiều. Giọng điệu này cũng dễ dàng tìm thấy trong Mùa hè giá buốt của Văn Lê: “Bỏ lỡ thời cơ này phí lắm! Cần phải cho bọn Mĩ vãi đái ra quần ngay khi vừa đặt chân tới đây” [42, 92]. Tương tự, trong Thượng Đức, giọng điệu suồng sã, tự nhiên cũng được tác giả khai thác.

Những sắc thái giọng điệu này không chỉ thể hiện rõ cá tính mà còn cho thấy đặc trưng ngôn ngữ của những người lính trẻ tuổi, yêu đời, vô tư.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 106 - 108)