3.2.4. Nhóm giải pháp phát triển nông nghiệp gắn với việc bảo vệ môi trường. trường.
Để phát triển nền nông nghiệp bền vững thì bên cạnh những giải pháp về phát triển kinh tế để đạt tới một nền nông nghiệp hiện đại thì một yêu cầu rất quan trọng là phải có những giải pháp để hướng đến nông nghiệp thân thiện với môi trường, nông nghiệp sạch giữ gìn sự cân bằng sinh thái.
- Làm thay đổi tư duy, phương pháp canh tác của người nông dân trong tỉnh, chuyển từ tư duy canh tác theo tập quán theo thói quen sang canh tác theo quy trình kỹ thuật. Đây là yêu cầu rất quan trọng để dần hướng hoạt động sản xuất nông nghiệp của người nông dân than thiện với môi trường.
- Xây dựng, phổ biến rộng rãi chế độ canh tác, quy trình canh tác một cách khoa học trong đó sử dụng không quá mức phân bón hóa học, thuốc phòng trừ sâu bệnh làm cho đất bị sơ cứng và huỷ diệt đa dạng sinh học.
- Kiểm soát chặt chẽ các khâu sản xuất, cung ứng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng tránh gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước.
- Đưa công nghệ sinh học vào giải quyết các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp trong tỉnh như xử lý lượng rơm rạ sau thu hoạch, các chất thải từ chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản.
- Quản lý rừng thật chặt chẽ tránh khai thác rừng bừa bãi, việc phát triển các vùng cây công nghiệp như chè, cao su ở các huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Ba, Hạ Hoà… cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng không để xảy ra khai thác rừng bừa bãi, phá rừng chuyển sang trồng các cây công nghiệp lâu năm gây lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất.
- Xây dựng những vùng nuôi trồng thuỷ sản cần phải tính đến việc xử lý lượng chất thải gây ô nhiễm nguồn nước để có giải pháp phù hợp bảo vệ môi trường nước.
- Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngoài nông nghiệp, đặc biệt là do hoạt động đổ bừa bãi các chất thải từ các khu đô thị, khu công nghiệp nhà máy, làng nghề làm ô nhiễm nguồn nước, phá hủy môi trường sinh thái. Tổ chức tốt việc thu gom rác thải sinh hoạt ở nông thôn; vệ sinh môi trường nông thôn.
- Thực hiện những trương trình ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu của chính phủ và chủ động xây dựng chương trình ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh. Với điều kiện tự nhiên của một tỉnh miền núi cần xây dựng những chương trình ứng phó với hạn hán, lũ quét sạt lở đất để tránh những thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.
- Tuyên truyền giáo dục người dân nâng cao ý thức đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái, có cơ chế ràng buộc và xử phạt nghiêm đối với hành vi phá hủy môi trường sinh thái trên tất cả các lĩnh vực trong đó có nông nghiệp.