Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 18 cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản, trong đó:
* Về thức ăn:
Nguồn thức ăn tổng hợp chủ yếu dùng trong nuôi tôm, loại thức ăn nuôi tôm được sử dụng nhiều nhất: thức ăn CP của Công ty chăn nuôi CP Việt Nam, thức ăn KP 90 của Công ty phát triển nguồn lợi Thuỷ sản Miền Trung, Uni - President, Grobest và một số loại của Công ty TNHH Long Sinh. Kích cỡ thức ăn cũng như hàm lượng đạm trong thức ăn thay đổi tùy theo giai đoạn nuôi, trong đó, giai đoạn dưới 10 g/con, hàm lượng đạm khoảng 40 - 42%, sau đó tùy theo giai đoạn phát triển mà hàm lượng đạm giảm dần đến khoảng 36 - 38%.
Thức ăn và quản lý thức ăn là một khâu quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến thành công cũng như lợi nhuận của toàn vụ nuôi, bởi vì thức ăn chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn bộ chi phí sản xuất (50 - 60%). Lượng thức ăn cho tôm ăn cần thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tuy nhiên có sự điều chỉnh cho phù hợp dựa trên
khối lượng tôm, tình trạng sức khỏe, chất lượng nước ao nuôi và sự biến động của thời tiết, khí hậu.
Chế độ cho tôm ăn của các hộ nuôi chủ yếu là 3 lần/ngày, hoặc 4 lần/ngày, hoặc 5 lần/ngày, trong đó, số hộ cho ăn 4 lần/ngày chiếm tỷ lệ lớn nhất (62%), tiếp theo là chế độ cho ăn 3 lần/ngày (35%) và 5 lần/ngày (3%). Thường tôm được cho ăn vào các thời điểm 6h, 10h, 16h và 22h. Đây là chế độ cho ăn tương đối hợp lý so với sinh lý tiêu hóa của tôm nuôi bởi lẽ trong điều kiện nhiệt độ bình thường, thời gian tiêu hóa thức ăn của tôm từ 4 - 6 giờ, việc chia số lần cho ăn từ 4 – 5 lần giúp tăng cường khả năng tiêu hóa và sử dụng hiệu quả nguồn thức ăn, kích thích tôm bắt mồi. Đồng thời, phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của tôm, hình thức nuôi, mức độ đầu tư, sự biến đổi của các yếu tố môi trường và thời tiết, khí hậu mà số lần cho ăn có thể thay đổi. Tôm dưới 2 tháng tuổi thường được cho ăn nhiều hơn 4 – 5 lần/ngày, sau đó, giai đoạn từ 2 tháng tuổi trở lên các hộ nuôi thường bỏ bữa ăn ban đêm chỉ duy trì chế độ cho ăn 3 lần/ngày. Bởi vì, tôm thường được nuôi mật độ cao, theo hình thức thâm canh, do đó nhu cầu ôxy lớn, đặc biệt khi tôm lớn thường cắt bữa ăn vào ban đêm (tổng lượng thức ăn trong ngày không đổi) có ý nghĩa lớn trong việc quản lý môi trường và đảm bảo cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt.
Các hộ nuôi đều sử dụng sàng ăn để theo dõi khả năng bắt mồi cũng như tình trạng sức khỏe của tôm, qua đó có các biện pháp điều chỉnh lượng thức ăn kịp thời. Số lượng sàng ăn được bố trí 2-3cái/ao 3000 - 5000m2. Lượng thức ăn cho vào sàng ăn và thời gian kiểm tra sàng ăn dao động 3 – 10% và 1,5 – 3 giờ tùy theo giai đoạn phát triển và tình trạng sức khỏe của tôm.
Ngoài thức ăn được sử dụng hằng ngày, các hộ nuôi đều sử dụng thức ăn bổ sung. Thời gian đầu các chất dinh dưỡng bổ sung vào thức ăn cho tôm bao gồm vitamin C, men tiêu hóa, khoáng và vitamine tổng hợp,… Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là hội chứng gan tụy, nên người nuôi bổ sung thêm một số sản phẩm thuốc hỗ trợ gan trộn vào thức ăn. Tuy nhiên, việc sử dụng thức ăn bổ sung thuốc này vẫn chưa mang lại hiệu quả, tôm vẫn bị bệnh và chết.
Qua điều tra các hộ nuôi, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) toàn vụ nuôi dao động trong khoảng 0,95 - 2,50, trong đó, hệ số FCR từ 1,0 - 1,2 chiếm tỷ lệ 60,5%.
bệnh, đặc biệt là bệnh bệnh phân trắng và bệnh gan tụy ở tôm. Nhìn chung, khi bị 2 bệnh này nói riêng và các bệnh khác nói chung, tôm thường bỏ ăn, chết rải rác làm giảm tỷ lệ sống do đó đẩy hệ số FCR lên cao trên 2,0 thậm chí là 2,5.
* Thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học
Qua điều tra cho thấy, tất cả các hộ nuôi đều sử dụng các loại thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi, nhằm mục đích nâng cao sức đề kháng của tôm, tiêu diệt tác nhân gây bệnh và quản lý các yếu tố môi trường trong phạm vi thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Thực tế điều tra cho thấy, 70,5% số hộ định kỳ sử dụng kháng sinh, đáng chú ý là 60% trong số này thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh để phòng bệnh, điều này là trái với nguyên lý sử dụng và khuyến cáo của các cơ quan chức năng về cách sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc, kháng sinh và hóa chất này mang tính cảm tính rất cao, không tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật và không nắm vững những nguyên tắc trong quá trình sử dụng và hiệu quả của nó không cao hoặc không rõ rệt, tôm bị bệnh vẫn chết rải rác, 30,5% số hộ được hỏi không sử dụng kháng sinh trong suốt quá trình nuôi do tác dụng và hiệu quả hạn chế của loại thuốc này.
Hiện nay, so với kháng sinh, thì men vi sinh hay chế phẩm sinh học lại được sử dụng rộng rãi trong nuôi tôm thẻ chân trắng nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung. Sử dụng chế phẩm sinh học mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện chất lượng nước, phân hủy các hợp chất hữu cơ, gây màu nước, duy trì ổn định sự phát triển của sinh vật phù du, phân giải các loại khí độc,… Chính vì vậy, 94,3% số hộ được hỏi thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi. Tất cả các chủ hộ được hỏi đều cho rằng, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi là rất cần thiết và có tác dụng rõ rệt trong quản lý môi trường, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh và thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi.