Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành TS

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản huyện tuy an giai đoạn 2011 – 2020 (Trang 31 - 35)

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

1.1 Cơ sở lý luận chung về chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành Thủy sản

1.1.3 Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành TS

1.1.3.1 Khái niệm:

Chuyển dịch cơ cấu ngành TS là sự vận động thay đổi không ngừng về cấu trúc, tỷ trọng, tốc độ giữa các ngành hợp thành cơ cấu ngành TS từ trạng thái này sang trạng thái khác để phù hợp với điều kiện và môi trường phát triển trong từng thời kỳ.

Sự vận động này được thể hiện bởi:

­ Sự thay đổi các ngành hợp thành trong hệ thống sản xuất kinh doanh TS, như:

việc hình thành các ngành mới hoặc mất đi các ngành cũ trong từng thời kỳ…

­ Mối quan hệ giữa các ngành hợp thành, như: quy mô, tốc độ phát triển không giống nhau giữa các ngành bộ phận; hoặc do sự thay đổi tỷ trọng các ngành hợp thành trong từng thời kỳ...

Nguyên nhân:

­ Cơ cấu ngành TS, cũng như các cơ cấu kinh tế nói chung là một cơ cấu động, thường xuyên có sự vận động phát triển không ngừng tùy thuộc vào sự thay đổi các điều kiện kinh tế – xã hội.

­ Do sự phát triển của phân công lao động xã hội và sự tác động của nhiều nhân tố khác nhau trong từng thời kỳ.

1.1.3.2 Ý nghĩa việc chuyển dịch cơ cấu ngành TS:

­ Chuyển dịch cơ cấu ngành TS là một tất yếu khách quan.

­ Nhằm mở rộng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động; sử dụng tối ưu các nguồn lực, nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội; cải thiện đời sống, bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển ngành một cách bền vững.

­ Khắc phục tốt mâu thuẫn giữa việc quản lý, bảo tồn sự phát triển của nguồn lợi với việc giải quyết việc làm, thu nhập và đời sống hàng ngày của một bộ phận khá đông cộng đồng dân cư các vùng ven biển.

­ Chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng sản xuất hàng hóa ở trình độ cao, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước; đồng thời gia tăng giá trị trao đổi, đa dạng mặt hàng cung ứng.

1.1.3.3 Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành Thủy sản:

a/ Nhu cầu thị trường:

Các hoạt động sản xuất kinh doanh được diễn ra, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường lại khá đa dạng, mỗi nhu cầu thường được đáp ứng bởi một hay một số loại sản phẩm, mà mỗi loại sản phẩm thông thường lại được sản xuất ra trong một số ngành khác nhau. Do đó, khi số lượng cầu thay đổi, dẫn đến có sự thay đổi về số lượng của các ngành sản xuất, gây nên tác động chuyển dịch cơ cấu ngành.

Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong xã hội đang có xu hướng chuyển dịch từ các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn sang sử dụng các loại thực phẩm TS. Nguyên nhân chính là do những ưu điểm vượt trội của loại thực phẩm này đối với sức khỏe con người. Từ đó, thúc đẩy ngành TS phát triển, hình thành nhiều ngành chuyên môn hóa hẹp nhằm tận dụng các tài nguyên nguồn lợi phong phú, đa dạng để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu.

Quy mô nhu cầu cũng là yếu tố tác động làm thay đổi cơ cấu ngành. Ngay cả khi số lượng các ngành chuyên môn hóa không thay đổi nhưng do sự phát triển của xã hội, cũng làm yêu cầu tăng cường số lượng, chất lượng các sản phẩm sản xuất ra.

Điều này đòi hỏi sự phát triển, thay đổi cơ cấu ngành một cách phù hợp.

Vận dụng nhân tố này khi xây dựng và biến đổi cơ cấu ngành TS:

­ Cần xuất phát từ nhu cầu thị trường mà xác định cơ cấu các mặt hàng, ngành hàng thích hợp; đảm bảo sự gắn bó giữa sản xuất và thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

b/ Điều kiện tự nhiên:

Điều kiện tự nhiên là cơ sở để hình thành và phát triển ngành TS; đồng thời, cũng quy định cơ cấu ngành và cơ cấu nghề nghiệp phù hợp trên các vùng lãnh thổ khác nhau. Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất TS có tính chất sản xuất Nông nghiệp, gắn liền với điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý của từng vùng, từng quốc gia.

Trữ lượng và sự đa dạng về các giống loài động – thực vật TS có tác động và ảnh hưởng lớn đến số lượng, quy mô cũng như tốc độ phát triển của các ngành chuyên môn hóa trong hệ thống sản xuất kinh doanh TS.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ trong giai đoạn hiện nay, trình độ của lực lượng sản xuất đã được nâng cao, tăng khả năng chế ngự và hạn chế phần nào những tác động xấu của điều kiện tự nhiên đến sự phát triển nhưng vẫn không thể tách rời khỏi điều kiện tự nhiên.

