Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã khẳng định cán bộ là cái gốc của mọi công việc, mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Để khai thác được các tiềm năng, lợi thế của miền núi nhằm nâng cao đời sống của đồng bào thì việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số và miền núi là điều kiện cơ bản, quyết định. Theo Người, nền độc lập dân tộc chỉ có giá trị khi nó mang lại hạnh phúc, no ấm cho nhân dân. Muốn nhân dân no ấm, hạnh phúc thì phải có đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, hiểu biết khoa học, kỹ thuật để tổ chức, lãnh đạo mọi người lao động sản xuất. Đối với các DTTS và miền núi, do điều kiện sống khép kín, ít giao lưu tiếp xúc với bên ngoài nên nhận thức còn nhiều mặt hạn chế, vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng và Chính phủ phải hết sức quan tâm, giúp đỡ họ về mọi mặt. Người đặc biệt chú ý đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ miền núi. Người nói:
Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương, chứ không phải là bao biện làm thay [44, tr.418].
Từ những ngày đầu cách mạng, Bác Hồ đã chỉ rõ vai trò của cán bộ; sự cần thiết phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đồng thời Bác cũng chỉ ra điểm cụ thể cần làm và điều cần khắc phục trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo Người thì học cốt là để làm, do đó, việc đào tạo, huấn luyện phải thiết thực, sao cho những người đến học, học rồi, về địa phương họ có thể thực
hành ngay. Người đã chỉ ra điều cần thiết trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số là cụ thể, thiết thực: “Một là gì, hai là gì, rồi ba, bốn, năm là gì. Làm như thế nào.... Nên nói dễ hiểu, thiết thực, người ta hiểu được và làm được” [45, tr.129].
Hồ Chí Minh cũng góp ý với các tỉnh miền núi là cần chú ý phát triển loại trường Thanh niên dân tộc vừa học vừa làm “để đào tạo cán bộ địa phương, vừa có văn hoá, vừa có kỹ thuật, vừa giỏi lao động” [45, tr.132], đồng thời tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình công nghiệp hoá ở địa phương.
Qua những bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và miền núi, có thể khái quát những quan điểm cơ bản của Bác về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS và miền núi là: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải gắn với nhiệm vụ thực tế. Đó là công việc phải tiến hành thường xuyên, có nội dung cụ thể, thiết thực. Trong việc đào tạo cán bộ, trước hết phải nâng cao trình độ văn hoá, coi trọng công tác giáo dục. Cần xây dựng loại trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lao động kỹ thuật cho vùng dân tộc và miền núi.
*
* *
Tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh là mẫu mực của sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và những quy luật kinh tế khách quan vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Quan điểm của Hồ Chí Minh về kinh tế có tính hệ thống, khá toàn diện và phong phú, mà phần trình bày trên chỉ là một số nội dung cơ bản.
Những tư tưởng đó đã chỉ dẫn cho Đảng ta trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách kinh tế cụ thể trong từng thời kỳ trước đây, đồng thời vẫn giữ nguyên giá trị trong tình hình hiện nay khi Đảng ta phải giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp về kinh tế - xã hội trong quá trình đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Đối với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, những quan điểm về phát triển kinh tế miền núi của Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa to lớn trong giai đoạn
hiện nay. Mặc dù chưa từng đặt chân đến Tây Nguyên, nhưng đồng bào Tây Nguyên luôn ở trong trái tim của Người, khi có dịp Người luôn viết thư, điện để thăm hỏi, động viên, khích lệ đồng bào đoàn kết chống kẻ thù chung và xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống. Khi đề cập đến phát triển kinh tế trong các dân tộc thiểu số và miền núi, Người thường nói những vấn đề thiết thực, cụ thể, vừa tầm với trình độ người dân như muốn đời sống ổn định thì phải ổn định chỗ ở, ổn định chỗ sản xuất; tăng gia sản xuất thì phải biết tưới nước, làm thuỷ lợi nhỏ, bón phân, cải tiến cách làm, đoàn kết nhau lại làm việc trong tổ đổi công, hợp tác xã thì sẽ mang lại năng suất lao động cao; khai thác những lợi thế vốn có về nông nghiệp như đất, rừng, chăn nuôi... để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống... Đây là những vấn đề cấp bách, cốt lõi, phản ánh được nhu cầu, nguyện vọng nóng bỏng của đồng bào các dân tộc, nên có khả năng hiện thực hoá cao.
Chương 2