đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi, làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi
Ở nước ta, núi, đồi và cao nguyên chiếm 3/4 diện tích, đây là vùng cư trú chủ yếu của các dân tộc thiểu số. Hồ Chí Minh đánh giá đây là địa bàn dân cư cũng như địa lý có vị trí quan trọng về chính trị, an ninh - quốc phòng và cả về kinh tế. Người viết: “miền núi có một địa vị cực kỳ quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng của cả nước ta” [44, tr.608].
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Người nhận thức sâu sắc và đúng đắn về bản lĩnh, tính cách dân tộc trong tiến trình lịch sử. Các dân tộc thiểu số ở nước ta không những có truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm mà còn có truyền thống cần cù, thông minh, sáng tạo. Họ là những người thật thà, chất phác, biết trọng lẽ phải và công lý.
Cùng với vấn đề dân cư, Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm tới các điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, vùng cư trú của các dân tộc thiểu số là căn cứ địa chống ngoại xâm và là phên dậu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Người hiểu khá rõ truyền thống, tinh thần cách mạng và tin tưởng ở khả năng cách mạng to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Và sự thật, đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi đã không phụ lòng tin của Đảng, Chính phủ, của cách mạng, họ đã có những đóng góp vĩ đại cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.
Nguyện vọng và tình cảm tha thiết nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, nên phải ra sức làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, xoá bỏ sự ngăn cách giữa các dân tộc, giữa dân tộc đa số và dân tộc thiểu số để từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện công nghiệp hoá nước nhà. Phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất các dân tộc thiểu số ở Việt Nam ngày 3 - 12 - 1945, Người khẳng định: “Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt.
a. Về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng. b. Về văn hoá, Chính phủ sẽ chú ý trình độ học thức cho các dân tộc” [38, tr.110-111].
Hồ Chí Minh là người đã chỉ cho các dân tộc thiểu số và miền núi thấy rằng, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc họ là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, và khi dân tộc giải phóng thì đồng thời họ cũng được giải phóng. Nhưng giành được độc lập, tự do mới chỉ là giải phóng về mặt chính trị. Nếu có độc lập, tự do rồi mà dân vẫn cứ đói, rét, vẫn cứ thất học thì độc lập, tự do chẳng có nghĩa lý gì. Do đó, mục tiêu cuối cùng của cách mạng là phải làm sao để đời sống của đồng bào về vật chất ngày càng đầy đủ hơn, tinh thần ngày càng phong phú hơn. Nói chuyện với đồng bào, bộ đội và cán bộ Khu tự trị Thái - Mèo (Thuận Châu, Sơn La), Hồ Chí Minh chỉ rõ:
Đồng bào Khu tự trị đã từng cùng bộ đội ta đánh thắng trận Điện Biên Phủ, đuổi hết giặc Tây, giải phóng đất nước. Ngày nay đồng bào, bộ đội và cán bộ lại phải cùng nhau đoàn kết phấn đấu để giành lấy một thắng lợi to hơn nữa là tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều được no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui [43, tr.445-446].
Mong ước đó của Người không chỉ cho đồng bào các dân tộc Sơn La, mà là mong ước chung đối với tất cả các DTTS và miền núi nước ta. Vì tất cả họ, dù là dân tộc thiểu số hay dân tộc đa số, đều là người con của Tổ quốc Việt Nam. Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi, làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi không chỉ đơn thuần là một chính sách kinh tế, mà đó còn là sự tri ân, trả nghĩa đối với đồng bào đã che chở, giúp đỡ Đảng, Chính phủ trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước.
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi chính là mục tiêu cuối cùng của sự nghiệp giải phóng, đồng thời là động lực của sự nghiệp cách mạng .