Quản trị rủi ro tín dụng để bảo vệ ngân hàng tránh khỏi những thiệt hại không dự tính trước, bảo đảm không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và khả năng tồn tại của ngân hàng bằng cách hạ thấp rủi ro tín dụng bằng các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động tín dụng và kiểm soát rủi ro.
1.3.2. Những nội dung cơ bản của quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại thương mại
1.3.2.1. Nhận diện rủi ro tín dụng
Bước đầu tiên để có một chương trình quản trị rủi ro tín dụng hiệu quả là phải nhận biết và xác định được các loại rủi ro tín dụng mà tổ chức tín dụng có thể gặp phải thông qua việc phân tích khách hàng, môi trường kinh doanh, đặc thù các sản phẩm, dịch vụ và quy trình nghiệp vụ tín dụng. Một trong những cách phân tích rủi ro cơ bản là phân tích từ nguyên nhân đến tổn thất theo chuỗi rủi ro với 5 mắt xích như sau: Mối nguy cơ -> Môi trường rủi ro -> Sự tương tác giữa mối nguy cơ và yếu tố môi trường - > Kết quả trực tiếp -> Hậu quả lâu dài. Việc phân tích theo chuỗi rủi ro sẽ tạo điều kiện cho các nhà quản trị phát triển các phương pháp kiểm soát rủi ro và hiểu kết quả xảy ra như thế nào để có phương pháp kiểm soát phù hợp.
+ Nhận biết và đo lường rủi ro, rủi ro theo từng khoản vay, theo dạng hợp đồng tín dụng, theo dạng tài sản bảo đảm, từng khách hàng, nhóm khách hàng, theo mặt hàng và lĩnh vực đầu tư…
+ Trong quá trình xác định mức độ rủi ro cần chú ý các rủi ro mới trước đó chưa được phát hiện.
1.3.2.2. Đo lường rủi ro tín dụng
Việc đo lường rủi ro, đánh giá khả năng và giá trị tổn thất theo tần số và mức độ tổn thất. Quá trình đo lường có thể mang hình thức đánh giá chất lượng hoặc đánh giá số lượng. Hiện nay trên thực tế có 3 phương pháp định lượng cơ bản là:
- Phương pháp thống kê: Bản chất của phương pháp này là dựa trên việc tính toán xác suất xảy ra thiệt hại đối những nghiệp vụ tín dụng được nghiên cứu.
- Phương pháp kinh nghiệm: Phương pháp này được hình thành trên kinh nghiệm của các chuyên gia. Và để chính xác hơn các nhà quản trị ngân hàng có thể kết hợp phương pháp thống kê và phương pháp kinh nghiệm với nhau (phương pháp này thường được các ngân hàng áp dụng).
- Phương pháp tính toán – phân tích: Phương pháp này dựa trên việc xây dựng đường cong xác suất thiệt hại và đánh giá rủi ro tín dụng ngân hàng dựa trên sự biến thiên của đồ thị toán ứng dụng bằng phương pháp ngoại suy. Tuy nhiên, việc đánh giá rủi ro tín dụng trên cơ sở toán về mặt lý thuyết chưa được hoàn thiện. Vì vậy phương pháp này thực tế hiện nay chưa được áp dụng rộng rãi.