Phương pháp
1.4.1. Khái niệm tự học, tự nghiên cứu
Quá trình nghiên cứu các tài liệu liên quan cho thấy có rất nhiều khái niệm khác nhau về tự học, tự nghiên cứu.
Theo chủ tịch Hồ Chí Minh thì: Tự học là học một cách tự động. Người đã từng khuyên: “Phải biết tự động học tập”. “Tự động học tập” tức là học tập một cách hoàn toàn tự giác, tự chủ, không đợi nhắc nhở, không chờ ai giao nhiệm vụ, mà tự mình chủ động vạch ra kế hoạch học tập cho mình, rồi tự mình triển khai, thực hiện kế hoạch đó một cách tự giác, tự mình làm chủ thời gian để học và tự mình kiểm tra, đánh giá việc học của mình.[23],[24],[29]
Theo tác giả Nguyễn Cảnh Toàn thì: “Tự học là tự mình động não, suy nghĩ. Sử dụng các năng lực trí tuệ và có khi cả cơ bắp cùng các phẩm chất của mình, rồi cả động cơ, tình cảm cá nhân, thế giới quan để chiếm lĩnh một lĩnh vực hiểu biết nào đó của nhân loại, biến lĩnh vực đó thành sở hữu của mình”[52].
Theo tác giả Thái Duy Tuyên thì: Tự học là hoạt động độc lập chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo,..và kinh nghiệm lịch sử - xã hội loài người nói chung của chính bản thân người học[49].
Theo tác giả Lê Khánh Bằng thì: Tự học là học với sự tự giác, tính tích cực và độc lập cao của từng cá nhân[8].
Tự nghiên cứu: Người học tự tìm tòi, quan sát, mô tả, giải thích, phát hiện vấn đề, định hướng giải quyết vấn đề, tự tìm ra kiến thức mới và sản phẩm ban đầu hay sản phẩm thô có tính cá nhân[49].
Trong thực tế đối với SV Đại học nói chung và đặc biệt SV chuyên ngành Cờ vua nói riêng tự học và tự nghiên cứu không thể tách rời vì chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đối với Cờ vua việc tự học, tự nghiên cứu tài liệu là rất cần thiết. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng chu trình học của SV là một chu trình gồm ba bước:
Bước một: Tự nghiên cứu.
Bước hai: Tự thể hiện, hợp tác với bạn với thầy. Bước ba: Tự kiểm tra, tự điều chỉnh.
Từ các định nghĩa trên ta hiểu rằng: Tự học, tự nghiên cứu là người học tự động có nhu cầu muốn hiểu biết một kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo...nào đó và bằng nỗ lực của bản thân cố gắng tìm hiểu, xem xét và chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo đó.
Hoạt động học, tự nghiên cứu có thể tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi, mọi người và bằng mọi cách qua các nội dung khác nhau. Dù đã nghe ở trên lớp, khi về nhà học sinh vẫn phải tự học bài và làm bài tập. Qua hoạt động đó học sinh mới hiểu và khắc sâu kiến thức đã học. Để nắm được kiến thức thì chỉ có bản thân người học mới thực hiện được chứ không thể ai học hộ.
Muốn phát triển toàn diện cho học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường Đại học thì khi tổ chức hoạt động dạy học các nhà trường cần phải phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu, năng lực sáng tạo cho mỗi học sinh.
Tự học, tự nghiên cứu dưới góc độ là một hoạt động:
Quá trình nghiên cứu về tự học, tự nghiên cứu các tác giả trong và ngoài nước đã cho rằng, tự học, tự nghiên cứu là một loại hình hoạt động của SV.
“Tự học là hoạt động có chủ đích của con người, liên quan đến sự tìm kiếm và tiếp thu tri thức của người ấy trong lĩnh vực mình ưa thích, kể cả bằng con đường nghe các buổi phát thanh và truyền hình theo chuyên đề” [28, tr129-134].
Tự học là hoạt động tiếp thu, thể hiện và tự kiểm tra đánh giá.
Qua các nhìn nhận trên có thể thấy các tác giả đã có chung những nhận định như:
Tự học, tự nghiên cứu là hoạt động có chủ đích của con người;
Tự học, tự nghiên cứu là hoạt động học tập tích cực, chủ động, tự giác của người học;
Tự học, tự nghiên cứu phản ánh khả năng tổ chức và tự điều khiển của bản thân người học, nhằm đạt được kết quả nhận thức, học tập nhất định.