Về chủ quan

Một phần của tài liệu Vai trò thông tin đại chúng trong thực thi quyền lực chính trị của nhân dân ở nước ta hiện nay (Trang 64 - 68)

- Các chức năng khác: Xã hội ngày càng phát triển thì TTĐC càng mở rộng phạm vi, quy mô, đa dạng hoá tính chất, phương thức hoạt động Sự phát triển của

2.3.1.2. Về chủ quan

Trước hết, nhận thức, đánh giá và xác định về vai trò, vị trí của phương tiện TTĐC chưa thật được chú trọng và đồng đều ở nhiều cấp lãnh đạo. Đây là một thực tế phổ biến đang gây cản trở đối với sự phát triển của hoạt động TTĐC. Trong khi Đảng và Nhà nước luôn ý thức được một cách sâu sắc tầm quan trọng của phương tiện TTĐC trong công cuộc đổi mới nói chung và phát triển kinh tế - xã hội nói riêng, thể hiện rõ trong những nghị quyết, chủ trương cũng như sự quan tâm đặc biệt của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp Trung ương, thì trong quá trình triển khai thực hiện, ở nhiều cấp lãnh đạo, nhiều người còn chưa ý thức đúng vai trò quan trọng, tầm mức lợi hại và thiết thực của các phương tiện TTĐC trong tình hình hiện nay. Rất phổ biến ở nhiều cấp lãnh đạo quan niệm đơn giản cho rằng, phương tiện TTĐC cũng chỉ là một bộ phận như những cấu thành khác của thượng tầng kiến trúc xã hội, chịu sự quy định của trình độ phát triển kinh tế, do đó logic tất yếu là cần phải chú trọng và đặt ưu tiên trước hết cho các hoạt động kinh tế, hoặc ít nhất là các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến các hoạt động kinh tế như pháp luật, giao thông vận tải,

giáo dục đào tạo,… Nhiều cấp lãnh đạo cho rằng, khi đời sống kinh tế phát triển thì sẽ kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực khác, trong đó có phương tiện TTĐC, việc tập trung tiền của vào xây dựng và phát triển hệ thống các phương tiện TTĐC trong điều kiện hiện nay là không thiết thực, thậm chí lãng phí. Thiếu sự quan tâm, chú trọng hoặc quan tâm không đủ tầm mức và không đồng đều ở nhiều cấp lãnh đạo rõ ràng là yếu tố không thuận đối với sự phát triển của hệ thống các phương tiện TTĐC và là một nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự yếu kém, trì trệ trong hoạt động TTĐC ở nước ta thời gian qua.

Thứ hai, bộ máy tổ chức chỉ đạo quản lý chưa thật hợp lý, chưa thật sự hoạt động có hiệu quả do những yếu kém trong chỉ đạo nội dung và hình thức trong hoạt động TTĐC. Trong những năm qua, mặc dù đã có sự cố gắng lớn trong công tác kiện toàn cơ quan chỉ đạo và quản lý các hoạt động TTĐC, nhưng so với yêu cầu của thực tiễn đổi mới thì công tác chỉ đạo, quản lý vẫn bộc lộ những nhược điểm, yếu kém. Nhiều cấp uỷ, chính quyền và cơ quan chủ quản địa phương chưa xác định và phân nhiệm rõ trách nhiệm quản lý, chỉ đạo của cấp mình, dẫn đến hiện tượng nhiều khi sự chỉ đạo, quản lý bị chồng chéo, lúc khác lại bị buông lỏng, thả nổi. Giữa những cơ quan này chưa thực sự có được những cơ chế phân định rõ ràng vai trò, chức năng và phương thức phối hợp chặt chẽ để chỉ đạo và quản lý hoạt động TTĐC cho có hiệu quả thực chất.

