Cũng viết về chiến tranh nhưng tiểu thuyết Tiếng khóc của nàng Út
lại không dẫn người đọc vào không khí của những trận đánh căng thẳng đến nghẹt thở với bom đạn, hầm hào. Thế giới hồi ức của các nhân vật đã hướng sự chú ý của người đọc về lịch sử xa xưa của dân tộc qua những thời đoạn khác nhau. Cũng từ đây một không gian văn hóa- lịch sử được mở ra như đối lập với không gian bức bối của những trận khủng bố của kẻ thù với người xứ Quảng.
Không khí lịch sử được toát lên từ kí ức của bà On qua những ngôn từ mượt mà, trang trọng. Lời kể của bà đưa người đọc trở về với quá khứ xa xưa của dân tộc cách ngày nay vài trăm năm. Đó là những suy nghĩ sâu thẳm về lịch sử Đàng Trong, lịch sử di dân, dựng làng, giữ nước của ông cha. Đó là gốc tích của xứ Bàu Ốc bây giờ, là những lời bàn luận về thời Lê Thánh Tông, vv…Chính âm hưởng kể chuyện xa xưa này khiến cho tác phẩm có chiều sâu về văn hóa cổ:
“Tháng Tám năm Canh Dần được thư cấp báo….Tháng hai năm Tân Mão, tay cờ mao trắng, tay lưỡi búa vàng, Lê Thánh Tông dẫn một ngàn chiến thuyền, mình thon như lá với mấy vạn tinh binh, dựng cờ thiên tử, giống trống hò gieo mà tiến…” [70, 12+13].
Không dừng lại ở đó, trong tác phẩm này, người đọc còn được chiêm ngưỡng một không gian văn hóa nguyên sơ mang đậm màu sắc núi rừng của các dân tộc Tây Nguyên. Nét đẹp này được gợi lên qua các trang văn thấm đượm sự trân trọng, nâng niu của người viết. Những địa danh lạ, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được miêu tả sinh động. Người đọc như được chứng kiến tận mắt lễ đặt tên con, tục canh tác, cưới hỏi hay sự hình thành và di chuyển của các dân tộc ít người Ê Đê, Xơ Đăng, Cơ Tu, vv… Những trang viết thấm đượm văn hóa ấy là kết quả của nhiều năm nhà văn đã lăn lộn, trải nghiệm với đồng bào các dân tộc ít người.
Có thể nói bằng không gian văn hóa lịch sử này, Tiếng khóc của nàng Út
là một nét bổ sung đáng quý trong việc đem đến cho văn học chiến tranh một không gian mới mẻ. Chính mảng không gian này đã làm cho người đọc vợi đi nỗi đau khi đồng thời chứng kiến không gian căng thẳng, bức bối của người dân xứ Quảng trong thời kì bi thương nhất của cuộc kháng chiến chống Mĩ.