- Nhiệm vụ củng cố tăng cường nhận thức tri thức: Hoạt động GDNGLL giúp học sinh củng cố, nâng cao hiểu biết về các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, hoàn thiện những tri thức đã được học trên lớp, mở rộng nhãn quan với thế giới xung quanh, với cộng đồng xã hội. Giáo dục trên lớp là giáo dục cơ bản theo một nội dung đã được qui định. Các em học sinh sẽ phải học và nắm các kiến thức đó. Muốn bổ xung thêm tri thức, hoặc muốn làm sâu sắc các tri thức, thì cần phải thông qua HĐGDNGLL. Hoạt động GDNGLL giúp học sinh biết vận dụng những tri thức đã học để giải quyết các vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra, tạo cơ hội kiểm nghiệm những tri thức đó, làm cho nó đi vào tiềm thức của học sinh một cách chắc chắn và lâu bền, kích thích sự phát triển tư duy của các em.
Hoạt động GDNGLL giúp học sinh định hướng nhận thức, biết tự điều chỉnh hành vi đạo đức, lối sống phù hợp. Bên cạnh đó nó còn giúp học sinh định hướng chính trị, xã hội, có những hiểu biết nhất định về truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hoạt động GDNGLL còn giúp học sinh có những hiểu biết cơ bản về các vấn đề có tính thời sự trong nước và quốc tế, để từ đó định hướng hành vi cho phù hợp.
- Bồi dưỡng thái độ tình cảm: Hoạt động GDNGLL sẽ làm bộc lộ hứng thú, sở trường, năng lực của học sinh đồng thời thể hiện sự tự tin, lòng tự trọng, tôn trọng mọi người xung quanh và bạn bè, từ đó phát triển hài hòa giữa tình cảm thẩm mỹ, tình cảm đạo đức, tình cảm trí tuệ và hoạt động xã hội để tạo nên một nhân cách toàn diện. Hoạt động GDNGLL từng bước hình thành cho các em học sinh niềm tin vào sự nghiệp đất nước, từ đó hình thành
và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, mong muốn làm đẹp thêm cho lớp, cho trường, cho gia đình và cho quê hương mình.
Hoạt động GDNGLL bồi dưỡng cho học sinh tình cảm đạo đức trong sáng với bạn bè, Thầy Cô, cộng đồng, từ đó giúp các em biết kính yêu trân trọng cái đẹp, biết đấu tranh với cái xấu, tôn trọng chuẩn mực đạo đức của xã hội, luôn vươn tới giá trị chân-thiện-mỹ.
- Hình thành hệ thống kỹ năng hành vi: Đó là kỹ năng thực hiện các
công việc lao động, các kỹ năng sáng tạo nghệ thuật, xây dựng chuẩn mực các hành vi ứng xử trong đời sống. Rèn luyện kỹ năng tổ chức các hoạt động tập thể, biết phối hợp cùng thực hiện, nâng cao ý thức tự chủ, tự tin, chủ động trong giao tiếp với mọi người.