An sinh xã hội ở Việt Nam 1 Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Một phần của tài liệu những vấn đề an sinh xã hội của người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức tp.hcm (Trang 60 - 65)

25 Bùi Thế Cường, Đặng Việt Phương, Trịnh Duy Hóa Từ điển Xã hội học Oxford Nxb Đại học quốc gia Hà Nội 2010 tr 542.

3.1. An sinh xã hội ở Việt Nam 1 Bảo hiểm xã hội Việt Nam

3.1.1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam

BHXH bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1930 thời thuộc Pháp. Đây là chế độ trợ cấp cho chính quyền thuộc địa thực hiện đối với quân nhân và viên chức Việt Nam làm việc trong bộ máy hành chính và lực lượng vũ trang của Pháp ở Đông Dương khi bị ốm đau, già yếu hoặc chết. Tuy nhiên đối với công nhân Việt Nam, gần như chính quyền Pháp phủ nhận quyền lợi BHXH của họ. Điển hình là công nhân Việt Nam làm việc trong các đồn điền, các nhà máy…bị ốm đau bệnh tật hay chết đều không được hưởng chế độ chữa bệnh, mai táng…

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, chính phủ đã ban hành nhiều văn bản luật về BHXH như sắc lệnh 54/SL ngày 14/6/1946 ấn định cấp hưu bổng cho công chức. Theo sắc lệnh này, trong quỹ hưu bổng, ngoài phần đóng góp của công chức theo quy định còn có sự trợ giúp của Nhà nước. Sắc lệnh 76/SL 20/5/1950 ấn định về các chế độ như chế độ hưu chí, thai sản, chế độ chăm sóc y tế, tai nạn và tử tuất đối với viên chức một cách cụ thể hơn. Đối với khu vực sản xuất, trong thời gian đầu tuy chưa thành lập quỹ song cũng có sắc lệnh 26/SL ngày 12.3/1947 và sắc lệnh sữa đổi bổ sung như sắc lệnh 77/SL 22/5/1950 ấn định cụ thể các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất đối với công nhân.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài, kinh tế nghèo nàn nên những chích sách BHXH ở thời gian này thực hiện rất hạn chế. Sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, ngày 27/12/1961 Nhà nước ban hành Nghị định 218/CP của chính phủ về “Điều lệ tạm thời thực hiện các chế độ BHXH đối với công nhân viên chức”. Hệ thống chế độ BHXH ở Việt Nam bao gồm:

Chế độ trợ cấp ốm đau Chế độ trợ cấp thai sản

Chế độ trợ cấp TNLĐ & BNN Chế độ trợ cấp hưu trí

Chế độ trợ cấp mất sức lao động Chế độ trợ cấp tử tuất

Chính sách BHXH ban hành kèm theo Nghị định 218/CP năm 1961 đã đóng một vai trò quan trọng việc đảm bảo ổn định đời sống người lao động, thu hút và động viên hàng triệu lao động tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Động viên đội ngũ cán bộ công nhân viên, lực lượng vũ trangt đấu tranh và làm việc trong thời kỳ cách mạng gian khổ và khó khăn nhất để đấu tranh thống nhất Tổ quốc, xây dựng Nhà Nước công nông đầu tiên của Đông Nam Á và góp phần tích cực trong việc thúc đẩy thực hiện các chính sách xã hội khác của Đảng và Nhà nước.

Khi nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ năm 1986, đặt biệt là từ những năm 1990 trở lại đây, điều kiện kinh tế xã hội có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, chính sách BHXH Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế không phù hợp với cơ chế mới. Vì vậy ngày 22/6/1993 Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/CP quy định tạm thời về các chế độ BHXH áp dụng cho các thành phần kinh tế, đánh đấu bước chuyển đổi của BHXH Việt Nam. Qua thực tế, chế trợ cấp mất sức lao động bộc lộ những điểm bất cập nên đã được loại bỏ và BHXH Việt Nam chỉ thực hiện 5 chế độ còn lại. Trong thời gian này, BHYT Việt Nam ra đời theo Nghị định 299/HĐBT ngày 15/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc ban hành Điều lệ BHYT và được triển khai rộng khắp trên toàn quốc. Tuy được coi là một nhánh của BHXH tách ra nhưng BHYT vẫn mới mẻ đối với Việt Nam. Do chưa có kinh nghiệm nên BHYT phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tuy vậy, hoạt động BHYT đã thể hiện được tác dụng thông qua chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho người dân và góp phần đảm bảo công bằng xã hội.

Sau đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, để phù hợp với cơ chế quản lý mới, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà Nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chính sách BHXH của Đảng và Nhà Nước ta tiếp tục được sửa đổi và bổ sung. Những nội dung cơ bản trong Chương 12 của Bộ luật

Lao động được thông qua tại kỳ hợp thứ 5 Quốc hội khóa IX ngày 23/06/1994 đã thể hiện điều đó.

Trên cơ sở những quy định của Bộ luật Lao động, ngày 26/05/1995, Chính phủ đã ban hành Điều lệ BHXH kèm theo nghị định số 12/CP. Tiếp theo ban hành Nghị định số 19/CP ngày 16/02/1995 về việc thành lập hệ thống BHXH Việt Nam và Ngh ị định 45/CP ngày 15/7/1995 cho các đối tượng hưởng BHXH là công nhân viên chức và lực lượng vũ trang. BHXH Việt Nam lúc này thật sự đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động cũng như tổ chức quản lý.

Để tiếp tục thống nhất quản lý Nhà Nước về hoạt động BHXH, Chính phủ ban hành quyết định số 20/2002/QĐ/TTg ngày 24/01/2002 về việc chuyển BHYT Việt Nam sang sáp nhập cùng BHXH Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Như vậy, đến năm 2003, BHXH Việt Nam thực hiện thêm một chế độ thứ 6 là chăm sóc y tế.

