Việc phát triển kinh tế - văn hoá miền núi được Hồ Chí Minh coi là bộ phận hợp thành của toàn bộ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng xuyên suốt của Người về xây dựng và phát triển kinh tế - văn hoá miền núi là nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Người coi đây là một cuộc cách mạng lâu dài, gian khổ nhưng nếu biết cách làm, biết phát huy những tiềm năng, lợi thế của mình, kết hợp với sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhất định sẽ làm được.
Hồ Chí Minh đánh giá tiềm năng, lợi thế của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên ba bình diện chủ yếu:
Thứ nhất, miền núi có tài nguyên thiên nhiên rất phong phú, có nhiều khả
năng để mở mang nông nghiệp và công nghiệp. Những điều đó nói lên miền núi có vị trí cực kỳ quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng của cả nước.
Đầu tiên, Người nói đến tài nguyên đất. Ở vùng miền núi đất của ta không thiếu, nhưng một số đồng bào dân tộc thiểu số còn sống du canh, du cư, đi phát rừng làm nương dẫy, do đó mà đời sống bấp bênh, không ổn định. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, vùng miền núi và trung du “Đất đai cấy lúa tính đầu người thì không ít hơn đồng bằng. Đất trồng màu có nhiều. Đất trồng cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày rất nhiều. Đất để trồng cây gây rừng lại còn nhiều hơn nữa” [45, tr.244]. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển một nền nông nghiệp toàn diện. Người nói: “Sản xuất phải toàn diện, trồng cây lương thực và cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, phát triển nghề rừng” [44, tr.418]. Người đặc biệt nhấn mạnh đến chăn nuôi, vì đây là thế mạnh của miền núi: “chú trọng đẩy mạnh chăn nuôi, vì miền núi có nhiều khả năng chăn nuôi” [44, tr.418]. Tóm lại, theo Hồ Chí Minh, muốn no đủ, đồng bào phải định canh, định cư, tích cực tăng gia sản xuất, thâm canh tăng vụ, thực hành tiết kiệm, phải có tổ chức, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.
Hồ Chí Minh cũng chỉ ra nguồn tài nguyên to lớn của miền núi là rừng. Người nói “rừng là vàng” vì “có rất nhiều gỗ và lâm sản có thể đổi lấy nhiều máy móc, hàng hoá” [43, tr.449]. Nhiều lần nói chuyện với đồng bào và cán
bộ miền núi, Người đều nhấn mạnh “rừng là vàng là bạc, là máy móc”, đó là nguồn thu nhập lớn của đồng bào nếu biết khai thác và bảo vệ hợp lý. Vì vậy, Người yêu cầu: “Các địa phương phải chú ý bảo vệ rừng và trồng cây, gây thêm rừng”, “cần tích cực khai thác có kế hoạch và ra sức trồng cây, bảo vệ rừng” [44, tr.283]. Tại Hội nghị tuyên giáo miền núi, Hồ Chí Minh nói:
Cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều. Ta thường nói: “rừng vàng biển bạc”. Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý [45, tr.134].
Vùng miền núi còn có nhiều tài nguyên khoáng sản, như các loại quặng sắt, nhôm, đồng,..., Hồ Chí Minh cho rằng đây là cơ sở quan trọng để mở mang công nghiệp, xây dựng và phát triển kinh tế.
Thứ hai, con người và truyền thống lịch sử, văn hoá là yếu tố quan
trọng hàng đầu, vừa là mục đích, vừa là động lực thúc đẩy các quá trình kinh tế - xã hội ở miền núi nước ta. Đánh giá về yếu tố này, Hồ Chí Minh viết:
Đồng bào miền núi có truyền thống cần cù và dũng cảm. Trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến, đồng bào miền núi đã có nhiều công trạng vẻ vang và oanh liệt. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh để thực hiện hoà bình thống nhất Tổ quốc, đồng bào miền núi đang cố gắng góp phần xứng đáng của mình [44, tr.608].
Một đặc điểm lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta là thường sống xen kẽ. Hình thái cư trú này tạo cơ sở khách quan cho sự hiểu biết, đoàn kết, hoà hợp và giúp đỡ lẫn nhau vì mục đích chung trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Toàn thể đồng bào trong cộng đồng dân tộc Việt Nam ai cũng yêu nước, quyết không chịu làm nô lệ, đoàn kết và hăng hái ủng hộ cách mạng. Lòng tin tưởng, sự trung thành, ngay cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt, cam go nhất vào sự nghiệp cách mạng do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí
Minh lãnh đạo đã trở thành phẩm chất chói sáng của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Thứ ba, đồng bào các dân tộc thiểu số phân bố chủ yếu dọc theo tuyến
biên giới Việt Nam với các nước láng giềng, là cửa ngõ và đầu mối để phát triển kinh tế, giao lưu và tiếp biến văn hoá, xây dựng tình hữu nghị và hợp tác về mọi mặt với nhân dân các nước láng giềng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Về số người thì đồng bào miền núi chiếm 1 phần 5 tổng số nhân dân nước ta. Miền núi chiếm 2 phần 3 tổng số diện tích nước ta và có hơn 3.000 cây số biên giới” [44, tr.608]. Lợi thế địa lý này nếu tận dụng triệt để và hợp lý sẽ giúp đồng bào phát triển kinh tế nhanh chóng, cải thiện đời sống.
Chỉ ra những tiềm năng, lợi thế của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời Hồ Chí Minh cũng phát hiện và chỉ ra nhiều khó khăn, trở ngại làm hạn chế sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội miền núi.
Khó khăn trước tiên Người nói đến là trình độ canh tác của đồng bào còn thấp kém, bởi vì họ còn mang tập quán canh tác lạc hậu, thiếu tri thức khoa học, thiếu kỹ thuật. Lối sống du canh, du cư, canh tác chủ yếu dựa vào tự nhiên, trồng trọt chưa biết làm cỏ, bón phân, chưa biết làm thuỷ lợi.
Khó khăn thứ hai là trình độ dân trí thấp. Bị nô dịch lâu đời, đồng bào các dân tộc đại bộ phận mù chữ, họ lại duy trì nhiều phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu. Điều này không chỉ gây khó khăn cho sản xuất mà còn là kẽ hở để các thế lực phản động lợi dụng, chia rẽ đoàn kết dân tộc. Đây là trở ngại lớn trên con đường phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng dân tộc và miền núi, cần có thời gian dài để khắc phục chứ không phải ngày một ngày hai.
Khó khăn thứ ba là cơ sở hạ tầng miền núi còn thấp kém, đặc biệt là giao thông và thuỷ lợi. Do địa hình hiểm trở, đòi hỏi công sức cũng như chi phí lớn để phát triển các kết cấu hạ tầng, nhất là thủy lợi, giao thông. Bác nói đồng bào miền núi “làm ăn khó nhọc hơn, văn hoá cũng phát triển chậm hơn” là xuất phát từ khó khăn này. Hơn nữa, nằm dọc các tuyến biên giới là lợi thế cho các dân tộc thiểu số trong giao lưu văn hoá, phát triển kinh tế, nhưng mặt
khác, cũng dễ chịu sự tác động xấu từ bên ngoài, kẻ thù lợi dụng để gây chia rẽ, kích động phá vỡ tình đoàn kết, tương trợ vốn có từ lâu giữa các dân tộc.
Từ những khó khăn, hạn chế nêu trên, muốn phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, một mặt, Hồ Chí Minh yêu cầu đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần tự lực tự cường khắc phục khó khăn để sản xuất. Mặt khác, Người đề nghị Đảng, Chính phủ, các cơ quan, ban ngành Trung ương phải tích cực giúp đỡ bằng những kế hoạch cụ thể, thiết thực để miền núi tiến kịp miền xuôi.