Không chỉ có sự đổi mới trong việc thể hiện hình tượng người lính, các tiểu thuyết viết về chiến tranh giai đoạn 2004- 2009 còn có cách nhìn mới về nhân vật kẻ thù, phản diện. Nói cách khác các tiểu thuyết đều có xu hướng đưa nhân vật về với con người thực.
Vốn là hình tượng nhân vật không có gì xa lạ trong các sáng tác văn học từ xưa đến nay, đặc biệt trong các tiểu thuyết mang âm hưởng sử thi 1945-1975 song kiểu nhân vật kẻ thù dường như ít được chú ý. “Hầu hết những sáng tác về đề tài chiến tranh và quân đội thường vẫn có những nhân vật phía bên kia trận tuyến nhưng nhìn chung ta còn viết đơn giản, dễ dãi và đầy rẫy những chi tiết sai lầm mà người đọc bình thường, vốn ít nhìn thấy kẻ
thù trực tiếp, nên cũng khó kiểm tra” [53, 117]. Nếu làm một phép thống kê, chúng ta chỉ có thể kể ra một vài nhân vật hiện ra sắc nét như Xăm trong Hòn đất của Anh Đức, Rôbớt Lin trong Dòng sông phẳng lặng của Tô Nhuận Vĩ, Hứamin trong Đất Quảng của Nguyễn Trung Thành vv…Trong các tiểu thuyết này, các nhà văn miêu tả kẻ thù theo bút pháp biếm họa nhằm tạo nên nhân vật mang bản chất đen tối. Chúng tồn tại chỉ để thỏa mãn dục vọng thấp hèn của mình. Đó là những phác họa giản đơn, sơ lược, một chiều. Ấn tượng đem lại cho người đọc chỉ là những nhân vật mà “cái ác lặn vào trong máu”, chúng không còn là một con người đúng nghĩa. Sự xuất hiện của các nhân vật này dường như chỉ là phản đề để tôn vinh các nhân vật chính diện trong các tác phẩm. Đó thực chất là “sản phẩm” của việc miêu tả chiến tranh có phần phiến diện khi chỉ một chiều chứng minh ta thắng địch thua.
Sau năm 1975, Nguyễn Trọng Oánh là người đi đầu trong việc thể hiện cái nhìn của mình về các nhân vật phản diện gần gũi thuyết phục hơn. Người đọc có thể tìm thấy trong Mây cuối chân trời nhân vật kẻ thù “như những con người đã từng có mặt trong chiến tranh” [49, 102]. Có nghĩa là trong tác phẩm, nhân vật phản diện được miêu tả đúng mực. Tác giả không có cái nhìn xuyên tạc, méo mó về loại hình nhân vật này dù chúng ở bên kia chiến tuyến và đối lập chúng ta về lí tưởng. Dưới góc nhìn của nhà văn, nhân vật kẻ thù cũng là một con người với đầy đủ những mặt sáng tối.
Bảy Hổ được miêu tả là kẻ có vẻ đẹp ngoại hình khiến nhiều cô gái chết mê chết mệt. Hắn cũng có lí tưởng để cả đời phấn đấu và sống chết với nó: đó là tiêu diệt cộng sản. Và để thực hiện được mục tiêu lí tưởng của đời mình, Bảy Hổ đã không ngại khi làm việc ác. Tuy thế lại có một Bảy Hổ khác trong con người hắn. Với cộng sản thì hắn coi là kẻ thù số một nhưng với gia đình thì hắn lại vô cùng thương yêu mọi người. Hơn nữa hắn cũng là kẻ có những rung động đắm đuối trong tình yêu. Có thể nói Nguyễn Trọng
Oánh là nhà văn đã khắc họa một nhân vật phản diện đúng với cái nhìn khách quan. Hắn không chỉ là kẻ ác độc, giết người không ghê tay mà hắn còn là con người có tình cảm gia đình, có lí tưởng, tình yêu như bất kì người bình thường nào khác.