Vận dụng vào điều kiện nước ta:

­ Do chủng loại nguyên liệu TS nước ta phong phú, đa dạng nhưng có trữ lượng không lớn, nguồn lợi ven bờ đang bị cạn kiệt. Đòi hỏi phải tổ chức điều tra thăm dò, đánh giá đầy đủ tiềm năng nguồn lợi đặc biệt là nguồn lợi xa bờ và các tuyến đảo, làm cơ sở phát triển các ngành khai thác xa bờ, kết hợp khai thác bảo vệ nguồn lợi, hạn chế hoặc cấm hẳn một số nghề khai thác truyền thống có tính chất hủy diệt nguồn lợi.

­ Đồng thời, phát triển mạnh ngành chế biến, đặc biệt là chế biến xuất khẩu để nâng cao giá trị sản phẩm TS, tận dụng nguồn nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong điều kiện nguồn lợi có hạn.

c/ Tiến bộ khoa học công nghệ:

Tiến bộ khoa học công nghệ là nhân tố mà một mặt tạo ra những nhu cầu mới; mặt khác lại tạo ra những khả năng mới cho sự hình thành và phát triển cơ cấu ngành nhằm đáp ứng các nhu cầu.

Hiện nay, tiến bộ khoa học công nghệ đã làm thay đổi đáng kể vị trí, vai trò của các ngành chuyên môn hóa theo hướng các ngành đại diện cho kỹ thuật mới có tốc độ phát triển nhanh hơn, thay thế cho các ngành thủ công truyền thống.

Làm thay đổi vai trò của nguyên liệu trong quá trình sản xuất; đồng thời, tiến bộ khoa học công nghệ còn cho phép sử dụng tốt hơn nguyên liệu, phế liệu, phế thải và tận dụng triệt để các chất có ích chứa trong nguyên liệu, giảm định mức tiêu hao nguyên vật liệu trong một đơn vị sản phẩm. Từ đó có thể tăng số lượng chủng loại

sản phẩm làm ra trên một lượng nguyên liệu nhất định, đáp ứng được nhiều nhu cầu hơn. Điều này làm thay đổi quan hệ giữa ngành khai thác và chế biến.

Đồng thời, nhân tố này còn cho phép khai thác những nguồn lợi động thực vật mà trước đây chưa có khả năng khai thác được.

Vận dụng:

­ Tăng cường công tác nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong hệ thống các hoạt động sản xuất kinh doanh TS.

d/ Nhân tố môi trường thể chế:

Môi trường thể chế hay chính là hệ thống các quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước có ảnh hưởng đến việc xây dựng và biến đổi cơ cấu ngành, được thể hiện bởi những định hướng thông qua các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và chiến lược phát triển ngành trong từng thời kỳ.

Với xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra trên bình diện các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa như hiện nay; cùng với đó là cuộc cách mạng khoa học – công nghệ diễn ra ngày càng mạnh mẽ, điều này đã tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc phát huy lợi thế so sánh của đất nước; đồng thời, góp phần đẩy nhanh quá trình CNH – HĐH.

Môi trường thể chế thuận lợi không chỉ tạo ra một thị trường rộng lớn về tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm; mà còn là biện pháp hiệu quả để huy động vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý hiện đại đưa đất nước tham gia vào phân công lao động quốc tế.

Vận dụng:

­ Cần phải xây dựng một hệ thống kinh tế mở năng động và hội nhập, thúc đẩy sự phát triển của các quan hệ kinh tế đối ngoại.

e/ Điều kiện lịch sử xã hội:

Nhân tố điều kiện lịch sử xã hội không chỉ tác động đến sự hình thành, phát triển cơ cấu ngành như một nhân tố tạo môi trường mà còn chi phối nội dung, mục tiêu, tốc độ, cũng như bước đi của mỗi ngành và phương thức thực hiện chúng.

Với xuất phát điểm thấp, ngành TS nước ta cũng như các ngành khác trong toàn bộ nền kinh tế, có quy mô sản xuất nhỏ, thủ công, lạc hậu, mang nặng tính chất tự cung tự cấp, gây ra nhiều khó khăn cho sự phát triển và xây dựng một cơ cấu ngành hoàn chỉnh, hiện đại.

Ngành TS nước ta có đặc điểm là nghề cá nhân dân, hình thành trên cơ sở nghề nghiệp truyền thống của từng vùng, từng địa phương với cơ cấu nghề nghiệp nhỏ bé khai thác chủ yếu gần bờ nên năng suất hiệu quả thấp. Muốn phát triển thì không có con đường nào khác là vẫn phải lấy nghề cá nhân dân làm động lực, nhưng phải có sự dịch chuyển cơ cấu nghề nghiệp hợp lý theo hướng vươn ra xa bờ, kết hợp khai thác với bảo vệ nguồn lợi; đẩy mạnh phát triển NTTS. Đồng thời, phải phát triển mạnh ngành chế biến, đặc biệt là chế biến xuất khẩu để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo nguồn vốn đầu tư hiện đại hóa ngành và chuyển nghề cá sang sản xuất lớn.

Vận dụng:

­ Cần tạo cơ sở để xây dựng các chủ trương, chính sách đúng đắn cho sự phát triển của ngành.

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản huyện tuy an giai đoạn 2011 – 2020 (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)