Phát triển kinh tế vườn

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trong các dân tộc ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh (Trang 94 - 96)

1 Tỉnh Đắk Nông được tách ra từ tỉnh Đắk Lắk tại Nghị quyết số 22/2003/QH ngày 26//2003 của Quốc hội.

2.3.2.3.Phát triển kinh tế vườn

Trong nhiều bài nói, bài viết của mình về phát triển kinh tế miền núi và các DTTS, Hồ Chí Minh thường nhắc đến việc phải cải tiến cách làm việc, tức là thay đổi cách thức sản xuất theo hướng có lợi để đẩy sản xuất tiến lên. Qua nghiên cứu thực trạng sản xuất của đồng bào DTTS Tây Nguyên, chúng tôi thấy cần phát triển kinh tế vườn, đây là hướng đi có nhiều triển vọng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với đồng bào Kinh, canh tác vườn từ lâu đã quen thuộc với mọi người, còn đối với đồng bào DTTS Tây Nguyên canh tác vườn vẫn là điều mới mẻ. Nói tới vườn người ta thường nghĩ tới một mảnh đất canh tác ở gần nhà, nằm trong khuôn viên của ngôi nhà ở, nó thường không rộng lắm so với đất ruộng, đất rẫy. Tuy nhiên, do địa thế và vốn đất ở Tây Nguyên mà có thứ vườn nằm ngoài khuôn viên gia đình, đó là kiểu vườn đồi, vườn rừng. Cần thấy rằng phát triển kinh tế vườn là khâu quan trọng, là mũi đột kích, là cái nền của công cuộc định canh định cư đối với đồng bào các DTTS. Thực chất đây là việc tổ chức và bố trí lại sản xuất theo hướng phát huy những thế mạnh từ tài nguyên rừng, đất của địa phương, thực hiện một bước phân công lao động xã hội, phát triển kinh tế hàng hóa, dù còn là sản xuất hàng hóa nhỏ. Vườn cà phê, hồ tiêu, đào lộn hột, cây ăn quả... trong thời gian tương đối ngắn tạo ra nguồn thu nhập cao hơn hẳn làm nương rẫy, vừa cải thiện một bước đời sống, vừa tạo ra nguồn tích lũy ban đầu cho quá trình tái sản xuất.

Để phát triển kinh tế vườn, trước hết cần coi trọng việc tuyên truyền vận động bà con DTTS thông suốt về tư tưởng, thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài của phát triển kinh tế vườn, vượt qua những cản trở của nếp suy nghĩ cũ,

của phong tục tập quán lạc hậu, từ đó mỗi gia đình có nhu cầu và quyết tâm phát triển kinh tế vườn. Trong công tác giáo dục, tuyên truyền, tổ chức triển khai làm vườn cần phải có đội ngũ cán bộ đứng ra làm mẫu, cán bộ này có thể tăng cường từ tỉnh, huyện xuống, nhưng tốt nhất là cán bộ người DTTS tại xã, tại buôn đó. Lực lượng cán bộ này vừa tuyên truyền, vận động bà con, vừa tự đứng ra làm mảnh vườn của gia đình mình để làm gương cho các gia đình khác noi theo. Phải kết hợp tuyên truyền, giải thích với việc làm cụ thể thì giải thích, tuyên truyền mới có hiệu quả. Hai là, trên cơ sở nắm chắc quỹ đất từng địa phương, từng buôn làng, cả về quy mô cũng như tính chất từng loại đất mà có quy hoạch hợp lý các điểm dân cư, quy hoạch đất vườn trong tổng thể đất thổ cư và ngoài thổ cư. Kinh nghiệm cho thấy, vườn trong thổ cư khoảng từ 1000 đến 1500 m² là phù hợp. Ở những nơi quỹ đất cho phép, có thể cấp thêm cho các gia đình làm các mảnh vườn nằm ngoài thổ cư, thực hiện giao đất, giao rừng cho bà con dân tộc kinh doanh theo kiểu làm vườn rẫy, vườn rừng ở ngoài buôn làng, nơi đó bà con có thể trồng lúa khô, trồng rau quả, củ, cây công nghiệp ít đòi hỏi chăm sóc như đào lộn hột, ca cao. Ba là, phải có quy hoạch về cơ cấu cây trồng cho từng vùng, từng địa phương, từng mảnh vườn phù hợp với chất đất, khí hậu, điều kiện nước tưới, khả năng chuyên chở, bảo quản, nhu cầu thị trường. Trong quy hoạch cơ cấu giống cây cho từng địa phương, từng vùng nên chọn một hoặc hai cây trồng xen ghép thích hợp, trong đó cây trồng chính là những cây đặc sản, mang ý nghĩa đột phá, tạo ra nguồn hàng có khối lượng lớn, giá trị cao, còn hệ những cây xen ghép là những thứ cây mà sản phẩm của nó tạo ra nguồn hàng phụ thỏa mãn những nhu cầu của đời sống hàng ngày của gia đình.

Với tiềm năng và thế mạnh của địa phương, công cuộc định canh định cư lấy kinh tế vườn làm mũi đột kích, khâu trọng tâm sẽ tự mở đường cho các dân tộc thiểu số tiếp cận với kinh tế hàng hóa dù mới ở trình độ sản xuất hàng hóa nhỏ. Đó là một cơ sở, một động lực mới thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của các DTTS. Kinh tế hàng hóa phát triển sẽ xóa bỏ dần lối sống tự cấp, tự túc, phân phối kiểu bình quân, làm cho gia đình, buôn làng sớm hòa nhập vào cái chung của đất nước, mở rộng tầm nhìn, vươn tới tiến bộ, văn minh.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trong các dân tộc ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh (Trang 94 - 96)