Thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trong các dân tộc ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh (Trang 26 - 29)

Xuất phát từ yêu cầu đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh khẳng định tính tất yếu phải thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, theo Người, phải trải qua một thời kỳ quá độ để biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp. Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội” [44, tr.13]. Từ đó Người kết luận: muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội tất yếu phải công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. “Muốn đảm bảo đời sống sung sướng mãi mãi, phải công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa” [44, tr.159]. Người khẳng định như vậy là vì các lý do: xuất phát điểm đi lên của chúng ta là một nước nông nghiệp lạc hậu; “đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi” [44, tr.40-41]; “công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế... Công nghiệp phát triển thì nông nghiệp mới phát triển... như hai chân đi khoẻ và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và chóng đi đến mục đích” [44, tr.544-545].

Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định vai trò của nông nghiệp, coi nông nghiệp là gốc, là chính, nhưng Người vẫn nhấn mạnh công nghiệp hóa mới là con đường cơ bản để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Người viết: “Hiện nay, chúng ta lấy sản xuất nông nghiệp làm chính. Vì muốn mở mang công nghiệp thì phải có đủ lương thực, nguyên liệu. Nhưng công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thật sự của nhân dân ta” [44, tr.41].

Về nội dung chủ yếu của công nghiệp hóa ở Việt Nam, Người nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết phát triển công nghiệp nặng. Người định nghĩa

công nghiệp nặng một cách đơn giản và đầy đủ: các ngành công nghiệp làm ra máy móc, gang, thép, than, hoá chất v.v. gọi chung là công nghiệp nặng. Người chỉ rõ: công nghiệp nặng là đầu mối để mở mang các ngành công nghiệp khác và cung cấp máy móc cho nông nghiệp. Phải có công nghiệp nặng thì mới có một nền kinh tế tự chủ và giàu mạnh. Công nghiệp nặng cung cấp máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu cho nông nghiệp. Công nghiệp nặng cũng phải cung cấp đủ máy móc các loại cho công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp. Khái quát lại, Người cho rằng: phải phát triển công nghiệp nặng làm cơ sở cho nền kinh tế độc lập, tự chủ và giàu mạnh.

Trong khi nhấn mạnh công nghiệp nặng, Người cũng rất chú ý đến công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp. Tại Hội nghị ngành công nghiệp nhẹ ngày 16 - 1- 1965, Hồ Chí Minh nhắc đến vai trò của công nghiệp nhẹ: “Mọi chính sách của Đảng và Chính phủ ta đều nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Ngành công nghiệp nhẹ quan hệ rất khăng khít với đời sống hàng ngày của nhân dân. Vì vậy, nhiệm vụ của công nghiệp nhẹ là rất quan trọng” [45, tr.364].

Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng tiểu thủ công nghiệp. Trong Thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An ngày 27 -1- 1969, Hồ Chí Minh cũng

viết: “Công nghiệp và thủ công nghiệp phải sản xuất nhiều công cụ làm đất, tưới tát, vận chuyển v.v.. phải cung cấp nhiều hàng tiêu dùng tốt và rẻ cho nhân dân” [46, tr.488].

Khi thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, Người rất chú ý đến việc phải xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý. Khi trả lời phỏng vấn báo Nhật báo

công nhân (Anh), Người đã nói:

Từ ngày được giải phóng, sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất và cải tạo xã hội chủ nghĩa, chúng tôi đã ra sức phát triển nông nghiệp, giải quyết được vấn đề lương thực, phát triển công nghiệp nhẹ, tự cung tự cấp được phần lớn hàng tiêu dùng và bước đầu xây dựng công nghiệp nặng làm cơ sở cho nền kinh tế độc lập của chúng tôi [45, tr.461].

Như vậy, theo Hồ Chí Minh, một nền kinh tế lành mạnh phải bao gồm, nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng. Năm 1959, Người đã phác thảo mô hình nền kinh tế của nước ta là: nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến.

Công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa. Trong quá trình chỉ đạo phát triển kinh tế đất nước, đã nhiều lần Người nhắc đến việc dùng máy móc để phát triển nông nghiệp. Trong Bài nói chuyện với đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh

Thanh Hoá, Hồ Chí Minh nói đến cơ giới hoá nông nghiệp, đồng thời Người

nhắc nhở: “Muốn cơ giới hoá nông nghiệp cũng còn mất hàng 15, 20 năm chứ không làm ngay một lúc được” [44, tr.180]. Nói chuyện với đồng bào và cán bộ xã Đại Nghĩa (Hà Đông), Người nói đến việc khoanh vùng nông nghiệp để chuẩn bị cho dùng máy móc. Người nói: “Như nơi nào sản xuất lúa nhiều và tốt thì nơi đó sẽ thành vùng sản xuất lúa là chính, nơi nào sản xuất chè nhiều và tốt thì nơi đó sẽ thành vùng sản xuất chè là chính.v.v.. Làm như vậy thì sau này dùng máy móc cũng dễ và tiện” [44, tr.407-408]. Trong Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá III bàn về phát triển công nghiệp, Người cũng nói: “Công nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ hàng tiêu dùng cần thiết cho nhân dân, trước hết là cho nông dân; cung cấp máy bơm nước, phân hoá học, thuốc trừ sâu... để đẩy mạnh nông nghiệp; và cung cấp dần dần máy cấy, máy bừa cho hợp tác xã nông nghiệp” [44, tr.544].

Đối với miền núi và trung du, quan điểm của Người về công nghiệp hóa là phải đi từ nông nghiệp, lấy phát triển nông nghiệp làm cơ sở, nền tảng để thực hiện công nghiệp hóa. “Làm cho miền núi và trung du thành một nơi giàu có về nông nghiệp để nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân, để thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà” [45, tr.244-245].

Người cũng đề cập đến kinh tế gia đình và nghề phụ của người nông dân. Người nói: “Miếng vườn của mỗi gia đình xã viên và các loại nghề phụ là nguồn lợi để tăng thu nhập” [44, tr.352]. Nghề phụ mà Người nhắc đến ở đây là các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn. Người còn nhắc nhở cần phát triển thích đáng kinh tế phụ gia đình xã viên.

Như vậy, quan điểm của Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa là khá toàn diện, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm. Xuất phát từ đặc thù của một nước nông nghiệp lạc hậu như Việt Nam, Người đã chỉ ra nội dung, bước đi của công nghiệp hóa là từ nông nghiệp. Sự phát triển công nghiệp nặng trước hết phải xuất phát từ đòi hỏi trong sự phát triển của nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, do đó, trước tiên phải phát triển những ngành công nghiệp phục vụ trực tiếp cho phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trong các dân tộc ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh (Trang 26 - 29)