8. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Quản lý giáo dục
Quản lý Nhà nước về giáo dục là tập hợp những tác động hợp quy luật được thể chế hóa bằng pháp luật của chủ thể quản lý nhằm tác động đến các phân hệ quản lý để thực hiện mục tiêu giáo dục mà kết quả cuối cùng là chất lượng hai mặt giáo dục. Hiện nay có nhiều định nghĩa về quản lý giáo dục nhưng các định nghĩa này đều thống nhất nhau về mặt bản chất.
- Theo M.I. Kônđacốp: “Quản lý giáo dục là tác động có hệ thống, có kế hoạch, có ý thức và hướng đích của chủ thể quản lý ở các cấp khác nhau đến tất cả các mắt xích của hệ thống (từ Bộ đến trường) nhằm mục đích đảm bảo việc hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ trên cơ sở nhận thức và vận dụng những quy luật chung của xã hội cũng như các quy luật của quá trình giáo dục, của sự phát triển thể lực và tâm lý của trẻ em.” [21]
- Theo F.G. Panatrin: “Quản lý giáo dục là tác động một cách có hệ thống, có kế hoạch, có ý thức và có mục đích của chủ thể quản lý ở các cấp khác nhau đến tất cả các khâu của hệ thống nhằm mục đích đảm bảo sự phát triển toàn diện, hài hòa ở thế hệ trẻ”.
- Hiểu theo nghĩa tổng quát: “Quản lý giáo dục là hoạt động điều hành, phối hợp các lực lượng giáo dục nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo - giáo dục thế hệ trẻ theo yêu cầu phát triển xã hội.” [34]
- Nguyễn Gia Quý khái quát: "Quản lý giáo dục là sự tác động có ý thức của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý nhằm đưa hoạt động giáo dục tới mục tiêu đã định, trên cơ sở nhận thức và vận dụng đúng những quy luật khách quan của hệ thống giáo dục quốc dân.” [34]
- Theo Nguyễn Ngọc Quang: “Quản lý giáo dục (và nói riêng quản lý trường học) là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp qui luật của chủ thể quản lý (hệ giáo dục) nhằm làm cho hệ vận hành theo đường lối và nguyên lý giáo dục của Đảng, thực hiện được các tính chất của nhà trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”. [32]
- “Quản lý giáo dục là hệ thống những tác động có ý thức, hợp qui luật của chủ thể quản lý ở các cấp khác nhau đến tất cả các khâu của hệ thống nhằm đảm bảo sự vận hành bình thường của các cơ quan trong hệ thống giáo dục, đảm bảo sự tiếp tục phát triển và mở rộng hệ thống cả về mặt số lượng cũng như chất lượng”. [40]
- Trong phạm vi một quốc gia, một địa phương thì chủ thể quản lý giáo dục là bộ máy quản lý giáo dục từ Bộ GD&ĐT đến nhà trường. Khách thể quản lý giáo dục là hệ thống giáo dục quốc dân, sự nghiệp giáo dục trường học.
Có thể hiểu: Quản lý giáo dục là một quá trình tác động có định hướng của chủ thể đến đối tượng quản lý giáo dục, được thống nhất với nhau trong một cơ cấu nhất định để đạt mục đích giáo dục đề ra bằng cách thực hiện các chức năng quản lý giáo dục.