CÁCH MẠNG VIỆT NAM 2004 2009 3.1 Điểm nhìn trần thuật

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 78 - 80)

3.1. Điểm nhìn trần thuật

Điểm nhìn là một trong những yếu tố hàng đầu trong sáng tạo nghệ thuật. Nó cho phép làm rõ từ đâu và như thế nào mà trong một tác phẩm văn học các nhân vật, các đối tượng lại được nhận ra. Nói cách khác “điểm nhìn trần thuật liên quan chặt chẽ đến chỗ đứng của nhà văn khi quan sát và phản ánh hiện thực” [35, 145]. Nhà văn không thể miêu tả, trần thuật các sự kiện về đời sống nếu không xác định cho mình một điểm nhìn đối với sự vật, hiện tượng nhìn từ góc độ nào, xa hay gần, thấp hay cao, từ bên trong hay bên ngoài vào.

Trên thực tế tiểu thuyết về chiến tranh cách mạng trước 1975 phần lớn là tiểu thuyết đơn thanh. Người trần thuật thường dẫn dắt câu chuyện với các điểm nhìn cố định, ít thay đổi. Chính vì thế mà tác phẩm mang lại cảm giác đơn điệu, ít hấp dẫn. “Sự thay đổi nghệ thuật bắt đầu từ điểm nhìn” [17, 113]. Tiểu thuyết viết về chiến tranh giai đoạn 2004- 2009 đã có sự đa dạng hóa điểm nhìn.

Những bức tường lửa không chỉ có một mà có tới bốn điểm nhìn chính: giáo sư nhà văn Lân, thiếu tướng Hùng Phong, chính ủy Báo và người kể chuyện. Các điểm nhìn này được dịch chuyển và luân phiên đã tạo ra cái nhìn đa chiều. Sự dịch chuyển điểm nhìn chậm và thường cách quãng, điểm nhìn cố định và dừng lâu là nơi chiến trận. Trong bốn điểm nhìn trên thì điểm nhìn của Lân là điểm nhìn trung tâm, có phần bao quát hơn cả: “là người lính nhìn nhận về cuộc chiến với cái nhìn rất thật, tươi mới, là một giáo sư nên đó là cái phân tích đáng tin cậy, là một nhà văn nên cái nhìn bay bổng thi vi, đậm chất

nhân văn” [60, 98]. Điểm nhìn dịch chuyển theo không gian và thời gian khá linh hoạt. Trong cả ba phần của tiểu thuyết: Trong hào quang thời cuộc, Trên hàng rào lửa, Trong khu tứ giác, phần nào cũng có sự dịch chuyển điểm nhìn. Tuy nhiên ở phần thứ nhất, chủ yếu là điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện. Các câu chuyện được kể đan xen hiện tại và quá khứ không theo một trật tự logic nhất định. Điểm nhìn tập trung vào nhóm học sinh của lớp 10B- những nhân vật sẽ xuất hiện nhiều trong các phần sau.

Ở hai phần sau của tiểu thuyết, sự dịch chuyển điểm nhìn càng mang tính chất tổng thể, bao quát. Tuy nhiên sự dịch chuyển chậm hơn so với phần trước. Đã có sự thay đổi điểm nhìn từ điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện vào điểm nhìn bên trong của các nhân vật. Chính sự xuất hiện của các điểm nhìn của Hùng Phong, Lân, Côn, Hướng và một số nhân vật khác đã khiến cho câu chuyện sinh động hơn nhiều lần. Bởi đó là cái nhìn của những người trong cuộc. Trong phần Trên hàng rào lửa, điểm nhìn được tập trung và dừng lại lâu nhất ở chiến trường đường 9- Bắc Quảng Trị, cận cảnh các trận đánh của sư đoàn Hồng Bàng. Đây là điểm nhìn lắng đọng có ý nghĩa khái quát và biểu hiện to lớn, nó góp phần tô đậm tính chất căng thẳng và khốc liệt của chiến tranh. Sự di chuyển điểm nhìn không gian và thời gian như thế khiến cho hiện thực về những năm tháng chiến tranh ở cả tiền tuyến cũng như hậu phương được soi sáng từ nhiều góc cạnh hơn.

Xét về điểm nhìn trần thuật, Tiếng khóc của nàng Út cũng được nhà văn chú ý biểu hiện. Tác phẩm cũng có sự luân phiên các điểm nhìn bên ngoài và bên trong. Ở chương Một, câu chuyện được mở ra bằng điểm nhìn của người kể chuyện và ngay sau đó là điểm nhìn bên trong của nhân vật Bà On về những người Việt đi mở mang bờ cõi từ thời Hồ Quý Ly, điểm nhìn của Toàn, nàng Út, vv… Tiếp đến lại là điểm nhìn của người kể chuyện kể về hiện tại gia đình nhà bà On. Điểm nhìn trung tâm của tác phẩm là của người

kể chuyện tập trung vào kể lại quãng thời gian cay đắng và dũng cảm của những người dân xứ Quảng từ sau tháng 7 năm 1954 đến tháng 8 năm 1959. Xen kẽ với điểm nhìn của người kể chuyện là điểm nhìn của các nhân vật ông Thương, ông Quách về các sắc tộc Tây Nguyên trên vùng Đông Trường Sơn của xứ Quảng kéo dài qua Bình Định Phú Yên. Điểm nhìn bên trong của các nhân vật thường di chuyển chậm hơn điểm nhìn của người kể chuyện (chương 8, 9, 10). Chính vì thế mà nó đôi chỗ nó gây cảm giác nhàm chán cho người đọc.

Thượng Đức miêu tả các biến cố từ hai điểm nhìn chính: từ phía người cầm quân và từ phía người chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu. Mùa hè giá buốt có ba điểm nhìn chính là điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của nhân vật Nguyễn Sĩ Việt, Bích Vân. Các điểm nhìn được luân phiên linh hoạt tạo cho tiểu thuyết sức lôi cuốn.

Nhìn chung xét về nghệ thuật trần thuật, các tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng giai đoạn 2004- 2009 cho thấy sự cố gắng của nhiều tác giả trong việc xây dựng cách kể với sự đa dạng hóa các điểm nhìn. Cũng từ đây, các vấn đề của tác phẩm được soi chiếu từ nhiều góc cạnh. Tuy chưa phải là xuất sắc nhưng việc sử dụng điểm nhìn linh hoạt đã góp phần làm cho các tác phẩm viết về chiến tranh bớt đơn điệu hơn.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam 2004 - 2009.PDF (Trang 78 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)