Tại các cơ quan chỉ đạo, quản lý cấp Trung ương, tình trạng thiếu cán bộ có đủ năng lực và trình độ để làm tốt chức năng chỉ đạo, tham mưu, quản lý đã diễn ra từ nhiều năm nhưng chưa có biện pháp cụ thể, hữu hiệu để khắc phục. ở hầu hết các tỉnh, thành hiện nay vẫn chưa có đủ số lượng cán bộ cần thiết và có đủ trình độ, tiêu chuẩn để giúp cấp uỷ và chính quyền địa phương chỉ đạo, quản lý hoạt động TTĐC thuộc phạm vi trách nhiệm và địa bàn của mình.

Hiện nay các cơ quan TTĐC nói chung đều chịu sự quản lý đồng thời của ba cơ quan khác nhau là Đảng bộ, chính quyền địa phương và ngành dọc (Bộ Văn hoá và thông tin). Về nguyên tắc giữa các cơ quan này đều có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng với các chức năng cụ thể trong việc quản lý hoạt động TTĐC. Tuy nhiên, trong một môi trường ở đó thiếu vắng một hành lang pháp lý rõ ràng quy định hoạt động TTĐC, các cơ quan này ra những quyết định, chỉ thị không đúng với vai trò, chức năng của mình, gây nên những chồng chéo, cản trở đối với hoạt động đặc thù

của phương tiện TTĐC. Sự quản lý chồng chéo đương nhiên sẽ thu hẹp không gian hoạt động của các phương tiện TTĐC và dẫn tới sự đông cứng, bị động của các cơ quan TTĐC và đội ngũ những người làm công tác TTĐC.

Thêm vào đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý những hành động tiêu cực, những vi phạm pháp luật trong hoạt động TTĐC còn chậm và thiếu triệt để. Tinh thần tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm chưa thật nghiêm túc. Nhiều cơ quan chủ quản các phương tiện TTĐC buông lỏng trách nhiệm quản lý, chỉ đạo đối với hoạt động của các phóng viên, biên tập viên; nhất là việc chỉ đạo phương hướng, nội dung và quản lý những cán bộ chủ chốt.

Như vậy, những yếu kém trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng trong việc cụ thể hoá những chủ trương, đường lối của Đảng và sự bị động của bản thân các cơ quan hoạt động TTĐC trong chỉ đạo nội dung và hình thức thông tin là một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng những yếu kém, thiếu sót của hoạt động TTĐC ở nước ta trong thời gian qua.

Thứ ba, sự thiếu vắng một hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động TTĐC đang là một vấn đề nổi trội gây nhiều khó khăn và hạn chế sự năng động cũng như khả năng sáng tạo của đội ngũ những người làm TTĐC. Vấn đề xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, một nội dung quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong đời sống chính trị của nước ta hiện nay. Sự thiếu vắng một hành lang pháp lý quy định rõ ràng và chặt chẽ hoạt động TTĐC ở nước ta hiện nay cũng là nguyên nhân dẫn tới những bất hợp lý trong khâu tổ chức, điều hành hoạt động TTĐC đã được đề cập ở trên. Đồng thời, nó cũng đã và đang trói buộc đội ngũ những người làm công tác TTĐC không cho họ phát huy được khả năng sáng tạo và năng lực vốn có của mình, đẩy họ vào tình trạng bị động, phải bước một cách “rón rén” vì luôn phải “nhìn trước, ngó sau” không biết mình được làm cái gì và không được làm cái gì. Thực trạng này có thể ví như việc các cầu thủ chơi bóng trên một sân không có đường biên dọc, ngang, không có luật rõ ràng và việc thổi phạt, rút thẻ là tuỳ ý trọng tài, điều này tất yếu sẽ dẫn tới hiện tượng các cầu thủ sẽ chơi túm lại ở giữa sân để đảm bảo an toàn. Sự thiếu vắng một hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động TTĐC ở nước ta đã làm cho đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực này trở nên bị động và dẫn đến sự khô cứng trong nội dung và hình thức thông tin. Thực tế trong

thời gian qua, mặc dù đội ngũ những người làm TTĐC luôn mong muốn tìm tòi, khám phá và sáng tạo cái mới, song vì phần lớn những người làm công tác TTĐC đều ngần ngại không muốn đi khai phá những con đường mới mà chấp nhận bước theo những lối mòn do đó những thành quả có được không nhiều, không thực sự gây ấn tượng.

