MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG HƯỚNG DẪN
3.3 Đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn cho người khiếm thính
Việc đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn cho đội ngũ những người khiếm thính (đã biết ASL) không phải là một việc làm dễ dàng nhưng khi thực hiện được sẽ đem lại những lợi ích lớn cho tất cả các bên tham gia chương trình du lịch. Với lợi thế về tâm, sinh lý, người khiếm thính dễ tìm được sự chia sẻ với du khách khiếm thính, tạo nhiều thuận lợi cho công tác phục vụ, hướng dẫn, giải quyết các tình huống bất thường.
Bên cạnh đó, đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn cho người khiếm thính còn mang một ý nghĩa xã hội to lớn. Điều này tạo ra cơ hội việc làm cho những người khiếm thính, giúp họ hòa nhập với cộng đồng, đóng góp sức lao động để nuôi sống bản thân và xã hội. Đây cũng là cách hiện thực hóa các chính sách của nhà nước ta về người tàn tật.
Đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn cho người khiếm thính là một việc làm đầy ý nghĩa nhưng cũng hết sức khó khăn. Ở Việt Nam, do điều kiện kinh tế xã hội, nhìn chung người khiếm thính (và đa phần người tàn tật) đều có trình độ học vấn hạn chế, giao tiếp khó khăn với những người xung quanh. Điều này đẩy họ tới tâm lý tự ti, ngại giao tiếp trong khi đó hướng dẫn du lịch là một hoạt động mang tính hướng ngoại cao.
Thách thức đầu tiên phải vượt qua là tạo cho người khiếm thính sự tự tin trong giao tiếp.
Dù hướng dẫn du lịch là hoạt động mang tính nghiệp vụ nhưng nó lại gắn chặt với việc sử dụng kiến thức văn hóa, lịch sử, luật pháp, giao tiếp. Vì
vậy song song với việc đào tạo nghiệp vụ phải tăng cường kiến thức đó cho những người khiếm thính.
Như vậy, chương trình đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn cho người khiếm thính để trở thành HDV độc lập đòi hỏi 2 nội dung:
- Kiến thức nghiệp vụ: chăm sóc khách, tổ chức đoàn, thuyết minh, xử lý tình huống…
- Kiến thức văn hóa tổng hợp: lịch sử, địa lý, giao tiếp…
Phương thức đào tạo là “cầm tay chỉ việc”, trực tiếp hướng dẫn thực hành. Điều này đỏi hỏi phải có những mô hình, phương tiện thực hành nhất định như thiết bị nghe nhìn, băng đĩa hình về các điểm tham quan, mô phỏng phương tiện vận chuyển.
Giảng viên cần xây dựng những bài thuyết minh mẫu, yêu cầu học viên phải học thuộc lòng để đảm bảo những thông tin tối thiểu được truyền đạt.
Giảng viên của khóa học này phải là những người không chỉ có kinh nghiệm nghiệp vụ du lịch mà cần có phương pháp sư phạm, khả năng truyền đạt cao và kiên nhẫn, nhiệt tình. Giảng viên nghiệp vụ phải có sự kết hợp ăn ý với người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu để đảm bảo nội dung truyền đạt chuẩn xác.
Học viên tham gia khóa học không thể là đối tượng đại trà. Các đối tượng được ưu tiên nên là người khiếm thính có độ tuổi từ 20 tới 30, đã tham gia các khóa học cho người khiếm thính, nhiệt tình, cởi mở. Ở độ tuổi này, người khiếm thính có đủ trình độ nhận thức, chín chắn và có những kỹ năng sống nhất định đồng thời còn có khả năng tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng. Nếu muốn mở rộng đối tượng tham gia hoạt động này thì cần có sự
kiểm tra đánh giá đầu vào để phân lớp đảm bảo hiệu quả giảng dạy. Lớp học chương trình này không quá 10 học viên.
Vì đối tượng học viên là người gặp trở ngại trong giao tiếp, đa phần không tiếp xúc rộng rãi với môi trường xung quanh và các nguồn thông tin nên khả năng tự học, tự bồi đắp kiến thức là rất khó khăn. Để đảm bảo được trình độ của học viên khi kết thúc khóa học có thể phục vụ được du khách, công tác kiểm tra đánh giá cần thực hiện chu đáo, cẩn trọng rành mạch, bao quát được các kỹ năng.
Thời gian của khóa học nghiệp vụ hướng dẫn đối với người khiếm thính cần 6 tháng, mỗi tuần 3 buổi. Trong đó một nửa thời lượng là thực hành.