Hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế thị trường chứa nhiều yếu tố rủi ro trong đó rủi ro tín dụng là rủi ro nghiêm trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận, đến sự tồn vong của ngân hàng, việc tái cơ cấu, đánh giá các ngân hàng yếu kém đều dựa trên năng lực quản trị của ngân hàng mà chủ yếu là việc quản trị rủi ro tín dụng là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến năng lực quản trị của ngân hàng. Trong hoạt động tín dụng trước hết ngân hàng cần phòng ngừa, hạn chế các yếu tố có thể dẫn đến rủi ro, một trong các yếu tố đó là chất lượng của chuyên viên QHKH (còn được gọi là nhân viên kinh doanh). Công tác tín dụng cũng như công tác quản lý rủi ro tại ngân hàng thì chất lượng nguồn nhân lực có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức là rất quan trọng.
Phẩm chất đạo đức của nhân viên kinh doanh tác động trực tiếp đến niềm tin của khách hàng, ảnh hưởng đến thương hiệu của ngân hàng, hoạt động tín dụng là lĩnh vực nhạy cảm, nhân viên kinh doanh phải có lập trường và bản lĩnh, nếu không rất dễ bị sa ngã. Vì vậy, nâng cao năng lực phẩm chất đạo đức đội ngũ nhân viên kinh doanh là việc quan trọng hàng đầu trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, trong các buổi tập huấn chi nhánh nên đưa ra những ví dụ thực tế hậu quả do phẩm chất đạo đức yếu kém
của nhân viên gây ra giúp nhân viên hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng đạo đức nghề nghiệp của bản thân.
Quản lý rủi ro tín dụng hiệu quả phải kể đến công tác tuyển dụng, sử dụng và đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm về quản lý rủi ro tín dụng. Đưa ra các chính sách tuyển dụng, đãi ngộ và đề bạt thích hợp với các tiêu chí về trách nhiệm công việc cụ thể, không nên tổ chức thi tuyển chung giữa nhân viên kinh doanh, nhân viên thẩm định và nhân viên xử lý nợ chung với nhau như hiện nay.
Công tác đào tạo phải thực hiện thường xuyên, liên tục gắn với tập huấn chế độ và văn bản pháp luật của ngành, sắp xếp và ổn định tổ chức, bố trí đúng người đúng việc xây dựng quy chuẩn cán bộ để có kế hoạch đào tạo nâng cao, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên gia đầu ngành với các kỹ năng nghiệp vụ và quản trị kinh doanh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc trong môi trường kinh doanh cạnh tranh trên địa bàn.
Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo về công tác tín dụng, công tác thẩm định, công tác xử lý nợ để nâng cao hiểu biết của nhân viên về kiến thức pháp luật, xử lý công việc chặt chẽ, nhanh nhạy, áp dụng linh hoạt cơ chế chính sách trong giải quyết công việc, phát triển các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng trên địa bàn.
Có chính sách khen thưởng đúng người đúng việc, khuyến khích động viên tư tưởng để nhân viên phấn đấu. Bên cạnh đó cũng quy định trách nhiệm, xử phạt nghiêm minh đối với những cá nhân vị phạm các quy định, quy trình trong hoạt động nghiệp vụ, gây ra nợ xấu làm ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh của chi nhánh. Hiện ngay ngân hàng SHB đang bắt đầu tiến hàng sử dụng có hiệu quả bộ chỉ tiêu KPI (chỉ số đo lường kết quả hoạt động) trong đào tạo và phát triển năng lực của đội ngũ nhân viên ngân hàng. Dựa trên những con số đạt được của nhân viên, ngân hàng sẽ tiến hành đánh giá mức thu nhập và mức khen thưởng hàng quý đối với những nhân viên có nhiều nỗ lực trong thời gian qua. Đặc biệt đối với nhân viên kinh doanh và nhân viên xử lý nợ, dựa trên dư nợ nhân viên đạt được, mức thu hồi nợ đạt được trong tháng là bao nhiêu % trên dư nợ của nhân viên mà sẽ có mức thu nhập kinh doanh tương xứng. Việc đánh giá nhân viên dựa trên bộ chỉ tiêu KPI mang tính khách quan, giúp nhân viên kiểm soát được doanh số mình đạt được như thế nào có tương xứng với mức thu nhập hay không, đồng thời giúp ngân hàng kiểm soát được rủi ro dựa trên công việc mà nhân
viên hoàn thành, điều này thể hiện qua số liệu và những con số thực tế, giúp ngân hàng có cách đánh giá khách quan, kiểm soát chặt chẽ tình hình hoạt động của đơn vị, từ đó có những điều chỉnh phù hợp với đội ngũ nhân viên, giúp đơn vị và hệ thống hoạt động hiệu quả.