3.3 Một số giải pháp góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành Khai thác và NTTS huyện Tuy An giai đoạn 2011 – 2020
3.3.1 Đối với hoạt động Khai thác TS
Giải pháp 1: Xây dựng chương trình điều chỉnh, giảm bớt số lượng tàu thuyền nhỏ gần bờ.
Sự cần thiết của giải pháp:
Theo điều tra, trong cơ cấu tàu thuyền toàn huyện, số lượng tàu thuyền thủ công và tàu có công suất nhỏ chiếm tỷ trọng khá cao. Tàu có công suất dưới 20 CV có đến 1,241 tàu, chiếm 67.34% tổng số tàu cơ giới; riêng tàu thủ công có đến 2,407 tàu, chiếm đến 56.63% tổng số tàu trên địa bàn.
Đặc điểm của loại tàu này là hoạt động chủ yếu ở khu vực ven bờ, với các hình thức nghề khai thác như lưới rê, mành, pha xúc… Các nghề này khi khai thác đa phần không có tính chọn lọc, mang tính tận diệt, hủy hoại môi trường, do đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình nguồn lợi TS ven bờ cũng như trong đầm ngày càng cạn kiệt, trong tình trạng bị khai thác quá mức.
Mặt khác, việc đầu tư cho loại tàu này không tốn quá nhiều chi phí, phù hợp với điều kiện kinh tế của các hộ ngư dân vùng biển nghèo, hoạt động khai thác chỉ phục vụ cho cuộc sống mưu sinh trước mắt.
Chính vì nguyên nhân đó, cần phải có giải pháp ngăn chặn lượng tàu thuyền phát triển một cách tự phát, làm mất khả năng cân đối giữa khả năng khai thác với nguồn lợi hiện có.
Nội dung thực hiện:
Cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ việc đóng mới, đăng ký, cấp giấy phép
khai thác cho các phương tiện tham gia khai thác TS. Đối với tàu có đóng mới, cải hoán phải có văn bản chấp thuận của Sở NN & PTNT tỉnh Phú Yên (mẫu 3 – HD2377).
Thu hồi số lượng tàu thuyền không đảm bảo các quy định về an toàn khai
thác TS, tàu đã hết hạn giấy phép khai thác, tàu sử dụng các hình thức khai thác mang tính hủy diệt cao… Từ nay đến năm 2015, tiến hành thu hồi khoảng 22 tàu thủ công (87 tàu năm 2020).
Khi thu hồi số lượng tàu, nên thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho vay vốn ban
đầu với lãi suất ưu đãi để chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm mới, sinh kế cho ngư dân. Hoặc tổ chức các khóa đào tạo tay nghề ngắn hạn, giúp lao động nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp.
Giải pháp 2: Khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền cơ giới công suất lớn để đánh bắt xa bờ, bám biển dài ngày.
Sự cần thiết của giải pháp:
So với thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực phẩm có nguồn gốc TS đang ngày càng chiếm ưu thế hơn do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thị trường tiêu thụ khá lớn.
Ở Tuy An, nguồn lợi TS ven bờ và đầm đã được cảnh báo đang ở trong tình trạng cạn kiệt do bị khai thác quá mức. Nguyên nhân chính của vấn đề do xuất phát điểm của ngành khai thác huyện thấp, ngư dân chưa có đủ điều kiện để nâng cao năng lực và khả năng đánh bắt của tàu thuyền.
Chính vì vậy, việc chuyển dịch hoạt động khai thác theo hướng ra xa bờ là điều tất yếu, hợp quy luật.
Để giải pháp mang tính khả thi, cần phải thực hiện một số nội dung sau:
Nội dung thực hiện:
Khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán công suất tàu thuyền. Phấn đấu đến năm 2020, số tàu cơ giới là 1,950 tàu (tăng 107 tàu so với năm 2010), bình quân mỗi năm đóng mới 11 tàu cơ giới phục vụ cho công tác khai thác xa bờ.
Hỗ trợ ngư dân khi tiến hành khai thác tại các ngư trường xa, nhằm hạn chế áp lực cho nguồn lợi thủy sản ven bờ của địa phương. Thực hiện hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/07/2010 về “Một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ nghề hải sản trên các vùng biển xa”, áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khai thác, nuôi trồng hải sản trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và DK1 (kèm theo một số điều kiện đi kèm).
Hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi và về của các tàu hoạt động trên các vùng biển xa
tối đa 4 chuyến biển/tàu/năm, mức hỗ trợ tùy theo công suất lắp máy tàu: từ 90 – dưới 150 CV hỗ trợ 18 triệu đồng/chuyến biển; từ 150 – dưới 250 CV hỗ trợ 25 triệu đồng/chuyến biển;…
Hỗ trợ cho một tàu, một lần 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 01/11/2011.
Hỗ trợ cho một tàu, một lần 100% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, thời gian thực hiện từ ngày 01/11/2011.
