Việt Nam là một dân tộc có lịch sử gắn liền với các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Vì thế như là một điều hiển nhiên, trong văn học hình tượng người lính đã trở thành đối tượng quan tâm thể hiện của bao người nghệ sĩ. Với rất nhiều nhà văn, viết về người lính dường là cách thể hiện tình cảm yêu mến, lòng tri ân, và đó cũng là dịp để họ thử ngòi bút của mình. Nói như thế để chúng ta có thể thấy rằng, người lính là nhân vật trung tâm trong các tác phẩm viết về chiến tranh. Sự thành công hay thất bại của tác phẩm ấy một phần phụ thuộc vào việc xây dựng loại hình nhân vật này.
Với tham vọng khám phá những mảng hiện thực xoay quanh các sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc, các tác phẩm viết về chiến tranh giai đoạn 2004- 2009 thường có hệ thống nhân vật đông đảo, thành phần phức tạp. Đặc biệt, người lính vẫn nổi lên là hình tượng trung tâm, xuất hiện từ đầu đến cuối trong các tiểu thuyết. Thông thường, người lính được xây dựng theo sự phân cấp đơn vị: từ chỉ huy các cấp cho tới người chiến sĩ bình thường. Tất cả thống nhất thành một tập thể người lính góc cạnh, đa diện, vừa mang trong mình những nét chung vừa mang trong mình những cá tính không thể trộn lẫn được.
*Nhân vật ngƣời chỉ huy- anh hùng
Là những cuốn tiểu thuyết mang âm hưởng sử thi, Những bức tường lửa, Thượng Đức, Tiếng khóc của nàng Út, Mùa hè giá buốt đều có những mới mẻ trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Trong các tiểu thuyết trên, các nhà văn đã có ý thức “phá vỡ” quan niệm về người chỉ huy nói riêng và người anh hùng nói chung vốn có của tiểu thuyết mang âm hưởng sử thi các giai đoạn trước. Đặc biệt, trước năm 1975, tư duy sử thi đã chi phối mạnh mẽ các nhà văn. Nhiều tác giả đã xây dựng nhân vật là những con người toàn vẹn, lí tưởng trên nhiều phương diện. Trong các tác phẩm, nhân vật thường đẹp cả tính cách, hành động và trong sáng về lí lịch. Đó là các nhân vật được khai thác dưới góc độ của con người công dân- cộng đồng mà ít được khám phá dưới góc độ đời tư cá nhân. Nhìn chung, các nhân vật được “miêu tả như siêu nhân, dường như sinh ra cốt để suy tư và hành động theo lí trí vạch sẵn. Họ đã bị người viết tước đi cái phần phong phú đa dạng của con người, chỉ còn lại cái lõi xơ cứng” [71].
Trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh cách mạng giai đoạn 2004- 2009, người chỉ huy- anh hùng không còn được các nhà văn xây dựng theo công thức cũ nữa. Các nhân vật đã được chú ý đến nội tâm với những diễn biến phong phú, đa dạng. Xét về mặt nhân cách, họ là những con người vừa bình thường vừa cao cả. Họ là những con người đúng nghĩa của nó, gần gũi với cuộc sống hơn. Nói như Nguyễn Khải thì đó là những người “có cái tầm vóc có thể lớn hơn chúng ta, là người của một giai đoạn nhất định, với những tiến bộ và hạn chế, những ưu điểm và nhược điểm…..con người như trong cuộc sống, con người trưởng thành, qua nhiều đấu tranh trong sự nghiệp lớn của cách mạng” [28].
