Thứ nhất, do bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu có tác động đến tình hình phát triển kinh tế của đất nước, đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại huyện Châu Thành, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa - nơi thu hút một số lượng lớn người lao động. Để đối phó với những thách thức này, một số doanh nghiệp
này đã tìm mọi biện pháp để cắt giảm chi phí hoạt động, trong đó cắt giảm cả phần đóng BHXH, BHYT cho người lao động.
Thứ hai, do nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh làm ăn thua lỗ, phá sản, ảnh hưởng đến tình hình lao động việc làm, tình trạng thất nghiệp gia tăng, nên số người lao động làm việc trong doanh nghiệp tham gia BHYT giảm.
2.8.7. Các nguyên nhân thuộc thông tin tuyên truyền về BHYT:
Với bất kỳ chính sách nào, thông tin tuyên truyền cũng luôn đóng vai trò định hướng, giúp cho người dân từ biết đến hiểu, từ hiểu đến thực hiện và tham gia phát triển thêm chính sách ấy. Phát triển BHYT cũng không là ngoại lệ. Bởi lẽ, một trong những nguyên nhân dẫn đến người dân không quan tâm, không muốn tham gia BHYT là họ thiếu hiểu biết, chưa thấy lợi ích của việc tham gia hoặc thiếu tin tưởng vào hệ thống tổ chức thực hiện (cả hệ thống đầu vào liên quan đến phát hành thẻ lẫn hệ thống đầu ra là KCB BHYT). Do đó, vấn đề đặt ra là phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ về chính sách, chế độ, vai trò, ý nghĩa, tác dụng cũng như những lợi ích của BHYT để họ biết, tin tưởng và nhiệt tình tham gia. Có thể tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau như tổ chức các lớp tập huấn, viết báo, đối thoại trực tiếp hoặc trên truyền hình, thông qua internet, phát hành tờ rơi, dán panô, áp phích… Thông tin tuyên truyền chính sách BHYT không chỉ đơn thuần là việc của cơ quan tổ chức thực hiện (ngành BHXH và ngành Y tế), hơn thế nữa, đó còn là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, kể cả các cấp ủy đảng nhằm phổ biến, quán triệt chủ trương, thống nhất trong tổ chức thực.
Như vậy, thông tin truyên truyền không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến chính sách mà còn góp phần định hướng chính sách đối với người tham gia. Nếu thông tin tuyên truyền tốt, người dân sẽ biết, hiểu, thấy được quyền lợi khi tham gia BHYT, từ đó họ tự giác tham gia. Ngược lại, nếu không làm tốt công tác này thì người dân sẽ không biết, không hiểu, không rõ khi tham gia mình được gì, mất gì, nên việc phát triển BHYT chắc chắn gặp nhiều khó khăn.
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
Chương 2 tập trung trình bày các nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, giới thiệu khái quát về tình hình phát triển BHYT của tỉnh Kiên Giang; giới thiệu khái quát về huyện Châu Thành và hệ thống tổ chức BHYT tại huyện Châu Thành
Thứ hai, phân tích thực trạng tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHYT tại Cơ quan BHXH huyện Châu Thành
Thứ ba, phân tích thực trạng KCB có BHYT của Bệnh viện đa khoa huyện Châu Thành
Thứ tư, phân tích tình hình phát triển hệ thống BHYT của huyện Châu Thành từ năm 2010-2012 trên các mặt: khái quát chung và đi sâu phân tích tình hình tham gia BHYT bắt buộc của các đối tượng: người lao động trong doanh nghiệp, người đang hưởng lương từ ngân sách, người thuộc đối tượng chính sách xã hội.
Thứ năm, khảo sát thực trạng phát triển hệ thống BHYT của huyện Châu Thành thông qua phỏng vấn trực tiếp người dân huyện Châu Thành và phỏng vấn trực tiếp chuyên gia tại Cơ quan BHXH huyện Châu Thành và Bệnh viện đa khoa huyện Châu Thành
Thứ sáu, phân tích 7 nhóm nhân tố có ảnh hưởng đến tình trạng phát triển hệ thống BHYT của huyện Châu Thành trong thời gian qua.
Kết quả phân tích ở chương 2 đã chỉ ra những thành tựu đạt được, những khó khăn tồn tại và chỉ rõ các nguyên nhân. Đây là cơ sở giúp cho việc định hướng và đề ra các giải pháp nhằm phát triển BHYT huyện Châu Thành trong thời gian tới.
CHƯƠNG 3. GIẢI PHÁP CHO PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG BHYT HUYỆN CHÂU THÀNH TỈNH KIÊN GIANG