Khái quát về vị trí địa lý, dân số, tình hình kinh tế chính trị, văn hoá xã hội thành phố Hải Phòng

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý Trung tâm giáo dục thường xuyên tại Thành phố Hải Phòng (Trang 38 - 41)

hội thành phố Hải Phòng

Hải Phòng là thành phố ven biển, nằm trên vùng hạ lưu và cửa sông Thái Bình, phía đông bắc đồng bằng sông Hồng, nằm phía Đông miền duyên hải Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội 102 km, phía Bắc và Đông Bắc giáp Quảng Ninh, phía Tây Bắc giáp Hải Dương, phía Tây Nam giáp Thái Bình và phía Đông là bờ biển chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam từ phía Đông đảo Cát Hải đến cửa sông Thái Bình. Địa hình Hải Phòng đa dạng bao gồm đất liền (chiếm phần lớn diện tích), vùng biển - hải đảo, đồng bằng ven biển (độ cao từ 0,7-1,7m so với mực nước biển) và núi, là nơi hội tụ đầy đủ các lợi thế để phát triển KT-XH.

Hải Phòng có tổng diện tích là 1.519 km2, được chia thành 15 đơn vị hành chính, gồm 7 quận (Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến An và Hải An), 6 huyện ngoại thành (Thuỷ Nguyên, Hải An, An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo) và 2 huyện đảo (Cát Hải, Bạch Long Vĩ) với 228 phường và thị trấn (70 phường, 10 thị trấn và 148 xã) .

Theo kết quả điều tra dân số ngày 01/04/2009, dân số Hải Phòng là 1.837.302 người, trong đó dân cư thành thị 847.058 người chiếm 46,1%, dân cư nông thôn 990.244 người chiếm 53,9%. Mật độ dân số trung bình của thành phố là 1.218,78 người/km2, vào loại trung bình so với các thành phố đồng bằng sông Hồng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm từ 2005- 2010 đạt khá cao, trên 11%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt gần 1.750 USD, gấp 1,5 lần bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực: dịch vụ chiếm 53%; công nghiệp và xây dựng chiếm 37%; nông - lâm nghiệp - thuỷ sản còn 10%. Quy mô nền kinh tế (GDP) năm 2010 gấp 1,7 lần năm 2005.

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt gần 20%/năm; hình thành một khu, cụm công nghiệp (có khoản 14 khu, cụm công nghiệp) và ngành sản xuất công nghiệp mũi nhọn sẽ là cơ sở để Hải Phòng tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định vững chắc vị thế là thành phố đứng thứ ba của cả nước; là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và là một đô thị loại 1 cấp quốc gia.

Hải Phòng từ lâu đã nổi tiếng là một cảng biển lớn nhất ở miền Bắc; cảng Hải Phòng là một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam, kéo dài hơn 12 km gồm những cảng hàng rời, cảng côngtennơ, cảng hàng nặng, sản lượng xếp dỡ đạt hơn 10 triệu tấn/năm và dự kiến sẽ nâng lên từ 20- 30 triệu tấn vào năm 2010. Hải Phòng là một đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống giao thông thuỷ, bộ, đường sắt, hàng không trong nước và quốc tế, là cửa chính ra biển của thủ đô Hà Nội và các thành phố phía Bắc; là đầu mối giao thông quan trọng của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên hai hành lang - một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Chính vì vậy trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng châu thổ sông Hồng, Hải Phòng được xác định là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); là Trung tâm kinh tế - khoa học - kĩ thuật tổng hợp của Vùng duyên hải Bắc Bộ và là một trong những trung tâm phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Thêm nữa, với nhiều vùng đất và diện tích mặt nước giàu tiềm năng, vẫn có khả năng phát triển đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản xuất khẩu đã tạo nên tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Những vùng biển đẹp, nhiều loại động, thực vật quý hiếm…đã trở thành những địa điểm du lịch lý tưởng thu hút du khách trong và ngoài nước, mang lại cho Hải Phòng nguồn thu ngân sách không nhỏ.

Hải Phòng có điều kiện tự nhiên rất phong phú, giàu đẹp, đa dạng và có nhiều nét độc đáo mang sắc thái của cảnh quan nhiệt đới gió mùa. Nơi đây có rừng quốc gia Cát Bà - khu dự trữ sinh quyển thế giới - là khu rừng nhiệt đới nguyên sinh nổi tiếng, đặc biệt phong phú về số lượng loài động thực vật, trong

đó có nhiều loài được xếp vào loài quý hiếm của thế giới. Đồng thời, nơi đây còn có cả một vùng đồng bằng thuộc vùng đồng bằng tam giác châu thổ sông Hồng, tạo nên một cảnh quan nông nghiệp trồng lúa nước là nét đặc trưng của vùng du lịch ven biển Bắc Bộ và cả một vùng biển rộng với nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, nhiều hải sản quý hiếm và bãi biển đẹp. Khí hậu của Hải Phòng cũng khá đặc sắc, ôn hoà, dồi dào nhiệt ẩm và quanh năm có ánh nắng chan hoà, rất thích nghi với sự phát triển của các loài động thực vật nhiệt đới, đặc biệt rất dễ chịu với con người vào mùa thu và mùa xuân.

Hải Phòng là vùng đất đầu sóng, ngọn gió, “phên dậu” phía Đông của đất nước, có vị thế chiến lược trong toàn bộ tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Người Hải Phòng với tinh thần yêu nước nồng nàn, tính cách dũng cảm, kiên cường, năng động, sáng tạo, đã từng chứng kiến và tham gia vào nhiều trận quyết chiến chiến lược trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại trước năm 2020. Hải Phòng xác định mục tiêu phát triển thành phố đến năm 2015: Phát huy toàn diện, đồng bộ tiềm năng, lợi thế của thành phố cảng, tập trung cao mọi nguồn lực đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, tạo bước phát triển đột phá, để đến năm 2015 Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng theo hướng văn minh, hiện đại; có kinh tế phát triển nhanh, bền vững; đô thị phát triển xứng tầm là đô thị loại I- đô thị trung tâm cấp quốc gia; phát triển văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội; quốc phòng-an ninh được tăng cường và củng cố vững chắc; năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị tiếp tục được nâng cao; đảm bảo tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội; tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý Trung tâm giáo dục thường xuyên tại Thành phố Hải Phòng (Trang 38 - 41)