Ra chiến lược phát triển kinh tế và thực hiện kế hoạch giúp đỡ thiết thực, cụ thể, phù hợp

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trong các dân tộc ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh (Trang 49 - 52)

giúp đỡ thiết thực, cụ thể, phù hợp

Việc phát triển kinh tế - văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Hồ Chí Minh coi là bộ phận hợp thành của toàn bộ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng chiến lược của Người về phát triển kinh tế các dân tộc thiểu số và miền núi là: “Làm cho miền núi và trung du thành một nơi giàu có về nông nghiệp để nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân, để thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà” [45, tr.244-245]. Người coi đây là một cuộc cách mạng lâu dài, gian khổ nhưng với sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa, nhất định chúng ta sẽ làm được, nếu như chúng ta có nhiệt tình cách mạng, có tình yêu thương đồng bào các dân tộc.

Hồ Chí Minh luôn xác định trách nhiệm của Nhà nước, của Trung ương đối với miền núi. Người chỉ thị: “các cơ quan trung ương phải có kế hoạch đẩy mạnh phong trào miền núi lên, về kinh tế cũng như về văn hoá, tất cả các mặt”, “phải có kế hoạch giúp đỡ thiết thực đồng bào miền núi” [45, tr.136].

Nguyện vọng và tình cảm tha thiết nhất của Hồ Chí Minh là cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, nên phải ra sức làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp, xoá bỏ sự ngăn cách thực sự giữa các dân tộc, giữa dân tộc đa số và dân tộc thiểu số để nâng cao từng bước và nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân, để thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà. Muốn vậy phải tiến hành cải tạo miền núi một cách toàn diện, làm thay đổi cơ bản bộ mặt đất nước và con người miền núi. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý tự nhiên, lịch sử và hậu quả của chính sách đô hộ thực dân, phong kiến để lại, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta trình độ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội còn thấp hơn nhiều so với đồng bào miền xuôi; dân tộc ở vùng rẻo cao, vùng núi còn khó khăn hơn đồng bào các dân tộc ở thị xã, thị trấn miền núi. Sự chênh lệch về đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội giữa đồng bào các dân tộc tạo ra sự phát triển không đồng đều giữa các dân tộc. Do đó, sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là không thể thiếu để nâng cao đời sống của họ. Đây không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là tình cảm, là ân nghĩa của Đảng, Nhà nước, của miền xuôi đối với đồng bào miền núi đã có những cống hiến lớn lao cho cách mạng.

Tại Hội nghị tuyên giáo miền núi ngày 31 - 8 - 1963, Hồ Chí Minh thẳng thắn vạch rõ những khuyết điểm của cán bộ các cơ quan Trung ương:

Ở đây có 85 cán bộ các cơ quan trung ương. Những cán bộ trung ương đến đây, không phải chỉ là để nghe, mà phải nhận trách nhiệm của mình, góp phần vào công tác tuyên truyền huấn luyện đồng bào miền núi. Y tế nhận trách nhiệm gì? Mậu dịch nhận trách nhiệm gì? Giao thông, thuỷ lợi nhận trách nhiệm gì?... Chứ không phải đến dự cho có mặt đông đủ rồi về [45, tr.127-128].

Người nhấn mạnh: Trung ương Đảng và Chính phủ, mà trực tiếp là các cấp uỷ đảng, các uỷ ban địa phương phải làm sao nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của đồng bào các dân tộc. Các cơ quan trung ương phải nhận trách nhiệm, phải có kế hoạch giúp đỡ thiết thực đồng bào miền núi. Bộ đội, công an, công nhân trong nông trường, lâm trường, công trường, xí nghiệp, cán bộ thương nghiệp, y tế, các giáo viên và tất cả cán bộ các ngành phải thấy rằng mỗi người đều phải là người tuyên truyền chính sách của Đảng, của Nhà nước. Và mỗi người cần phải là người tuyên truyền cách cải tiến đời sống của đồng bào như thế nào. Muốn như vậy, các cơ quan Nhà nước, các cấp uỷ đảng phải nhận rõ trách nhiệm của mình, phải có tinh thần phụ trách, phải lãnh đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ cán bộ. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải miệng nói tay làm, phải xung phong gương mẫu. Tóm lại là: ra sức giúp đỡ đồng bào phát triển những việc có lợi ích cho đời sống vật chất và văn hoá của các dân tộc.

Hồ Chí Minh cũng chỉ ra một số nhiệm vụ cụ thể là: đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi, chú ý công tác trồng rừng và bảo vệ rừng; phát triển giao thông, mở mang đường sá đến từng làng bản, làm cho giao thông tiện lợi hơn, tất nhiên Trung ương chỉ đầu tư những công trình lớn, còn những công trình nhỏ thì đồng bào phải tự làm lấy; ứng dụng tiến bộ khoa học - thuật trong sản xuất, cải tiến nông cụ; xây dựng đời sống văn hoá, xã hội cho đồng bào các dân tộc, xoá bỏ những hủ tục mê tín dị đoan, thiếu vệ sinh, tảo hôn,...; đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, y tế, đặc biệt là công tác vệ sinh phòng bệnh... Tuy nhiên, Người cũng lưu ý là phải làm dần dần, không thể chủ quan nóng vội, muốn làm hết ngay một lúc, phải làm từng bước, làm bước nào chắc bước ấy. Người yêu cầu trong công tác phát triển miền núi phải cụ thể, thiết thực và nhất là phải phù hợp với điều kiện của đồng bào. Là một quốc gia gồm nhiều thành phần dân tộc khác nhau, sự phát triển kinh tế - văn hoá giữa các dân tộc không đều nhau. Mỗi tộc người có bản sắc riêng, nếp sống riêng, tâm lý riêng rất phong phú, đa dạng. Do đó, Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, bộ đội, từ việc lớn đến việc nhỏ khi quan hệ với dân phải thể hiện sự gắn bó thực sự với

đồng bào. Muốn vậy phải nghiên cứu cho hiểu rõ phong tục tập quán của đồng bào, đặc thù dân tộc.

Trong quá trình tương trợ, giúp đỡ các dân tộc thiểu số, cần xuất phát từ lập trường của giai cấp công nhân, nghĩa là phải quán triệt tư tưởng bình đẳng, tôn trọng, học tập lẫn nhau, khắc phục những tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc. Có như vậy mới tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trong các dân tộc ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh (Trang 49 - 52)