Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trong các dân tộc ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh (Trang 35 - 36)

Với quan điểm về quản lý kinh tế và những nguyên tắc quản lý kinh tế nêu trên, Hồ Chí Minh đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất và trình độ thực hành dân chủ trong quản lý kinh tế.

Người chỉ ra rằng: “Cán bộ phải dân chủ, phải khéo quản lý (quản lý lao động, quản lý tài vụ, quản lý kỹ thuật), phải khéo giáo dục xã viên làm cho họ đoàn kết chặt chẽ và phấn khởi sản xuất. Cán bộ phải thật công bằng, phải chí công vô tư” [44, tr.65]. Người cán bộ quản lý kinh tế phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, phải xung phong gương mẫu đi trước, biết dùng phương pháp dân chủ mà đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất và tiết kiệm... Phải sâu sát quần chúng, khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, quan liêu. Mặt khác, Người yêu cầu “Cán bộ phải cố gắng học tập văn hóa, chính trị, nghiệp vụ. Kinh tế của ta ngày càng phát triển, hàng ngũ công nhân ta ngày càng thêm đông. Muốn làm tròn nhiệm vụ của mình thì cán bộ phải luôn cố gắng học tập, cố gắng vươn lên để không ngừng tiến bộ” [44, tr.587].

Như vậy, một cán bộ quản lý tốt cần đạt các tiêu chuẩn: thứ nhất, phải có đạo đức (đối với tự mình): cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, xung phong gương mẫu, dám nghĩ dám làm...; thứ hai, phải có phương pháp (đối

với công việc): đoàn kết, dựa vào dân và dân chủ trong lãnh đạo. Vấn đề thứ nhất biểu thị tầm quan trọng của đạo đức đối với người cán bộ quản lý nói chung nhưng đặc biệt quan trọng đối với cán bộ quản lý kinh tế. Sự băng hoại về đạo đức trong cán bộ quản lý kinh tế không chỉ làm thiệt hại về kinh tế cho một xí nghiệp, một hợp tác xã, một địa phương mà còn tác hại đến nền kinh tế cả nước nếu cán bộ đó đứng ở những vị trí cao trong bộ máy quản lý kinh tế. Do vậy, theo Hồ Chí Minh, yêu cầu về đạo đức, về phẩm chất chính trị là yêu cầu hàng đầu đối với cán bộ quản lý nói chung và quản lý kinh tế nói riêng. Vấn đề thứ hai biểu thị yêu cầu về năng lực tổ chức quản lý của cán bộ quản lý kinh tế. Cán bộ quản lý là người vạch ra kế hoạch, xác định mục tiêu và thực hiện kế hoạch đã định thông qua người lao động. Do vậy, người cán bộ ngoài năng lực chuyên môn phải có bản lĩnh, nhạy cảm và có khả năng tổ chức cho hệ thống hoạt động đồng bộ, đồng thời có phương pháp quản lý, tổ chức lao động phát huy được dân chủ trong quản lý đối với người lao động để kích thích mọi năng lực sáng tạo của người sản xuất thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh cũng bao gồm các vấn đề quy hoạch cán bộ, đánh giá đúng năng lực và phẩm chất của cán bộ để sử dụng hợp lý, hiệu quả; phải phân định chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ một cách rõ ràng, tránh chồng chéo; đồng thời luôn đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cán bộ. Đây là những việc làm không thể thiếu để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của đơn vị sản xuất.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trong các dân tộc ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh (Trang 35 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(112 trang)
w