Thuyền trưởng, thuyền viên và những người làm việc trên tàu được cung cấp
miễn phí nước ngọt, dịch vụ y tế thông thường và chỗ ngủ khi lưu lại trên các đảo có điều kiện cung ứng các dịch vụ trên.
Hỗ trợ việc ứng dụng khoa học – công nghệ cho hoạt động khai thác xa bờ, cũng với mức hỗ trợ thực hiện như Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg.
Hỗ trợ cho một tàu, một lần 100% kinh phí mua 01 bộ máy thông tin liên lạc
sóng HF tầm xa, có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS phục vụ cho việc xác định vị trí tàu hoạt động trên biển và truyền thông tin từ tàu về bờ và ngược lại.
Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để trang bị thêm các kỹ năng về khai thác, phòng tránh bão, tìm kiếm cứu nạn trên biển; phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi TS… Hướng dẫn ngư dân thực hiện ghi Nhật ký khai thác để có thể truy xuất nguồn gốc đảm bảo sản phẩm khai thác được đạt chuẩn IUU, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Giải pháp 3: Tạo sinh kế cho số lao động dôi dư trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp.
Sự cần thiết của giải pháp:
Để giảm áp lực khai thác lên nguồn lợi TS vùng ven biển, đầm, rất cần các biện pháp nhằm hạn chế mức tăng số lượng tàu thuyền; thu hồi một số tàu thuyền thủ công, tàu có công suất nhỏ không đáp ứng được các điều kiện khai thác...
Các biện pháp này vô tình đã tạo ra một bộ phận lao động bị dôi dư trong quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành. Bộ phận lao động này đa phần là những ngư dân nghèo, không có điều kiện đầu tư nỗ lực, hoạt động khai thác mang tính mưu sinh hàng ngày.
Ngoài ra, ở vùng biển, số lượng lao động nhàn rỗi, lao động nữ và người lớn tuổi khá đông. việc giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho họ là việc làm cấp bách và cần thiết hiện nay. Nếu không giải quyết tốt vân đề này, tình trạng số lao động dôi
dư ấy sẽ tiếp tục sử dụng các hình thức khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi TS vùng ven bờ, vùng đầm vì mục đích mưu sinh là không tránh khỏi.
Nội dung thực hiện:
Tạo sinh kế cho số lao động nữ vùng biển, số lao động dôi dư trong quá trình chuyển đổi bằng việc đầu tư, tìm thị trường đầu ra cho các hình thức nghề truyền thống, như: dệt chiếu cói (An Cư), đan mây tre lá (An Ninh Tây, An Thạch), đan thúng chai (An Dân)...
Các cơ quan chức năng khuyến khích và tạo điều kiện sản xuất kinh doanh để các nhà đầu tư thực hiện cam kết sử dụng lao động tại địa phương nhằm giải quyết công ăn việc làm cho đối tượng lao động vùng biển, tránh gây sức ép lên nguồn lợi thủy sản ven bờ. Ví dụ như: cơ sở sản xuất hạt điều tại xã An Ninh Tây, công ty lắp ráp ô tô JRD ở xã An Mỹ.... đã thu hút hàng trăm lao động tham gia.
Giải pháp 4: Xây dựng các tổ tự quản an toàn về an ninh trật tự trên biển.
Sự cần thiết của giải pháp:
Theo như đã phân tích ở các phần trước, năng lực khai thác của đội ngũ tàu thuyền Tuy An khá hạn chế, cả trong khâu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Điều này làm cho sản lượng khai thác được không cao, giá trị kinh tế mang lại thấp do chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Cần thiết phải thành lập các tổ đội tàu thuyền hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, về công tác hậu cần, giúp các tàu có khả năng bám biển dài ngày hơn, nhưng chất lượng sản phẩm vẫn đảm bảo theo nhu cầu.
Mặt khác, với tình hình diễn biến phức tạp về vấn đề biển đảo hiện nay, các vụ tranh chấp giữa ngư dân Việt Nam với tàu có nước ngoài thường xuyên xảy ra, việc hoạt động theo hình thức tổ đội tàu thuyền giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác, ứng cứu nhau khi gặp nạn là một giải pháp phù hợp, có tính khả thi.
Nội dung thực hiện:
Xây dựng các tổ tự quản an toàn về an ninh trật tự trên biển; chú trọng đầu tư các phương tiện kỹ thuật cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ nhau trong sản xuất và mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tuy An đã xây dựng được 19 tổ tự quản tàu thuyền, mỗi tổ có từ 3 đến 5 tàu. Hình thức hoạt động của các tổ này còn rất đơn giản, chưa có phân công chuyên trách. Các tàu trong tổ và giữa các tổ với nhau chỉ hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, nước uống, khi gặp nạn, sự cố và tình huống bất trắc trên biển.
Có kế hoạch hỗ trợ về kinh phí hoạt động cho các tổ tàu thuyền khai thác;
hướng dẫn các tổ tàu thuyền về các quy định mới, các Luật liên quan đến vùng biển hoạt động để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các tàu.