Giọng điệu trữ tình mang đậm chất thơ

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 104 - 105)

Nhiều nhà văn đã sử dụng giọng điệu này để tạo nên những áng thơ trữ tình bằng văn xuôi. Ở Những bức tường lửa, ta thường bắt gặp những trang nhật kí của nhân vật Lân và Hùng Phong. Đó là những trang viết có giọng điệu trữ tình sâu lắng, mềm mại, thể hiện cái nhìn, sự suy nghĩ của họ về chiến tranh:

“Thế là chúng mình đã tới chiến trường sau bốn mươi ngày đêm hành quân gian khổ….Mĩ tăng bao nhiêu quân, đổ bao nhiêu đạn chưa biết, nhưng cứ xem việc một sư đoàn thép như sư đoàn của mình vẫn nhẹ nhàng vượt qua giới tuyến để tới chiến trường, chuẩn bị bước vào cuộc chiến, thì cũng thấy rõ thằng Mĩ đã thất bại trong ý đồ ngăn chặn ngây thơ rồi…” [63, 216].

Đó còn là những đoạn văn tả cảnh ban đêm ở chiến trường, có sức khơi gợi những khoảnh khắc rung động lòng người:

“Đêm ở mặt trận cũng thật lạ lùng. Có cảm giác như đến cả đất trời sông núi cũng chỉ mơ màng nửa thức nửa ngủ…. Sương dày đến mức có cảm giác giống như núi rừng được phủ một lớp bóng dày như một tấm đệm, nếu như có một loạt pháo nào đó bắn vu vơ vào đây thì có lẽ những viên đạn pháo cũng sẽ bật ngược trở lại tấm đệm dày ấy” [63, 430].

Trong Tiếng khóc của nàng Út, đó chính là giọng điệu đầy tình cảm của những trang viết về phong tục nguyên thủy của các tộc người Tây Nguyên hay vẻ đẹp hùng vĩ nên thơ của núi rừng nơi đây. Đó còn là trường đoạn kể sự tích cuộc đấu tranh khai khẩn lập nên xứ Bàu Ốc, gắn sự trù phú ở đây cho đến triều đại Lê Thánh Tông. Những trang viết đẹp, giản dị, phong phú, chi tiết, sinh động và cũng tràn đầy tình cảm ấy đã giúp người đọc hiểu sâu thêm cội nguồn sức mạnh văn hóa lịch sử của dân tộc.

Chất thơ trong Thượng Đức biểu hiện ở cách dựng lại không khí của một thời cả nước hừng hực lên đường, nhất là trường đoạn diễn tả tâm lí Nguyễn Quốc Hùng sắp tự sát, ở thời điểm ấy tình người của nhân vật thực sự làm rung động độc giả. Gam giọng điệu này khiến cho câu chuyện có độ co giãn, hài hòa, tạo nên những xúc cảm sâu lắng cho người đọc.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 104 - 105)