Trong Đất trắng (phần I), Nguyễn Trọng Oánh cũng miêu tả nhân vật phản diện Tám Hàn khá ấn tượng. Hắn là một cán bộ quân sự cấp cao nhưng lại chiêu hàng địch. Khi trở thành người của phía bên kia rồi, Tám Hàn vẫn còn day dứt, ân hận vì không thông báo cho anh em đơn vị của mình di chuyển ngay chỗ ở. Trong bối cảnh tiểu thuyết viết về chiến tranh bị tư duy sử thi chi phối mạnh mẽ, cái nhìn của Nguyễn Trọng Oánh về nhân vật kẻ thù là một sự đổi mới đáng ghi nhận. Tuy nhiên có thể nói trong các sáng tác của nhiều nhà văn ở giai đoạn sau này, ít thấy xuất hiện những nhân vật nổi trội như vậy. Ngay như trong hai tiểu thuyết Sông xa và Gió không thổi từ biển
của Chu Lai, nhà văn cũng chưa thực sự khắc họa thành công tính cách của các nhân vật ngụy, khi cố tình “người hóa” loại nhân vật này.
Khắc phục những bất cập đó, trong các tiểu thuyết về chiến tranh cách mạng giai đoạn 2004- 2009, hình tượng nhân vật kẻ thù đã được một số tác giả tô đậm với quan niệm kẻ thù thì cũng có kẻ xấu, người tốt và trong một con người thì cái xấu và tốt cùng tồn tại. Trong hàng ngũ những người cách mạng, có không ít kẻ bạc nhược, ham sống sợ chết, đánh mất mình vì những hành động đê hèn thì trong hàng ngũ kẻ thù cũng có người có tri thức, văn hóa cao. Và để xây dựng được những nhân vật sinh động. các nhà văn đã đi sâu vào việc phân tích tâm lý, nhận thức của nhân vật để cắt nghĩa cho hành động chống phá cách mạng điên cuồng của chúng để người đọc nhận thức sâu sắc hơn về sự ác liệt tất yếu của cuộc chiến đấu.
Nguyễn Quốc Hùng trong Thượng Đức không những là người có vẻ đẹp ngoại hình hấp dẫn mà hắn còn là một người thông minh, lịch sự, có học
vấn cao. Hắn sống hết mình và sẵn sàng chết cho lí tưởng của mình. Ở cương vị chỉ huy nhưng Hùng không tỏ ra là một kẻ dễ dãi, coi thường người khác hay có lối sống buông thả. Hắn nghiêm túc với chính bản thân mình trong công việc và sinh hoạt đời thường. Hắn sẵn sàng nhận lỗi khi biết mình có khuyết điểm. Hùng đồng thời cũng là con người của gia đình. Hắn yêu thương vợ con của mình hết mực. Ở xa gia đình đó là “một thử thách nghiệt ngã với y” song y biết nén tình cảm riêng tư của mình “để giữ nghiêm đạo đức” [14, 110]. Với những phẩm chất đáng quý như trên, Nguyễn Quốc Hùng “chẳng những được bề trên trọng vọng mà binh lính cấp dưới quyền cũng rất kiêng nể”. Còn dân ở Thượng Đức thì coi hắn “như một thần tượng”. Và không ai có thể phủ nhận được một điều, Quốc Hùng còn là một người có tài quân sự, biết nhìn thế chiến lược. Nhìn Hùng đối phó với các trận đánh của sư đoàn 304, ta thấy hắn rất thông minh. Chẳng thế mà bao lần quân ta chiếm đóng Thượng Đức mà vẫn bị thất bại nặng nề.
Nhân cách và con người của Quốc Hùng hiện lên rõ nét nhất trong tình huống hắn bị tướng Ngô Quang Trưởng bỏ rơi, không tiếp viện cho cứ điểm Thượng Đức như đã hứa. Khi quân ta tấn công mạnh mẽ, hắn đã bị thương song nhất định không rời trận địa. Ngay giờ phút cuối cùng của đời mình, Quốc Hùng vẫn hiện lên là một kẻ có nhân cách. Trong tình thế không lối thoát, hắn đã chấp nhận cái chết để bảo vệ lí tưởng của mình. “Phương án trái cam” đã được lên kế hoạch sẵn nhằm tiêu diệt tất cả và san bằng Thượng Đức. Quốc Hùng cho đặt bộc phá lớn, định làm nổ tung cứ điểm trong lúc quân ta đang hân hoan chiến thắng. Nhưng đến lúc trước khi tự sát, hắn quyết định chỉ thực hiện một phần phương án trái cam nhằm làm giảm thương vong cho binh lính của mình.
