Đây là mảng không gian chủ đạo trong các tác phẩm viết về chiến tranh giai đoạn hiện nay. Không gian chiến trường được miêu tả theo nhiều góc độ khác nhau. Không gian động hay tĩnh thay đổi theo mỗi trận đánh, chiến dịch. Ở Những bức tường lửa, đồng hành cùng bước tiến của sư đoàn Hồng Bàng, người đọc sẽ được tiếp cận với vùng không gian trải dài từ miền Bắc đến miền Trung mà điểm nhấn chính là đường số 9- Bắc Quảng Trị. Sự quan sát của nhà văn còn mở rộng ra các vùng ven của khu vực này. Đó là khu tứ giác vành đai trắng hoang tàn với những khu rừng xác xơ chỉ có cây bụi. Bom đạn đã cày xới những ngôi làng “vốn chẳng còn cái gì để tàn phá thêm nữa ngoài những bãi cỏ dại, những bụi gai mắc cỡ và vài ba cây cau chi chít vết đạn” [63, 518]. Cũng có khi không gian được thu hẹp trong căn hầm trú ẩn ngột ngạt, công sự, đồn bốt, điểm chốt phục vụ trận đánh.
Những trận địa sặc mùi khói bom và sự chết chóc bi thảm là không gian mà ta thường thấy trong các tác phẩm viết về chiến tranh. Những tác phẩm của các nhà văn giai đoạn 2004- 2009 cũng không là ngoại lệ. Không gian chiến trận có lúc căng thẳng, náo loạn bởi muôn ngàn thứ âm thanh hỗn
tạp: “tiếng pháo địch nổ ì oành lúc xa lúc gần. Tiếng trực thăng phành phạch ngay trên đầu, máy bay trinh sát OV10 vo ve suốt ngày” [63, 210]. Đây là cảnh quân Mĩ đổ bộ hàng không khiến cho quân ta không kịp trở tay: “cùng một lúc cả chục chiếc trực thăng cùng sà xuống…bọn lính Mĩ từ trên bụng những chiếc trực thăng lốc thốc nhảy xuống…Gió từ cánh quạt của nó thốc xuống khiến cành cây ngả nghiêng gãy răng rắc, cát bụi thốc lên mù mịt… Bọn lính Mĩ vừa đổ bộ hò hét hí hố…” [63, 275]. Sau mỗi trận bom là cảnh những người lính “chạy ngược lên đỉnh đồi. Lửa vẫn cháy rần rật sau lưng. Cả một biển lửa. Có lẽ cảnh địa ngục cũng chỉ giống như thế này thôi. Khói và mùi crêp xộc vào mồm miệng khiến mọi người ho sặc sụa” [63, 279]. Nhưng cũng có không ít giờ phút chiến trường im lặng đến khó ngờ. “Đó là sự im lặng giả tạo… là những khoảng lặng chết người, là phút nín hơi chau mày của thần chiến tranh” [63, 518]. Thông thường đây lại là lúc chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu quyết liệt ngay sau đó.
Trong Mùa hè giá buốt, Văn Lê đã miêu tả không gian rộng lớn qua cái nhìn của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sĩ Việt và của người kể chuyện. Không gian được thay đổi theo bước chân hành quân của tiểu đoàn Bến Nghé: từ chiến trường Tây Nguyên vào tăng cường cho mặt trận B2. Địa bàn chiến đấu chủ yếu của đơn vị là mặt trận miền Đông Nam Bộ, trải dài từ vùng ven sông Sài Gòn cho đến những khu phố của thành phố này với những địa danh cụ thể. Chiến trường lúc nào cũng căng thẳng trong không khí ác liệt. “Trên bầu trời hàng đàn máy bay phóng pháo và máy bay trực thăng lồng lộn trút bom đạn … Không gian chiến tranh lúc nào cũng rầm rầm bom đạn” [42, 24]. Người lính luôn phải căng mình ra để chống chọi với của kẻ thù.
Ở Thượng Đức, ống kính của nhà văn đã thu lại tất cả những gì diễn ra bên trong và bên ngoài Thượng Đức khá tỉ mỉ. Đó thực sự là một chiến
trường nóng bỏng với muôn ngàn tình huống khó khăn và phức tạp của cả quân ta và đối phương.
Tựu chung, sự cảm nhận không gian chiến trường của các nhà văn khá đa dạng. Cái độc đáo là các nhà văn đều miêu tả không gian bằng mọi giác quan: xúc giác, vị giác, thính giác, khứu giác, thị giác. Tất cả đều làm nổi bật cái khốc liệt đến tàn nhẫn của chiến tranh trên một không gian trải rộng từ hậu phương đến tiền tuyến, từ đồng bằng đến đồi núi, từ Bắc vào Nam.