Với một số chính sách mới ưu tiên khuyến khích NTTS của Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Ninh như: Chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản, chương trình Kinh tế Trang trại, chương trình phát triển xuất khẩu thuỷ sản, các Quyết định số 332/QĐ- TTg ngày 3/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển NTTS đến năm 2020; Quyết định số 2194/2009/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020 để tiếp nối các chính sách trên; Một số chính sách, biện pháp khuyến khích phát triển ngành nghề, thu hút lao động giải quyết việc làm của UBND tỉnh Quảng Ninh. Các chương trình này đã tạo ra một phong trào phát triển mạnh mẽ trong ngành thuỷ sản nói chung và nghề nuôi trồng thuỷ sản nói riêng,
diện tích nuôi trồng thuỷ sản ngày một phát triển, năng suất sản lượng ngày một nâng cao, hình thành một lực lượng lao động nuôi trổng thuỷ sản mới, bước đầu đã khẳng định được tiềm năng và thế mạnh về ngành nuôi trồng thuỷ sản và xu thế ngày càng ổn định và phát triển.
Hiện Quảng Ninh đã tiến hành quy hoạch 14 vùng nuôi thủy sản trọng điểm của tỉnh và chuyển đổi được trên 1.503 ha diện tích đất hoang hóa, đất ngập mặn, đất trũng, đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; xây dựng cơ chế hỗ trợ, giống cây trồng vật nuôi, thủy sản cho nông, ngư dân để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh.
Nhưng trong thực tế hiện nay vẫn còn một số vấn đề bất cập như do trình độ quản lý, kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, con giống chưa chủ động cho sinh sản, kỹ thuật nuôi chủ yếu nuôi theo kiểu tự nhiên, cấp đất, mặt nước, vốn đầu tư thấp, các cơ chế cho vay hỗ trợ còn nhiều bất cập; cơ chế chính sách hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản thủ tục còn rườm rà, mức hỗ trợ thấp; chính sách cấp, giao đất, mặt nước chưa thực sự phù hợp với từng loại hình nuôi; thiếu các chính sách thu hút đầu tư vào nuôi trồng thủy sản, khuyến khích nuôi trồng thủy sản phát triển; tỉnh chưa quan tâm dành nguồn lực đầu tư cho nuôi trồng thủy sản, chưa tranh thủ được nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương, việc dành nguồn lực đầu tư hạ tầng dùng chung các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung cũng hạn chế; cơ sở dịch vụ hậu cần chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất nên năng suất và sản lượng thấp, chưa thực sự có hiệu quả cao.