Công tác thanh tra, kiểm tra và đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý phải được tiến hành định kỳ, thường xuyên, công khai dân chủ, công bằng, đúng theo các quy định.
Đánh giá cán bộ có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng, là căn cứ tuyển chọn, xây dựng quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ. Trong quá trình đánh giá cán bộ, có nhiều tác động khách quan ảnh hưởng đến việc đánh giá cán bộ, nếu đánh giá theo cảm tính, mặc cảm thì sẽ không khuyến khích được cán bộ làm việc tốt. Hồ Chí Minh đã từng nói: Nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ...[10], do đó để đánh giá đúng được cán bộ một cách chân thực, khách quan và đúng bản chất người cán bộ không phải dễ. Sự đánh giá đó là nhiều chiều, nhiều mối quan hệ qua lại để có những nhận xét, đánh giá xác đáng. Khi đánh giá cán bộ phải khách quan, toàn diện, biện chứng và làm thường xuyên để gắn với quá trình hoạt động của người cán bộ quản lý. Đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý không những chỉ để nhận biết thực trạng mọi mặt của cán bộ quản lý mà còn dự báo về tình hình chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, từ đó vạch ra những kế hoạch khả thi đối với hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý.
Nội dung thanh tra, kiểm tra và đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý Trung tâm GDTX gồm: Việc thi hành pháp luật, công tác tham mưu, xây dựng và thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm học; công tác tổ chức bộ máy; công tác thanh, kiểm tra cán bộ, giáo viên; công tác quản lý tài chính, cơ sở vật chất, thực hiện chế độ chính sách, thực hiện dân chủ hoá trong đơn vị, công tác quản lý học sinh, công
tác bồi dưỡng đội ngũ, công tác thi đua, khen thưởng, công tác xã hội hoá giáo dục…