Quan sát các tác phẩm, chúng tôi thấy người chỉ huy (đồng thời cũng là người anh hùng) là nhân vật có mặt hầu hết ở trong các tác phẩm với mức độ đậm nhạt khác nhau. Họ là những người có tài quân sự với các phẩm chất
tuyệt vời như bình tĩnh, nhanh trí, dũng cảm, bác ái. Điều này ta có thể tìm thấy trong những nhân vật Hùng Phong (Những bức tường lửa), Hoàng Đan (Thượng Đức), Nguyễn Sĩ Việt (Mùa hè giá buốt) vv… Điểm nổi bật nhất trong nhân cách của những người chỉ huy này chính là ở chỗ: họ luôn yêu thương và có trách nhiệm với đồng đội. Họ có ý thức giữ gìn tính mạng người lính như giữ gìn tính mạng của mình. Đó là phẩm chất cần có nhất của mỗi người cầm quân. Trong Thượng Đức, nhiều lần tư lệnh Hai Mạnh trăn trở: “...đối với người chỉ huy từng trải, thắng hay thua cũng là một lẽ bình thường. Tuyệt nhiên cái cấm kị, cái không bình thường của người chỉ huy là coi thường sinh mệnh của người lính” [14, 376]. Sư trưởng Lê Công Phê cũng bày tỏ: “Người biết cầm quân phải là người biết giữ quân. Đó là đạo của người chỉ huy. Chỉ huy nghĩ đến chiến thắng, không nghĩ đến xương máu bộ đội, theo tôi là người chỉ huy tồi” [14, 446]. Ngay cả những người chỉ huy “cấp dưới” như Ngoãn cũng không đồng ý với kế hoạch của cấp trên khi động viên bộ đội mỗi đêm đánh lấy một trận. Suy nghĩ của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sĩ Việt (Mùa hè giá buốt) cũng không là ngoại lệ: “Xét dưới góc độ tôn giáo thì dẫu mục đích có cao cả đến thế nào đi chăng nữa mà dẫn đến “sát sinh” cũng đều bị coi là ác. Người chỉ huy phải ý thức được điều này để tự điều chỉnh hành vi cá nhân, không vì được phép mà sử dụng con người một cách phung phí. Họ phải cân nhắc một cách kĩ lưỡng để biến cái “được phép” trở thành “không được phép” bằng nhân tính con người.” [42, 49]. Nhân vật Hùng Phong trong Những bức tường lửa tuy không nói lên những suy nghĩ của mình nhưng anh cũng thấy “dường như mình có trách nhiệm rất nặng nề trước những hy sinh của đồng đội” [63, 373]. Người cán bộ cấp cơ sở như Toàn trong Tiếng khóc của nàng Út cũng đã không ít lần “chất vấn” sự chấp hành điều 14C trong Hiệp định Giơnevơ, phản đối chủ trương đưa đảng viên
ra hoạt động công khai của cấp trên dẫn đến nhiều cái chết thương tâm của biết bao cán bộ, chiến sĩ của ta.
Không ai có thể hoàn hảo tới mới tuyệt đối dù người đó có là thiên tài đi chăng nữa. Những người chỉ huy được miêu tả trong các tác phẩm trên cũng vậy. Ai cũng biết người anh hùng cũng chỉ lập được những chiến công, kì tích phi thường trong phút chốc, còn trong thực tế họ vẫn là một con người bình thường với mọi buồn vui, hờn giận, thậm chí là hèn yếu của kiếp nhân sinh. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi người đọc chứng kiến nếu ở chiến trường họ là những người anh hùng mang trong mình những phẩm chất cao đẹp thì trong đời thường họ cũng có không ít tính xấu vốn ẩn giấu trong mỗi con người. Hùng Phong (Những bức tường lửa) là người chỉ huy thông minh, sáng suốt, được cấp trên tin tưởng, được đồng đội yêu mến, cảm phục. Trên chiến trường, không ai có thể chê trách anh điều gì nhưng trong “tình trường” thì Hùng Phong lại là con người hoàn toàn đáng trách. Tuy không hề yêu Đào nhưng vẫn lợi dụng tình cảm của cô. Anh yêu Thanh- cô bạn gái người Hà Nội xinh xắn, làm cho Thanh có thai nhưng anh lại không đủ dũng khí để kết duyên vợ chồng. Người Hùng Phong chọn làm vợ lại là con gái một vị tướng dù cho cô này “xấu và gầy nhẳng”. Xây dựng nhân vật có những đặc điểm tính cách hoàn toàn trái ngược nhau như thế, nhà văn không hề biện hộ cho nhân vật của mình mà để nhân vật hiện lên qua cái nhìn của đồng đội. Trong con mắt của của Côn, Hùng Phong “có những hành động anh hùng” nhưng “cũng là kẻ cơ hội biết chiều đời, lựa gió” [63, 115]. Dưới sự quan sát của Lân, Hùng Phong là người “có ý chí thép, định làm điều gì là làm bằng được” [63, 145]. Ở “con người ấy vừa có cái gì đểu cáng vừa thẳng thắn”. Đó thực sự là một người có tính cách không hoàn toàn tốt mà cũng không hoàn toàn xấu.
Cũng trong tác phẩm này, Khuất Quang Thụy đã miêu tả chính ủy Lương Xuân Báo- một người cán bộ chính trị suốt cuộc đời cống hiến cho
cách mạng. Ông là người nhạy bén trong công tác cán bộ, biết phát hiện “người tốt việc tốt”, nhân lên thành những điển hình để chiến sĩ trong đơn vị noi theo. Những thành công của Hùng phong ít nhiều có đóng góp công sức của người chính ủy này. Tuy vậy, chính Lương Xuân Báo cũng mắc không ít khuyết điểm, đi ngược lại những nguyên tắc sống của mình. Biết rõ những điểm xấu trong nhân cách của Hùng Phong nhưng ông đã không hề lên tiếng mà cố tình bao che cho đối tượng mà ông đã dày công vun đắp, vốn tốt đẹp trong con mắt của bao người.
