Quản trị rủi ro tín dụng luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng thương mại ngay cả đối với những nền kinh tế phát triển ổn định và là điều kiện vô cùng cần thiết cho sự thành công lâu dài của ngân hàng với những lý do sau:
Trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, các quy luật kinh tế như quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh… ngày càng phát huy tác dụng, những rủi ro trong sản xuất, kinh doanh của các công ty trong nền kinh tế thị trường trực tiếp hay gián tiếp tác động đến hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại.
Các ngân hàng thương mại đứng giữa người có vốn và người cần vốn, thực hiện chức năng huy động vốn và cho vay. Đấy cũng chính là lĩnh vực hoạt động kinh doanh chủ yếu của bất kỳ một ngân hàng nào. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng vì thế bao gồm rất nhiều loại rủi ro. Do đó, ngân hàng cần đánh giá cơ hội kinh doanh dựa trên mối quan hệ rủi ro – lợi ích nhằm tìm ra những lợi ích xứng đáng với mức rủi ro có thể chấp nhận được. Ngân hàng sẽ hoạt động tốt nếu mức rủi ro mà ngân hàng gánh chịu là hợp lý và kiểm soát được chứ không thể chối bỏ rủi ro.
Hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại phụ thuộc vào mức độ rủi ro: Trong hoạt động kinh doanh ngân hàng có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan mang lại rủi ro, nhiều yếu tố bất khả kháng nên không tránh khỏi rủi ro. Chính vì vậy, hàng năm các NHTM được phép và cần phải trích lập quỹ bù đắp rủi ro hạch toán vào chi phí. Quy mô quỹ bù đắp rủi ro căn cứ vào mức độ và khả năng rủi ro. Nếu rủi ro thấp thì hiệu quả kinh tế sẽ tăng và ngược lại. Như vậy, hiệu quả kinh doanh của NHTM tỷ lệ nghịch với mức độ rủi ro của khách hàng.
Việc quản trị RRTD có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công hay thất bại của một ngân hàng. Ở hầu hết các ngân hàng trên thế giới, nguyên nhân chủ yếu của các vụ đổ vỡ liên quan trực tiếp đến việc buông lỏng các tiêu chuẩn cấp tín dụng với khách hàng vay, các bên đối tác, đến việc quản trị danh mục kém hiệu quả, hoặc thiếu quan tâm đến những thay đổi của môi trường kinh tế. Ở Việt Nam đã từng xảy ra nhiều đổ vỡ hệ thống ngân hàng mà nguyên nhân chủ yếu cũng từ quản trị RRTD kém… Quản trị RRTD vì thế luôn được coi là hoạt động trung tâm của mọi ngân hàng.
Theo sự tổng kết của Quỹ tiền tệ Quốc tế thì 50% ngân hàng bị phá sản là do tổ chức quản trị yếu kém, trong đó quản trị RRTD chiếm vị trí quan trọng. Trong hoạt động kinh doanh ngân hàng có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan mang đến rủi ro, nhiều yếu tố bất khả kháng nên ngân hàng không thể tránh khỏi rủi ro. Quản trị rủi ro tín dụng tốt là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng của các NHTM.
Ngoài quản trị RRTD đề ra những mục tiêu cụ thể và giúp ngân hàng đi đúng hướng. Các nhà quản trị ngân hàng có kế hoạch hành động cụ thể và hiệu quả, phù hợp với mục tiêu đã đề ra, họ phải vạch ra những việc phải làm và cách làm tốt nhất.
Ngân hàng sẽ có chính sách cho vay và các phương thức kiểm tra sử dụng vốn vay hiệu quả, đảm bảo quá trình thu hồi vốn vay có kết quả tốt nhất. Luồng vốn trong dân cư được luân chuyển một cách có hiệu quả từ người dân vào ngân hàng, và từ ngân hàng đến cộng đồng dân cư. Người đi vay có kế hoạch sử dụng vốn vay của mình một cách hiệu quả và kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp trong từng thời kỳ.