Đảm bảo an toàn thực phẩm.

Một phần của tài liệu giáo trình mô đun đóng gói bảo quản và sử dụng thức ăn (Trang 32 - 34)

- Kiểm tra độ đồng đều của sản phẩm bằng cách lấy mẫu ngẫu nhiên của từng lô sản phẩm đưa đi phân tích (ít nhất là 8 mẫu/lô).

2.2. Đảm bảo an toàn thực phẩm.

Các sản phẩm thu được từ chăn nuôi như thịt, trứng, sữa luôn chịu tác động trực tiếp bởi nguồn thức ăn. Thức ăn không chỉ cung cấp nguồn dinh dưỡng, thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển của vật nuôi mà còn trực sp tiếp tạo ra chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, nếu gia đình và cơ sở nào kiểm soát tốt nguồn thức ăn thì sản phẩm sẽ đạt chất lượng. Thức ăn chăn nuôi an toàn được hiểu là những sản phẩm mà trong thành phần của nó không chứa các chất ảnh hưởng bất lợi cho sức khoẻ của vật nuôi, không tồn dư và tích tụ chất độc hại trong thực phẩm và không truyền qua thực phẩm gây nguy hại cho sức khoẻ con người và làm ô nhiễm môi trường.

Trong chăn nuôi gia súc gia cầm, thức ăn đóng một vai trò rất quan trọng, chi phí thức ăn thường chiếm tới 60 – 70% giá thành sản phẩm. Vì vậy, người chăn nuôi thường tìm mọi cách để giảm chi phí thức ăn, các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường tận dụng triệt để các nguồn nguyên liệu, các phế phụ phẩm của nông nghiệp như ngô, khoai, sắn rồi chế biến để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Cách làm này có thể tiết kiệm được vốn đầu tư, tuy nhiên việc thiếu hay thừa chất dinh dưỡng trong thức ăn lại rất khó kiểm soát, thêm nữa, khi xử lý nguồn thức ăn nếu làm không kỹ sản phẩm chăn nuôi rất dễ bị nhiễm độc.

Nhà nước đã ban hành danh mục những loại dược phẩm có hại cho sức khoẻ con người như chloramphenicol, nhóm dexamethasol và các loại hoóc môn …cấm đưa vào chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm. Nhóm dược phẩm này khi đưa vào thức ăn chăn nuôi có thể kích thích tăng trưởng rất nhanh, nhưng sẽ để lại mối nguy hại rất lớn. Vì chạy đua theo lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đã phớt lờ quy định này. Ngoài việc sử dụng những loại hoá chất kháng sinh bị cấm, hiện nay tình trạng sử dụng nguyên liệu giả, kém chất lượng để sản xuất thức ăn cũng đang diễn ra, làm cho thị trường thức ăn chăn nuôi vốn đã bất ổn về giá cả lại càng nhộn nhạo hơn về chất lượng.

Để quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, các cơ sở cung cấp thức ăn cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của ngành về bảo quản sản phẩm, thức ăn hỗn hợp đậm đặc bổ sung đã được chế biến cần lưu ý không bảo quản để lâu trong kho, mùa hè từ 7 – 10 ngày, mùa đông từ 10 – 15 ngày. ở mỗi cơ sở cung cấp thức ăn cần có thẻ kho ghi nhập, xuất, ngày, nguyên liệu, loại thức ăn, nơi xuất nhập, số lượng, ghi chú chất lượng, số còn lại để theo dõi kịp thời, đầy đủ, tuyệt đối không nhập nguyên liệu thức ăn có nguồn gốc từ vùng bị dịch bệnh gia súc, gia cầm. Để chuẩn bị nhập nguyên liệu và thức ăn dự trữ cần dọn sạch kho và phun focmôn 2% hoặc các loại hoá chất diệt khuẩn khác.

Việc bảo quản thức ăn chăn nuôi tại cơ sở chăn nuôi cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Mặc dù bà con mua được hàng chất lượng nhưng nếu bảo quản không tốt những chất có hại như độc tố, nấm mốc, kim loại nặng lẫn vào thức ăn sẽ làm cho sản phẩm xuống cấp gây độc tố đối với vật nuôi và sản phẩm thịt, trứng, sữa. chính vì vậy ở mỗi trang trại, hay gia đình chăn nuôi cần có phòng chuyên biệt để bảo quản thức ăn, các phòng này cần được xây dựng theo tiêu chí thông thoáng nhưng phải tránh được ẩm ướt và chuột bọ xâm nhập có thể mang nguồn bệnh nguy hiểm lan truyền vào thức ăn, cần thường xuyên định kỳ phun thuốc sát trùng diệt trừ nấm mốc, cần xếp các loại thức ăn theo từng lô hàng, thứ tự thích hợp khi sử dụng thức ăn, cần tuân theo thứ tự trước dùng trước, sau dùng sau. Thường xuyên kiểm tra thức ăn nếu có hiện tượng vón mốc phải có biện pháp như phơi, sấy hoặc thấy nếu không còn đảm bảo chất lượng thì cần loại bỏ ngay.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều hãng thức ăn dành cho gia súc, gia cầm, tuỳ theo từng độ tuổi của vật nuôi mà các hãng có chủng loại riêng, bao bì bắt mắt, giá cả phù hợp là tiêu chí để các hãng thu hút khác hàng. Tuy nhiên, khi lựa chọn thức ăn công nghiệp do các hãng cung cấp, người tiêu dùng cần hết sức lưu ý, chỉ mua những hãng thức ăn đã được công nhận về chất lượng, có địa chỉ rõ ràng và có thương hiệu trên thị trường.

Muốn tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, một mặt cần tăng cường sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý, mặt khác các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và hộ chăn nuôi, chế biến thực phẩm phải nâng cao trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn từ nhà máy, trang trại đến bàn ăn.

Một phần của tài liệu giáo trình mô đun đóng gói bảo quản và sử dụng thức ăn (Trang 32 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)