Hoàng Đan (Thượng Đức) là một vị chỉ huy đã kinh qua trận mạc với “đôi bàn chân in dấu khắp các nẻo chiến trường”. Hơn nữa Hoàng Đan còn được đào tạo, học hành chu đáo ở trong và ngoài nước, lại trải qua các cương vị chỉ huy từ cấp trung đội đến sư đoàn, làm công tác giảng dạy ở học viện nhà trường. Trên cương vị chỉ huy, Hoàng Đan rất thích bài bản, rành mạch trong công việc. Ông xông xáo, tìm quyết sách lãnh đạo đơn vị chiến đấu để giành lại Thượng Đức. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để khẳng định, ở Hoàng Đan hội tụ nhiều phẩm chất cao quý của người chỉ huy - anh hùng. Tuy vậy Hoàng Đan cũng không phải là một người hoàn hảo trong mắt của mọi người. Bởi ở vị tướng “đánh giặc hết mình” này còn có những nét tính cách làm người khác chú ý: “nói tục hết cỡ và đối với đàn bà con gái thì… dạt dào tình cảm lắm” [14, 174]. Ở Thượng Đức, tác giả cũng dành khá nhiều trang viết để nói về Trung đoàn trưởng Nguyễn Quỳ. Đây cũng là một người chỉ huy thẳng thắn, có trách nhiệm cao trong công việc song anh cũng có những khiếm khuyết trong tính cách: nóng nảy và nhất là lại mắc tội “trai gái‟. Do không kiềm chế được mình cho nên anh đã có những phút giây “quan hệ” mặn nồng với Thắm, trong khi cô không phải là người yêu cũng chẳng phải là vợ của anh.
Trong lĩnh vực chuyên môn, mặc dù các nhân vật chỉ huy trên đều tài giỏi về mặt quân sự song đôi lúc họ cũng không tránh khỏi sự nóng vội chủ quan, duy ý chí, thậm chí coi thường địch. Ý kiến của Hoàng Đan trong một cuộc họp bàn tác chiến là một minh chứng: “...sau khi ngừng bắn, bộ binh chỉ việc lên bắt tù binh, thu chiến lợi phẩm. Chúng tôi dùng rồng lửa. Rồng lửa đã nổ là cuốn bay tất cả. Bộ đội cứ thế xung phong” [14, 185]. Hoàng Đan đã vận dụng một cách máy móc giải quyết chiến trường bằng hỏa lực pháo binh học từ Liên Xô khiến cho quân ta thất bại trước cứ điểm mưu lược và gan góc này. Quyết định của Hoàng Đan đã gây ra nhiều cái chết thật bi thương. Trong Mùa hè giá buốt, Văn Lê cũng gián tiếp nêu lên sai lầm của người chỉ huy chiến trường cấp cao đã đưa đến những cái bi của cuộc chiến.
Xét về mặt lí lịch, những người chỉ huy trong nhiều tác phẩm viết về chiến tranh giai đoạn 2004- 2009 không còn “trong sáng như pha lê” nữa. Hùng Phong và Hai Mạnh vẫn trở thành các vị tướng đứng ở vị trí chỉ huy cao nhất trong khi nhân cách của họ có không ít “vấn đề”. Ngoãn là người xuất thân trong một gia đình có tì vết về lí lịch nhưng vẫn được giữ cương vị tiểu đoàn trưởng. Mặc dù cái tư tưởng lí lịch xấu thì ít có cơ hội được cấp trên để ý đã ăn sâu trong tiềm thức của Ngoãn: “Lí lịch nhà tôi lôi thôi lắm. Trên đếch cất nhắc những người có lí lịch phức tạp” [14, 79]. Trong nhiều tác phẩm khác cùng giai đoạn, ta cũng có thể bắt gặp những quan niệm tương tự. Lâm trong Khúc bi tráng cuối cùng của Chu Lai là cán bộ quân sự cao cấp, sư đoàn trưởng rồi tư lệnh phó quân đoàn nhưng lại có một lí lịch phức tạp. Lâm có con đẻ (kết quả của mối tình tay ba thời học sinh) là một trung tá ngụy khét tiếng chống cộng, có bạn là Phạm Ngọc Tuấn- thiếu tướng Ngụy. Hồng Nhị trong Ngày rất dài của Nam Hà cũng vậy.
