1 Tỉnh Đắk Nông được tách ra từ tỉnh Đắk Lắk tại Nghị quyết số 22/2003/QH ngày 26//2003 của Quốc hội.
2.1.3.1. Nhóm cư dân thuộc các dân tộc thiểu số tại chỗ
Khái niệm dân tộc thiểu số tại chỗ dùng để chỉ các cư dân có mặt ở Tây Nguyên trước khi người Kinh chuyển cư từ các miền đồng bằng và ven biển lên đây sinh sống, làm ăn. Trong nhiều nghiên cứu các tác giả thường dùng khái niệm “dân tộc bản địa” để chỉ nhóm cư dân này. Ở đây, để tránh hiểu lầm, chúng tôi dùng khái niệm “dân tộc thiểu số tại chỗ”.
Tây Nguyên là địa bàn sinh tụ lâu đời của 13 DTTS tại chỗ: Gia-rai, Ê- đê, Ba-na, Cơ-ho, Xơ-đăng, Mơ-nông, Mạ, Gié-triêng, Ra Glai, Chu-ru, Hrê, Brâu, Rơ Măm. Nhóm cư dân này chiếm 26% dân số Tây Nguyên (hơn 1,3 triệu người), trong đó dân tộc Gia-rai và Ê-đê có số dân đông nhất, chiếm 14%, bên cạnh đó, dân tộc Brâu và Rơ Măm có số dân ít nhất, khoảng trên dưới 350 người [28, tr.137-138].
Trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc cao thấp khác nhau, nhưng đặc điểm cơ bản của nhóm dân cư này là còn tồn tại xã hội dựa trên nền tảng của công xã nông thôn với nền nông nghiệp nương rẫy lạc hậu. Sản xuất mang tính tự nhiên, tự cung tự cấp, lực lượng sản xuất thấp, công cụ sản xuất thô sơ (rìu, gậy chọc lỗ, xà gạc). Kỹ thuật canh tác lạc hậu (chọc lỗ, tỉa hạt), lao động chân tay là chủ yếu. Năng suất và hiệu quả lao động thấp, bấp bênh. Phân công lao động chưa phát triển, có tính chất tự nhiên theo giới tính. Nghề chăn nuôi, thủ công nghiệp chưa trở thành một ngành độc lập tách khỏi trồng trọt. Quan hệ sản xuất hàng hóa, tiền tệ chưa phát triển. Do trình độ dân trí thấp nên
khả năng tiếp thu khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống còn nhiều hạn chế.
Hình thái tổ chức xã hội của đồng bào là các buôn, plây. Đó là tổ chức xã hội cao nhất tương đối hoàn chỉnh, tương đối độc lập và khép kín. Ranh giới lãnh thổ, quyền sử dụng đất riêng được xác định, các luật tục, lễ hội gắn liền với buôn, plây. Thiết chế xã hội này được coi là thiêng liêng, tồn tại bất chấp những tác động bên ngoài dưới thời thực dân cũ và mới; bên cạnh những thiết chế xã hội được áp đặt nên bởi chính quyền thực dân. Hiện nay, thiết chế cổ truyền đó vẫn song song tồn tại (tuy không trọn vẹn) với uy tín của các già làng, các trưởng bản; sức mạnh của luật tục và luật pháp của Nhà nước.
Phù hợp với chế độ công xã nông thôn là hình thức tổ chức gia đình mẫu hệ còn phổ biến. Hình thái cư trú của gia đình lớn mẫu hệ thường là ngôi nhà dài. Trong gia đình mẫu hệ, phụ nữ có vai trò rất lớn. Họ là chủ sở hữu đất đai, mọi sinh hoạt của gia đình tập trung dưới sự điều khiển của bà chủ nhà. Tuy nhiên, hiện nay vai trò của đàn ông trong gia đình cũng thay đổi nhiều, họ thay mặt cho gia đình trong lĩnh vực sản xuất và hoạt động xã hội, kể cả chức vụ nếu có.
Những nhân tố kinh tế, văn hóa, xã hội trên cho thấy rằng nội lực cho sự phát triển kinh tế của các DTTS còn ở trình độ thấp. Để giúp họ vươn lên xây dựng cuộc sống mới, Đảng và nhà nước phải có những chủ trương, chính sách phù hợp, sát với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào; phải có sự giúp đỡ của cả nước trong sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau mới tạo đà cho các DTTS từng bước phát triển lực lượng sản xuất, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.