Nằm trong khuôn khổ của cuộc thi sáng tác tiểu thuyết sử thi về đề tài chiến tranh cách mạng, có lẽ chính vì thế mà các tác giả đã có ý thức tạo nên những tiểu thuyết mang khuynh hướng sử thi.
Chất sử thi và chất tiểu thuyết là hai yếu tố quan trọng quyết định xem một tác phẩm có phải là tiểu thuyết mang âm hưởng sử thi hay không. Ở tiểu thuyết 1945- 1975, yếu tố sử thi được ưu tiên thể hiện nhiều hơn. Các tác phẩm thường bám sát sự kiện lịch sử, mô tả các xung đột sử thi mà ít chú ý miêu tả tâm lí, nội tâm nhân vật. Tiểu thuyết viết về chiến tranh giai đoạn 2004 - 2009 đã ít nhiều khắc phục được nhược điểm ấy. Trong một số tác phẩm, các nhà văn đã có ý thức dung hòa hai thành tố này. Đây là một phần
biểu hiện của sự thay đổi quan niệm nghệ thuật của các nhà văn để tạo ra tác phẩm phù hợp với tâm lí tiếp nhận của người đọc hiện nay. Nhìn một cách bao quát, các tác phẩm vẫn hàm chứa trong nó những yếu tố quan trọng của một tiểu thuyết mang âm hưởng sử thi như dung lượng lớn, đề cập đến các sự kiện lịch sử có ảnh hưởng thời đại, các trận đánh có ý nghĩa mở đường quyết định đến thắng lợi của cuộc cách mạng. Thêm vào đó các tác phẩm còn được viết trên cảm hứng dân tộc, lịch sử, rồi lồng ghép trong đó các mối quan hệ, hành xử để làm toát lên tính cách, số phận của các nhân vật. Tất nhiên số phận của cá nhân luôn gắn liền với số phận của dân tộc trong sự nghiệp giành độc lập tự do.
Khi nhận xét về xu hướng viết về chiến tranh hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tiểu thuyết đã có sự gia tăng của các yếu tố đời tư. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với đặc trưng của thể loại tiểu thuyết. Là một thể loại tự sự cỡ lớn, tiểu thuyết mang trong mình khả năng đi sâu vào việc phản ánh các sự kiện, số phận cá nhân một cách toàn vẹn nhất. Vẫn là viết về các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc nhưng trong nhiều tác phẩm, các sự kiện ấy không còn chiếm vai trò chủ đạo nữa. Nói cách khác, nhiều nhà văn đã cố gắng đưa ra một cái nhìn cao hơn sự kiện, cái nhìn về thân phận con người trong chiến tranh. Có lẽ ngày nay sẽ không có chỗ tồn tại cho những tác phẩm phản ánh chiến tranh một chiều. Bên cạnh những trận chiến đấu quyết liệt với bom rơi đạn nổ, hiện lên trong trang sách là tình cảm quê hương, đất nước, xen vào đó là những mối quan hệ gia đình, bạn bè, thậm chí còn có cả những mối tình thoáng qua, những kẻ bạc tình và bao trùm lên tất cả là tình yêu thương của nhà văn đối với những cuộc đời bất hạnh, trớ trêu. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà trong các tiểu thuyết này, những yếu tố thuộc đặc trưng của tiểu thuyết đã được kết hợp với những yếu tố của sử thi.
Những bức tường lửa là sự kết hợp của hai chủ đề: thân phận con người và chủ nghĩa anh hùng cách mạng để giải quyết một luận đề về người anh hùng và di sản tinh thần của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc [24]. Yếu tố sử thi và yếu tố đời tư được đặt trên thế cân bằng. “Xét ở góc độ tiểu thuyết, tác phẩm là những câu chuyện về những cuộc đời. Xét ở góc độ sử thi thì đó là câu chuyện của những chặng đường hành quân chiến đấu” [58, 98]. Tương tự như vậy trong tổng thể, Thượng Đức là bức tranh hoành tráng về một chiến dịch nhưng ở nhiều góc cạnh khác đã hiện lên số phận cảnh ngộ những cuộc đời khác nhau. Đó là số phận của một thế hệ thanh niên trong thập kỉ 60, 70- thời đất nước “đánh cho Mĩ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Đan xen với các trang viết miêu tả quá trình tiến đánh Thượng Đức là những chương đoạn mô tả đời sống của các nhân vật, những hồi tưởng, mối liên hệ với người thân của họ. Điều này làm cho tác phẩm mềm mại, cuốn hút hơn. Mùa hè giá buốt giải quyết tốt hai yếu tố này qua việc tái hiện những mẫu người lính đa dạng trong cách nghĩ, cách sống và phân tích những vấn đề nhạy cảm trong cuộc chiến.
Tiếng khóc của nàng Út cũng không phải là ngoại lệ. Trong tiểu thuyết này, nhà văn đã kể lại số phận của những con người trong ba mảng đời: những người ở lại Khu 5 tại đồng bằng vốn là vùng tự do trong kháng chiến chống Pháp, những người ở lại trên núi, những người ra đi tập kết. Người đọc sẽ thấy được tiếng nói về chiến tranh được toát lên qua cái nhìn về số phận của các nhân vật trong tác phẩm. Có lẽ tiếng khóc của nàng Út trước hết là tiếng khóc thương cho sự hy sinh của Toàn và đó cũng là tiếng khóc cho chính số phận của nàng, số phận của cả dân tộc.
Những tác phẩm trên được viết theo khuynh hướng sử thi truyền thống nhưng với cái nhìn về chiến tranh đã có độ lùi. Vẫn bám vào các sự kiện lịch sử với ý đồ tái tạo lại một thời hào hùng của lịch sử nhưng hướng vào việc lấy số phận con người để dựng lại lịch sử. Chính điều đó làm cho các tác phẩm này không còn là sử thi nguyên phiến nữa mà đó thực chất là “giải sử thi”.
Như vậy, có thể nói hầu hết các tác phẩm đã cho thấy ý thức đổi mới của các nhà văn khi cùng khai thác về đề tài chiến tranh quen thuộc. Số đông các tác giả vẫn dành tâm huyết cho việc phát hiện và trình bày tư tưởng, số phận của con người trước và sau chiến tranh. Nói cách khác trong các tác phẩm, sự kiện lịch sử vẫn làm nền cho câu chuyện nhưng trung tâm soi ngắm của tác giả là số phận con người. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các nhà văn chú ý khai thác nội dung nhiều hơn là tìm kiếm một cách viết bằng một ngôn ngữ nghệ thuật mới mẻ để tạo sức hút với người đọc như một số tác phẩm trong giai đoạn đầu những năm 90. Sự đổi mới ở đây không phải “là phủ nhận truyền thống để tạo lập các giá trị cách tân đối lập với truyền thống” mà nó “luôn lấy truyền thống làm điểm tựa” [54]. Có lẽ chính vì thế mà nhiều người đánh giá, các tác phẩm viết về chiến tranh hiện nay đã không vượt qua được những tác phẩm cùng đề tài trong giai đoạn đầu những năm 90.
CHƢƠNG 3: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT NỔI BẬT TRONG TIỂU THUYẾT VỀ ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH