TTĐC, liên hệ chặt chẽ với các chức năng tư tưởng và chức năng quản lý. Khi truyền bá những tri thức văn hoá toàn diện nhằm nâng cao trình độ hiểu biết về tự nhiên và xã hội cho ND, phương tiện TTĐC đã thực hiện chức năng nâng cao văn hoá - dân trí của nó. Sự phát triển của các phương tiện TTĐC là điều kiện quan trọng để phổ cập, quần chúng hoá những giá trị văn minh của nhân loại, giúp cho mỗi thành viên của xã hội có cơ hội không ngừng bổ xung vốn tri thức, làm phong phú đời sống tinh thần của mình. Đây cũng là điều kiện, phương tiện để thực hiện việc phát triển con người một cách toàn diện và giải phóng triệt để con người - mục tiêu cao cả nhất của chế độ XHCN.
Nội dung chức năng dân trí - văn hoá của TTĐC trước hết được thể hiện ở sự xã hội hoá các hiểu biết, kinh nghiệm sống, những tri thức có giá trị tinh thần cao. Những giá trị tinh thần này, nguồn gốc xã hội ban đầu của nó tất nhiên chỉ khu biệt trong một khu vực, một bộ phận xã hội nhất định, chính nhờ hoạt động TTĐC, cái riêng, khu biệt ở một bộ phận xã hội, một không gian hẹp nào đó đã dần trở thành cái chung phổ biến của toàn xã hội. Điều này cũng có nghĩa là phương tiện TTĐC đã giúp kéo dài tầm tay với, mở rộng tầm mắt nhìn cho mỗi thành viên của xã hội. Do đó, phương tiện TTĐC là một nhân tố góp phần thúc đẩy sự tiến bộ xã hội, bởi vì xã hội hoá các tri thức, các kinh nghiệm là một điều kiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội nói chung.
Nâng cao trình độ dân trí có thể nói là nấc thang tiếp theo của việc xã hội hoá các tri thức, kinh nghiệm. Sự xã hội hoá các hiểu biết, kinh nghiệm sống chỉ dừng lại ở mức độ trao đổi, chia sẻ ở chừng mực nào đó những tri thức, vốn kinh nghiệm sống mà các cá nhân, cộng đồng đúc kết được trong cuộc sống, mà chưa vươn tới sự lý giải, so sánh, phân tích và đánh giá. Nâng cao trình độ dân trí là một hoạt động có hệ thống hướng đến xây dựng một mặt bằng tri thức nhất định cho quần chúng ND. Để thực hiện nhiệm vụ này, hoạt động TTĐC không chỉ dừng lại ở chức năng cầu nối giữa các thành viên xã hội mà còn chủ động sắp xếp, lựa chọn, phân tích những tri thức, các giá trị tinh thần đó, đặt chúng trong một hệ thống các tri thức được định hướng sau đó cung cấp cho các đối tượng cụ thể trong cộng đồng xã hội, giúp họ nâng cao trình độ nhận thức, có thêm sự hiểu biết đối với lĩnh vực mà họ quan tâm.
Một nội dung quan trọng khác trong chức năng nâng cao văn hoá và dân trí của hoạt động TTĐC là vấn đề giáo dục lối sống. Mục đích của nội dung chức năng này là phương tiện TTĐC thông qua khả năng phổ cập rộng rãi, thường xuyên liên tục của nó, luôn uốn nắn, xây dựng một lối sống lành mạnh tích cực và nâng cao tinh trần trách nhiệm của quần chúng nhân dân. Đây là một nhiệm vụ đặt ra thường xuyên đối với xã hội và ở mọi thời điểm lịch sử. Sự mở rộng của không gian giao tiếp, những khác biệt về nhận thức, quan niệm giữa các thế hệ, cùng với những thay đổi, phát triển của đời sống vật chất, của đời sống tinh thần xã hội luôn làm nẩy sinh những nhu cầu mới. Có những trào lưu, nhu cầu tích cực, lành mạnh phù hợp với truyền thống văn hoá, bản sắc dân tộc và có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, ngược lại có những nhu cầu, trào lưu tiêu cực, xa lạ, làm tổn hại đến sự trưởng thành của cơ thể xã hội, do đó việc giáo dục lối sống cũng trở thành một nhu cầu tất yếu thường xuyên, thường trực ở mọi quốc gia, dân tộc. Nhiệm vụ đó không chỉ đặt ra ở trong gia đình, ở trường học, trong các tổ chức mà quan trọng hơn hết chính là các phương tiện TTĐC phải gánh vác lấy trách nhiệm đó, bởi vì về khách quan chỉ có phương tiện TTĐC mới có khả năng phổ cập, xã hội hoá các tri thức được định hướng một cách thường xuyên, liên tục và nhanh chóng ở quy mô toàn xã hội. Đồng thời, chức năng giáo dục lối sống của hoạt động TTĐC cũng giúp “chuẩn hoá”, khẳng định những giá trị tốt đẹp, giá trị chung toàn xã hội, các giá trị nhân loại, từ đó hình thành một nhân sinh quan, thế giới quan tích cực trong xã hội, xây dựng một hệ giá trị chủ đạo trong xã hội, thông qua sự tác động có tính hướng dẫn, thuyết
phục thường xuyên. Quá trình định hướng và định hướng lại các trào lưu, khuynh hướng giúp đưa toàn xã hội vào những giá trị chuẩn mực chung đã được chấp nhận, chính là một trong những nội dung quan trọng của sự phát triển. Nội dung chức năng văn hoá, giáo dục của TTĐC còn bao hàm cả việc khơi dậy, gìn giữ, phát huy và củng cố những cơ sở, những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Quá trình hoạt động truyền tải thông tin của các phương tiện TTĐC đồng thời cũng là quá trình khơi dậy, phổ biến, khẳng định các giá trị văn hoá truyền thống và sàng lọc, tiếp thu những tinh hoa văn hoá của các dân tộc khác, những giá trị chung toàn nhân loại để làm giàu thêm vốn văn hoá của dân tộc mình. Bản thân hoạt động TTĐC cũng tạo nên một thứ văn hoá - Văn hoá tiếp nhận và lựa chọn các thông điệp. Như thế với sức mạnh to lớn, với khả năng tác động rộng khắp và liên tục, TTĐC có ảnh hưởng rất to lớn đối với đời sống văn hoá hiện nay của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Thông qua chức năng văn hoá dân trí, TTĐC góp phần tạo ra những điều kiện cho việc tăng cường QLCT của ND.