Trong những nguyên nhân dẫn đến những thiếu sót, yếu kém của hoạt động TTĐC trong thời gian qua có thể thấy sự thiếu vắng một hành lang pháp lý rõ ràng điều chỉnh hoạt động TTĐC là một trong những yếu tố căn bản. Một hành lang pháp lý, trong đó xác định rõ ràng và quy định chặt chẽ một không gian cụ thể những gì pháp luật cho phép và không cho phép đối với hoạt động TTĐC là điều tối cần thiết đối với sự phát triển của TTĐC ở nước ta hiện nay.

Thứ tư, ĐNCB, phóng viên, biên tập viên còn mỏng và yếu. Trong thời gian qua, mặc dù đã có những cố gắng lớn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác TTĐC, song nhìn chung ĐNCB, phóng viên, biên tập viên làm công tác TTĐC ở nước ta hiện nay còn rất mỏng và yếu. Hiện nay ở Việt nam, trong số 53 cơ quan TTĐC đang hoạt động chỉ khoảng 30 người đã được đào tạo chính quy Đại học báo chí, chỉ có một số rất ít tổng biên tập có trình độ tiến sĩ. Bởi lẽ sản phẩm truyền thông là một loại hàng hoá đặc biệt, do đó hoạt động TTĐC luôn đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo. Điều đó cũng có nghĩa là đội ngũ những người làm công tác này phải được đào tạo cơ bản vững chắc đồng thời phải luôn được bồi dưỡng, tổng kết kinh nghiệm qua đó nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, thực tế là hiện nay ở nước ta không ít nhà báo, biên tập viên hoạt động trong các cơ quan TTĐC không được đào tạo cơ bản, đội ngũ những người được đào tạo thì lại quá mỏng và không được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ một cách thường xuyên. Thêm vào đó, một thực trạng phổ biến là ở nhiều cơ quan những người hoạt động lâu năm lại không được bổ nhiệm giữ các trọng trách quản lý mà phần lớn những người lãnh đạo các cơ quan này do các cơ quan cấp trên bổ nhiệm hoặc thuyên chuyển từ nơi khác đến. Thực tế này đã cản trở sự phát triển của một số cơ quan TTĐC cũng như sự sáng tạo và khả năng cống hiến của những người hoạt động báo chí, truyền thông đã hoạt động lâu năm trong các đơn vị đó. Sự bất hợp lý trong khâu tổ chức này là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ của cả tổ chức.

Cuối cùng, sự thiếu thốn thực sự về cơ sở vật chất là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khoảng cách về trình độ báo chí ở nước ta so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhìn chung, hiện nay ngành báo chí, TTĐC của nước ta còn đang thiếu trầm trọng những trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ cho việc in ấn, thu - phát sóng, xử lý thông tin,… phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ, hoặc một số đơn vị nếu có được trang bị những trang thiết bị hiện đại thì phần lớn lại không đồng bộ. Điều này đã gây trở ngại rất lớn cho đội ngũ những người làm công tác TTĐC của nước ta có thể tiếp cận và theo kịp với trình độ của báo chí, TTĐC của các nước khu vực và thế giới. Thêm vào đó là những khó khăn về đời sống kinh tế đối với đội ngũ những người làm báo cũng là vấn đề bức xúc. Kinh phí của Trung ương cấp cho các tỉnh, thành dành cho hoạt động TTĐC còn hết sức eo hẹp. Các chế độ bồi dưỡng và đãi ngộ đối với những người làm báo còn chưa thoả đáng. Đây là nhân tố có tác động không nhỏ gây trở ngại đến sự phát triển của chất lượng tờ báo.

Một phần của tài liệu Vai trò thông tin đại chúng trong thực thi quyền lực chính trị của nhân dân ở nước ta hiện nay (Trang 64 - 68)