IV. QUY TRÌNH XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
c) Nội dung thẩm định
Phạm vi nội dung thẩm định đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu liên quan đến các khía cạnh pháp lý của dự án, dự thảo. Việc xác định đúng nội dung phạm vi thẩm định có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi của văn bản, qua đó góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật. Cụ thể, phạm vi nội dung thẩm định văn bản quy phạm pháp luật gồm những vấn đề sau:
- Sự cần thiết ban hành văn bản, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo văn bản;
- Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng;
- Tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Tính khả thi của dự thảo văn bản, bao gồm sự phù hợp giữa quy định của dự thảo văn bản với yêu cầu thực tế, trình độ phát triển của xã hội và điều kiện bảo đảm để thực hiện;
- Ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản.
Về sự cần thiết ban hành văn bản, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo văn bản:
(i)Về sự cần thiết ban hành văn bản. Xác định xem văn bản đã thật sự cần thiết ban hành hay chưa là vấn đề đầu tiên phải thẩm định bởi nó ảnh hưởng đến sự tồn tại của văn bản. Những tiêu chí được dùng để đánh giá sự cần thiết này là:
- Yêu cầu quản lý nhà nước: công tác quản lý nhà nước đã thật sự đòi hỏi phải có văn bản để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý chưa.
- Yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hoặc đối với vấn đề mà văn bản đó điều chỉnh.
- Cũng có khi, văn bản cần được ban hành để quy định chi tiết thi hành những văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên đã ban hành.
Văn bản thẩm định phải thể hiện sự tán thành hoặc không tán thành về việc soạn thảo, ban hành văn bản tại thời điểm đó với lý do hợp pháp và hợp lý.
(ii) Về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản. Xem xét đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản nghĩa là xác định văn bản điều chỉnh đối với đối tượng nào? Phạm vi điều chỉnh của văn bản giới hạn ở những quan hệ xã hội nào? Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng vì nó ảnh hưởng đến chất lượng của dự thảo văn bản. Tiêu chí để xem xét đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản có phù hợp với dự thảo văn bản hay không dựa trên các yếu tố sau:
- Vấn đề, lĩnh vực mà văn bản điều chỉnh; - Hình thức văn bản được soạn thảo.
Trên cơ sở cân nhắc, đánh giá về sự rộng, hẹp, về tính đa dạng hay phức tạp của vấn đề, lĩnh vực mà văn bản điều chỉnh để kết luận đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo đã hợp lý chưa.
(iii) Về sự phù hợp với đường lối, chủ trương chính sách của Đảng Đây là một trong những nội dung quan trọng của báo cáo thẩm định bởi nó bảo đảm cho hoạt động thể chế hoá đường lối của Đảng được đúng hướng và đúng với tinh thần các chủ trương chính sách của Đảng.
Tiêu chí để đánh giá dự án, dự thảo văn bản có phù hợp với đường lối, chủ trương chính sách của Đảng hay không cần căn cứ vào các văn kiện của Đảng (ví dụ Văn kiện Đại hội Đảng, Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết, Chỉ thị, Thông báo ý kiến kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, v.v.), tập trung vào những nội dung mà văn kiện đề cập có liên quan trực tiếp đến vấn đề mà dự án, dự thảo điều chỉnh. Từđó có sựđối chiếu, so sánh để kết luận nội dung dự án, dự thảo có phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng hay không.
(iv) Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật
Để thẩm định về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của nội dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật
hiện hành cần xem xét, kiểm tra xem nội dung của dự thảo văn bản được thẩm định có bảo đảm các yêu cầu sau hay không:
- Một là, đối chiếu xem xét các quy định thuộc nội dung dự thảo văn bản cần thẩm định có phù hợp với các quy định của Hiến pháp hiện hành hay không. Trong trường hợp Hiến pháp không có quy định trực tiếp về vấn đề mà văn bản quy định thì cần xem xét, cân nhắc xem nội dung Dự thảo văn bản có phù hợp với tinh thần của Hiến pháp hay không.
