Nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng, thì việc tiêu thụ và thị trường tiêu thụ hiện nay cũng đang là một trong những khó khăn không nhỏ đối với sự phát triển bền vững của nghề nuôi TCT. Trước những năm 2010, mặc dù nghề nuôi ở nhiều địa phương trên cả nước bị thiệt hại nặng bởi vấn đề dịch bệnh, năng suất và sản lượng tôm nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tuy nhiên, khi tôm được thu hoạch thì giá cả thị trường luôn biến động và sản phẩm bán ra thường xuyên bị ép giá. Nhiều hộ nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh nhưng được mùa thì lại bị ép giá, do đó, khó khăn lại càng khó khăn hơn. Hơn nữa giá tôm he chân trắng ở nước ta lại càng thấp khi nghề nuôi tôm các nước Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc phục hồi, và đang là thử thách lớn đối với nghề nuôi tôm nước ta, trong đó có Quảng Ninh. Tuy nhiên, từ những năm 2011 đến nay giá tôm TCT ở Quảng Ninh nói riêng Việt Nam nói chung có nhiều chiều hướng thuận lợi, giá tôm cao, dễ bán không bị tư thương, đầu nậu ép giá, nếu như tình hình tiêu thụ và giá TCT như giai đoạn hiện nay thì đây là điều kiện thuận lợi cho người nuôi yên tâm sản xuất, tập trung đầu tư, chú trọng đến chất lượng và hiệu quả của nghề nuôi. Như vậy, để người nuôi tôm thực sự yên tâm đầu tư, bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật và quản lý, các giải pháp về thị trường cũng cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người nuôi qua đó góp phần phát triển nghề nuôi theo hướng bền vững.