Nội dung quản lý kinh tế

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trong các dân tộc ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh (Trang 29 - 31)

Hồ Chí Minh xác định nội dung quản lý kinh tế ở cả cấp độ vĩ mô (nhà nước) và cấp độ vi mô (đơn vị sản xuất).

Ở cấp độ vĩ mô, một là, phải xác lập và bảo đảm trong thực tế quyền làm chủ của nhân dân đối với quá trình sản xuất và quản lý kinh tế, trước hết là quyền làm chủ của họ đối với các hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất.

Trong tác phẩm Thường thức chính trị viết năm 1953, Hồ Chí Minh đã xác định trong chế độ dân chủ mới ở nước ta có năm thành phần kinh tế là: kinh tế quốc doanh; kinh tế hợp tác xã; kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản của nhà nước. Đồng thời Người cũng khẳng định sự tồn tại của các hình thức sở hữu chính về tư liệu sản xuất ở nước ta là: sở hữu của nhà nước (toàn dân), sở hữu tập thể, sở hữu của người lao động riêng lẻ và sở hữu của nhà tư bản.

Việc phân định các thành phần kinh tế, xác định quyền sở hữu, xác lập hình thức quản lý kinh tế trước hết là sự phản ánh thực tế đặc điểm khách quan của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong điều kiện đặc thù như vậy, thừa nhận nhiều hình thức sở hữu và quản lý, thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần có ý nghĩa chiến lược lâu dài, đáp ứng quy luật từ một nền sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, nó có tác dụng mạnh mẽ động viên toàn dân tích cực xây dựng kinh tế, giải phóng mọi năng lực sản xuất xã hội, phát triển lực lượng sản xuất.

Hai là, xây dựng và phát triển một cơ cấu kinh tế hợp lý, cân đối giữa

các ngành, vùng, khu vực dân cư. Một cơ cấu kinh tế hợp lý sẽ tạo ra sự phát triển cân đối giữa các ngành kinh tế, vùng kinh tế, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa dân tộc đa số và dân tộc thiểu số, đồng thời nó cũng tạo ra cơ sở kinh tế để thực hiện công bằng, bình đẳng và ổn định xã hội. Trong thời kỳ lãnh đạo đất nước, Hồ Chí Minh đã xác định cơ cấu kinh tế đó là: công - nông - thương nghiệp. Nhưng để xây dựng được cơ cấu kinh tế đó thì phải đặt trọng tâm vào phát triển một ngành kinh tế có khả năng làm chuyển biến nền kinh tế - xã hội, và Người đã lựa chọn nông nghiệp để tạo ra sự chuyển biến đó. Người viết:

Nông nghiệp chiếm bộ phận lớn trong kinh tế, mà sản xuất nhỏ lại chiếm bộ phận lớn trong nông nghiệp. Vì nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu, đồng thời là một nguồn xuất khẩu quan trọng, nông thôn là thị trường tiêu thụ to nhất hiện nay, cho nên cần phải cải tạo và phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác [44, tr.14].

Việc xác định điểm xuất phát là nông nghiệp, nông thôn và ưu tiên phát triển để tạo cơ sở cho các ngành kinh tế khác là sáng tạo lớn của Hồ Chí Minh trong quản lý kinh tế. Đây là vấn đề không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn: bảo đảm và nâng cao đời sống của đa số dân cư là nông dân ở nước ta, ổn định chính trị - xã hội một địa bàn rộng lớn nhất nước ta là nông thôn, miền núi.

Ở cấp độ vi mô, tức trong một đơn vị sản xuất cụ thể, Hồ Chí Minh chỉ ra nội dung quản lý kinh tế là: “quản lý sản xuất, quản lý vật tư, quản lý lao động, quản lý kỹ thuật, quản lý tiền bạc” [45, tr.110]. Mục tiêu là “làm cho năng suất lao động không ngừng nâng cao, của cải xã hội ngày càng nhiều” [46, tr.564], từ đó mà nâng cao đời sống người lao động. Trong công tác quản lý kinh tế, Hồ Chí Minh thẳng thắn vạch ra những khuyết điểm, hạn chế, đó là:

Ý thức làm chủ nước nhà và tinh thần trách nhiệm còn kém. Chế độ và phương pháp quản lý kinh tế tài chính của chúng ta còn nhiều

thiếu sót và lỏng lẻo, kỷ luật lao động chưa được thật nghiêm túc, sử dụng lao động chưa được hợp lý. Khả năng thiết bị máy móc tuy có khá nhiều nhưng chưa được sử dụng đầy đủ [45, tr.109].

Muốn thực hiện tốt những nội dung quản lý nêu trên, theo Hồ Chí Minh, điều quan trọng là phải xác lập và phát huy quyền làm chủ tập thể của người lao động trong mọi mặt hoạt động của đơn vị sản xuất. Trong xí nghiệp, công nhân phải tham gia quản lý, đó là biểu hiện quyền làm chủ tập thể của công nhân trong mọi mặt hoạt động của xí nghiệp. Người nói: “Công nhân tham gia quản lý là nền tảng của việc quản lý xí nghiệp tốt..., sẽ làm cho cơ quan quản lý khỏi kềnh càng, bớt giấy tờ bề bộn, bớt chế độ phiền phức” [43, tr.232]. Người còn nhấn mạnh: “Muốn thực hiện đúng vai trò làm chủ, giai cấp công nhân phải quản lý tốt kinh tế, quản lý tốt xí nghiệp, làm cho năng suất lao động không ngừng nâng cao, của cải xã hội ngày càng nhiều với phẩm chất tốt, giá thành hạ” [46, tr.564]. Đối với hợp tác xã, vai trò làm chủ của xã viên thể hiện ở việc họ được bàn bạc và quyết định những công việc của hợp tác xã. Người chỉ rõ: “Kế hoạch sản xuất của hợp tác xã phải đem bàn bạc một cách dân chủ với xã viên”; “Các hợp tác xã phải làm thế nào để các xã viên đều thấy rằng mình là người chủ tập thể của hợp tác xã. Có quyền bàn bạc và quyết định những công việc của hợp tác xã. Có như thế thì xã viên sẽ đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi sản xuất và hợp tác xã sẽ tiến bộ không ngừng” [46, tr.198]. Như vậy, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, muốn phát huy vai trò làm chủ của người lao động thì phải đưa họ tham gia vào quản lý mọi mặt hoạt động của đơn vị sản xuất. Nhưng cái cuối cùng để đánh giá hiệu quả quản lý là năng suất, chất lượng sản phẩm, đời sống của người lao động không ngừng được cải thiện. Nếu không đạt hiệu quả đó thì vai trò làm chủ của người lao động chỉ là hình thức.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trong các dân tộc ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh (Trang 29 - 31)