- Hai là, cần kiểm tra, xem xét nội dung của dự thảo văn bản có bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn hoặc ngang bằng có liên quan đến dự thảo văn bản cần thẩm định hay không.
Bảo đảm tính thống nhất của nội dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật với hệ thống pháp luật hiện hành là bảo đảm sự phù hợp của các quy định hiện hành với quy định trong dự thảo, không có tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa nội dung của dự thảo với các quy định hiện hành. Các quy định của dự thảo và các quy định trong các văn bản hiện hành có liên quan tạo thành một thể thống nhất. Điều đó cũng có nghĩa bảo đảm tính pháp chế trong hoạt động xây dựng pháp luật.
Bảo đảm tính đồng bộ của nội dung dự thảo với hệ thống pháp luật hiện hành nghĩa là các quy định của dự thảo và các quy định hiện hành có sự ăn khớp nhịp nhàng và phù hợp với nhau, không xẩy ra tình trạng các quy định này không mâu thuẫn, chồng chéo nhưng có sự vênh váo, không ăn khớp giữa các quy định.
(v) Về tính khả thi của văn bản
Tính khả thi của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được thẩm định có thể kết luận qua việc xem xét các khía cạnh sau đây của dự thảo:
- Một là, nội dung các quy định của dự thảo phải bảo đảm tính cụ thể, chi tiết để tổ chức thực hiện hoặc áp dụng được trong thực tiễn;
- Hai là, sự phù hợp của nội dung dự thảo với điều kiện kinh tế xã hội hiện tại, nghĩa là nội dung các quy định có thể thực hiện được trong điều kiện đời sống sinh hoạt và ý thức xã hội mà quy phạm pháp luật đó được áp dụng.
- Ba là, sự phù hợp của các quy định trong dự thảo với ý thức pháp luật của đối tượng áp dụng văn bản;
- Bốn là, phù hợp với khả năng tổ chức thực hiện các quy định thuộc nội dung dự thảo của các cơ quan có trách nhiệm thực thi các quy định đó; - Năm là, việc kế thừa kinh nghiệm thực thi các quy định của pháp luật về những vấn đề có liên quan đến nội dung điều chỉnh của dự thảo văn bản.
(vi). Về kỹ thuật soạn thảo và ngôn ngữ pháp lý
Đây là một trong những nội dung thẩm định cần được tiến hành cẩn thận, cụ thể, chi tiết, bảo đảm cho việc nghiên cứu tiếp thu chỉnh lý của các cơ quan hữu quan sau này được chính xác, thoả đáng, góp phần nâng cao chất lượng văn bản được thẩm định.
Để đánh giá kỹ thuật soạn thảo của một dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có bảo đảm phù hợp với nội dung văn bản điều chỉnh và yêu cầu theo quy định hay không cần căn cứ vào quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm thực tiễn của việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá về kỹ thuật soạn thảo và ngôn ngữ pháp lý sử dụng trong dự thảo văn bản.
Nội dung thẩm định, đánh giá về kỹ thuật soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật bao gồm việc nhận xét, đánh giá về kỹ thuật sắp xếp, bố cục phần, chương, mục, điều, khoản, điểm ... của dự thảo văn bản; đánh giá về kỹ thuật diễn đạt nội dung các quy phạm trong dự thảo, việc chuyển tải đầy đủ và toàn diện chính sách pháp lý, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về vấn đề mà văn bản điều chỉnh. Bên cạnh đó, một nội dung
đánh giá không thể thiếu là ngôn ngữ mà dự thảo văn bản sử dụng để chuyển tải nội dung các quy phạm đã bảo đảm tính "chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải đơn giản, dễ hiểu" như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đòi hỏi hay chưa. Thêm nữa, dự thảo văn bản có sử dụng thuật ngữ chuyên môn hay không. Nếu văn bản có sử dụng thuật ngữ chuyên môn mà những thuật ngữ này cần xác định rõ về nội dung thì dự thảo đã có định nghĩa trong văn bản như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định hay chưa...