Như vậy có thể nói, từ sự đổi mới quan niệm về con người, các nhà văn đã có sự thay đổi trong cách thức xây dựng nhân vật. Không còn là những
nhân vật kì vĩ được đặt trong quy chiếu của các giá trị cộng đồng như các tiểu thuyết cùng đề tài giai đoạn trước mà hiện lên trong các tác phẩm là các nhân vật người chỉ huy- anh hùng đa diện. “Đây là kiểu nhân vật không nguyên phiến sử thi như trong tiểu thuyết giai đoạn 1975” mà họ “là những nhân vật mang đồng thời nhiều khuôn mặt, nhiều tính cách khác nhau… Trong họ tồn tại cả hai phần sáng và tối của con người. Ngoài ý chí, tư tưởng, tình cảm, họ còn được khắc họa ở phương diện bản năng, ý thức” [43, 64]. Cái nhìn phi sử thi của tác giả đã tạo nên những nhân vật có sự vênh lệch giữa phẩm chất người anh hùng trong chiến đấu với cách ứng xử của họ trong các quan hệ riêng tư. Tất nhiên hình tượng nhân vật đa diện như trên không phải là không có trong tiểu thuyết trước 1975 (Trí trong Hai người trở lại trung đoàn của Thái Bá Lợi, Phong trong Lửa từ những ngôi nhà của Nguyễn Minh Châu), tuy vậy nó không phải là hình tượng phổ biến và cũng chưa có nhân vật nào thực sự gây được sự chú ý mạnh tới độc giả. Văn học thì luôn vận động, biến đổi theo thời gian để phù hợp với hoàn cảnh xã hội, thị hiếu thẩm mĩ của người đọc. Đó là một quy luật khách quan. Vì thế không có gì khó hiểu khi ở thời điểm hiện tại ta hiếm thấy thấy bóng dáng của những nhân vật chỉ huy - anh hùng như trước 1975.
*Nhân vật ngƣời chiến sĩ
Có lẽ các tác phẩm viết về người lính sẽ trở nên thiếu sinh động nếu như nhà văn không miêu tả về những chiến sĩ bình thường. Trong khá nhiều tiểu thuyết viết về chiến tranh giai đoạn 2004- 2009, nhân vật người chiến sĩ được các nhà văn chú ý miêu tả với nhiều khám phá mới mẻ. Đó là các tập thể người lính với những chân dung đa dạng. Trước 1975, người chiến sĩ được chú ý tô đậm như là một biểu hiện cho sức mạnh và trí tuệ của quần chúng, các tác phẩm ít nói đến mặt hạn chế của họ. Cái nhìn lí tưởng hóa của người viết đã tạo ra “sản phẩm” là những người lính đẹp toàn diện, do vậy mà có
một khoảng cách khá xa giữa tác phẩm và đời sống. Còn trong các tiểu thuyết của giai đoạn hiện nay, người viết đã xây dựng tập thể người lính gần gũi, thực hơn, có tính đa chiều, góc cạnh. Ở họ vừa có những đặc điểm kế thừa vẻ đẹp của người lính trong các giai đoạn trước như luôn thắm tình đồng đội, giàu nghị lực, quả cảm, gan dạ, kiên cường trong chiến đấu nhưng đồng thời lại có những nét bổ sung đáng chú ý trong ngoại hình và tính cách.
Nếu ngược thời gian, trở về với những trang viết đẹp của văn học mang khuynh hướng sử thi, hẳn không quá khó để người đọc có thể tìm cho mình hình bóng người lính “vừa đẹp người lại đẹp nết”: một chị Sứ với mái tóc dài bất tử, một cô Nguyệt với vóc dáng thanh mảnh đẹp đến cả cái “gót chân”, một chiến sĩ vừa đẹp trai vừa mơ mộng, dũng cảm như Lữ. Đó thực sự là những vẻ đẹp ít tì vết khiến người đọc không quên nhưng lại khó “chấp nhận”. Giờ đây trong những sáng tác về chiến tranh, ngoại hình của người lính được miêu tả đúng như nó vốn có, vì thế mà nó đa dạng và sinh động hơn nhiều lần. Sống trong môi trường chiến tranh khắc nghiệt với những phút giây căng thẳng tột độ khi liên tục phải đối mặt với cái chết, do vậy không phải người lính nào cũng có một ngoại hình đẹp đẽ. Bên cạnh một Hùng Phong “cao lớn...” thì có những người lính nhỏ con, bé “hạt tiêu” như Hướng (Những bức tường lửa). Xuất hiện khắp các trang văn là những người lính mà trên hình hài họ còn mang đậm dấu ấn của khói lửa chiến trường. Ta