Theo thời gian, các văn bản pháp quy về BHXH được ban hành sửa đổi, bổ sung làm cho BHXH ngày càng được hoàn thiện, ví dụ như Nghị định của Chính phủ số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 về sửa đổi và bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH ban kèm theo NĐ số 12/CP; Nghị định của Chính phủ số 208/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 và số 117/2005/NĐ-CP ngày 15/09/2005 về việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH…Năm 2006, sự phát triển của BHXH Việt Nam được đánh dấu bằng một mốc quan trọng; Luật BHXH được thông qua ngày 29/06/2006 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2007. Riêng đối với BHXH tự nguyện thực hiện từ ngày 01/01/2008 và bảo hiểm thất nghiệp thực hiện từ 01/01/2009. Để cụ thể hóa Luật BHXH, Chính phủ ban hành Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; quyết định số 41/2007/QĐ-TTg ngày 29/03/2007 về quản lý tài chính đối với BHXH Việt Nam…

Hệ thống an sinh xã hội đã được cải cách mạnh mẽ từ đầu những năm 1990 đến nay, trong đó BHXH và BHYT là nòng cốt trên cơ sở nguyên tắc ba bên cùng tham gia (người lao động, người sử dụng lao động và Nhà Nước) để giảm bớt

gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Quan hệ mức đóng và mức hưởng đã tuân thủ các nguyên tắc của hoạt động BHXH theo từng chế độ riêng biệt.

Cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc thực hiện các chính sách xã hội nói chung và chính sách BHXH nói riêng ngày càng trở thành mối quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta. Ở khía cạnh vĩ mô, hệ thống quan điểm chỉ đạo về định hướng mục tiêu BHXH liên tục được bổ sung, củng cố qua các thời kỳ:

- Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/01/2008 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X xác định: “Xây dựng hệ thống BHXH đa dạng và linh hoạt phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mở rộng các hình thức bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện; bổ sung, sửa đổi các chế độ BHXH còn bất hợp lý, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH; tách BHXH đối với khu vực hành chính nhà nước ra khỏi khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các lĩnh vực khác. Ðiều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH theo cơ chế tạo nguồn, độc lập tương đối với chính sách tiền lương, giảm dần phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; từng bước cải thiện đời sống của người về hưu theo trình độ phát triển của nền kinh tế.”

- Đại hội Đảng lần thứ XI khẳng định: “Bảo đảm ASXH; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống BHXH, BHYT, BHTN,… đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội nhất là những đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương”.

- Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã chi tiết hóa mục tiêu: “Phát triển hệ thống ASXH đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu quả. Phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm như BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp... Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm”.

- Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 khẳng định quan điểm chỉ đạo “Hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa

Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng” và đặt mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50 lực lượng lao động tham gia BHXH; 35 lực lượng lao động tham gia BHTN”.

- Nghị quyết số 21- NQ/TW, ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020 tiếp tục khẳng định:

+ Vai trò, mục tiêu của BHXH trong hệ thống các chính sách xã hội nhằm hướng tới tăng cường nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững;

+ Xác định rõ trách nhiệm bảo đảm ASXH và phúc lợi xã hội là một chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Nhà nước gắn liền với phát triển kinh tế và là quyền lợi, trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó BHXH phải là trụ cột chính trong các chính sách chủ đạo về ASXH;

+ BHXH phải đi trước một bước trong đổi mới chính sách, chế độ, linh hoạt, đa dạng cả về hình thức, mục tiêu và xã hội hóa để góp phần hướng tới mục tiêu an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đa tầng, linh hoạt, bền vững, có thể hỗ trợ lẫn nhau, công bằng về trách nhiệm và lợi ích, chia sẻ rủi ro, hướng tới bao phủ toàn dân, chú trọng bảo vệ các đối tượng yếu thế phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và tiếp cận với thông lệ quốc tế;

+ Sớm có giải pháp cụ thể và đồng bộ sửa đổi chính sách, pháp luật về BHXH, khắc phục vướng mắc, khó khăn, tồn tại trong công tác tổ chức thực hiện BHXH hiện nay theo hướng quan tâm đến quyền và lợi ích của người tham gia nhưng phải chú trọng hơn về tài chính BHXH theo đúng nguyên tắc đóng - hưởng, cải tiến mô hình quản lý hiện đại, tách bạch các chế độ chính sách ngắn hạn, dài hạn, mở rộng và đa dạng các loại hình BHXH phù hợp với xu thế phát triển;

+ Mở rộng đối tượng tham gia BHXH; xây dựng chính sách khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện; phấn đấu đến năm 2020 có 50 lực lượng lao động tham gia BHXH.

Hiến pháp năm 2013 sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã quy định bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người và đều hướng tới nhân dân, đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân. Với việc ghi nhận trong Hiến pháp về quyền con người đã đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta tham gia ký kết. Hiến pháp đã bổ sung, làm rõ hơn nội hàm quyền con người, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, gắn liền với trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện các quyền đó, thể hiện rõ bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Với kỹ thuật lập hiến mới, đòi hỏi cao độ về tính khái quát, lần đầu tiên Hiến pháp đã hiến định khái niệm “an sinh xã hội” và khẳng định tại Điều 34 tư tưởng “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”, tại Điều 59 “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống An sinh xã hội...”.

Như vậy, BHXH Việt Nam đã có hành lang pháp lý vững chắc để triển khai mọi hoạt động của mình. Chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với BHXH là khuyến khích và tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia BHXH. Với các thành tựu trong thời gian qua, BHXH Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò to lớn của mình trong hệ thống ASXH.

Một phần của tài liệu những vấn đề an sinh xã hội của người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức tp.hcm (Trang 60 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)