Trong tác phẩm, người đọc còn thấy thiếu tá tiểu đoàn trưởng Lầu cũng được miêu tả là một con người có cả mặt tốt mặt xấu. Hắn vốn tự lập từ nhỏ,
gan lì dũng cảm, sống trung thành với lí tưởng của mình. Mặt khác, Lầu cũng là kẻ “ngang tàng hay gây gổ, sống buông thả, nói năng tùy tiện, hiếu chiến” [14, 118]. Đây cũng là hình tượng nhân vật được nhà văn dành nhiều tâm huyết để miêu tả.
Hình tượng nhân vật phản diện, nhân vật kẻ thù mang dáng dấp như Nguyễn Quốc Hùng, ta còn có thể tìm thấy trong nhiều tiểu thuyết của các nhà văn cùng giai đoạn. Hồng Nhị trong Ngày rất dài của Nam Hà, Phạm Ngọc Tuấn trong Khúc bi tráng cuối cùng của Chu Lai, San trong Xiêng Khoảng mù sương, Hai Rạng trong Sóng chìm của Nguyễn Đình Kính, hay một số nhân vật trong tác phẩm Xuân Lộc như Toàn, Hiếu. Đó thật sự là những nhân vật có sức sống trong các tác phẩm. Ngay như trong tiểu thuyết
Đối chiến mới xuất bản năm 2010 của Khuất Quang Thụy, hình tượng nhân vật kẻ thù cũng được nhà văn miêu tả với một thái độ khách quan, công bằng. Trong đó, nổi bật nhất là Xuân Thời- một người cũng mang trong mình hai gương mặt: tốt đẹp - xấu xa, cao cả - thấp hèn, vv... Nhân vật này đem lại cho người đọc cái cảm giác nhà văn đã “nhìn đối phương như chính họ”.
Có thể nói, sự đổi mới trong quan niệm về con người đã đưa đến sự thay đổi lối viết về các nhân vật kẻ thù của các nhà văn giai đoạn 2004- 2009. Trong nhiều tác phẩm, cái nhìn của người viết về nhân vật kẻ thù đã khách quan và lối viết cũng mềm mại hơn. Cái nhìn của nhà văn đối với nhân vật là cái nhìn với con người. Các tác giả đã không còn chú trọng vào việc miêu tả hành động thú tính của nhân vật mà họ đã đi sâu vào khai thác tâm lý của nhân vật qua đó làm nổi bật bản chất của chúng: khôn ngoan, xảo quyệt, chống cộng điên cuồng, tuy thế chúng vẫn có những tình cảm rất người như yêu thương đồng đội, gia đình. Đó là những biểu hiện để chúng ta khẳng định, xây dựng nhân vật kẻ địch chính là điểm đổi mới rõ rệt nhất của các tiểu thuyết chiến tranh giai đoạn hiện nay. Người viết đã dần thoát ly với định kiến
khi viết về địch thì phải ta tốt địch xấu. Nói cách khác với cái nhìn phi sử thi, các tác giả đã tạo nên những nhân vật kẻ thù thực sự hấp dẫn người đọc. Trong con mắt của các nhà văn, kẻ thù cũng chỉ là một con người và không có chuyện người viết hạ thấp hay mỉa mai các nhân vật bên kia chiến tuyến. Xây dựng một nhân vật kẻ thù trong tính người chân thực, phức tạp chứng tỏ quan niệm của các nhà văn hiện nay có nhiều chuyển biến. Điều đó cũng cho ta thấy họ vẫn luôn nhận biết đầy đủ về bản chất xã hội của đối tượng bởi ý thức về chiến tranh, về chiến tuyến là vô cùng dứt khoát khoát, rõ ràng.