Đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc để cùng nhau phát triển

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trong các dân tộc ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh (Trang 42 - 49)

nhau phát triển

Nghiên cứu những bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh về vùng dân tộc và miền núi, chúng tôi thấy Người có những chỉ dẫn khá cụ thể để đồng bào các dân tộc ở miền núi phát triển kinh tế, văn hoá. Và điều đặc biệt trong tư duy kinh tế của Người là luôn hướng cho cán bộ và nhân dân các dân tộc cách thức sản xuất để họ tự làm lấy, để họ phát huy những tiềm năng, lợi thế của mình, trước khi nhắc đến sự hỗ trợ của Đảng, Chính phủ. Các giải pháp phát triển kinh tế trong các DTTS, miền núi có thể tóm tắt ở mấy nội dung sau:

Trước tiên, Hồ Chí Minh nhấn mạnh yếu tố đoàn kết và tương trợ lẫn nhau giữa các dân tộc và trong một cộng đồng dân tộc.

Người khẳng định: muốn phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, sung sướng đồng bào phải đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, xóa bỏ sự chia rẽ, tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tư tưởng tự ty. Trong Thư gửi các học sinh Trường Sư phạm miền núi Trung ương nhân dịp Trường khai giảng, ngày

19 - 3 - 1955, Hồ Chí Minh viết:

Trong hơn 80 năm, vì chúng ta bị thực dân Pháp và bọn vua chúa áp bức cho nên chúng ta lạc hậu, văn hoá kém cỏi, mà chúng nó áp bức được là vì chúng nó chia rẽ chúng ta, vì chúng ta chưa biết đoàn kết.

Ngày nay, các dân tộc anh em chúng ta muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hoá của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa

các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em một nhà [41, tr.496].

Nói chuyện với đồng bào tỉnh Yên Bái, Người chỉ rõ:

Đã gọi là đoàn kết thì phải giúp đỡ nhau như anh em trong nhà. Dân tộc nhiều người phải giúp đỡ dân tộc ít người, dân tộc ít người cần cố gắng làm ruộng. Hai bên phải giúp đỡ lẫn nhau. Dân tộc đông người không phải giúp qua loa, cũng như dân tộc ít người không nên ngồi chờ giúp. Một bên ra sức giúp, một bên ra sức làm. Giúp nhau thì việc gì cũng nhất định làm được [43, tr.233].

Thứ hai, tăng gia sản xuất phải đi đôi với thực hành tiết kiệm.

Muốn tăng gia sản xuất, theo Hồ Chí Minh đồng bào các DTTS phải thực hiện một số việc sau:

Một là, thay đổi phương thức canh tác từ du canh, du cư sang định

canh, định cư. Người chỉ rõ du canh là phương thức canh tác lạc hậu, không mang lại hiệu quả kinh tế. Do đó, muốn ổn định đời sống, muốn no ấm, sung sướng, đồng bào phải làm ăn định canh và định cư. Nói chuyện với đồng bào, Người giải thích bằng lời lẽ giản dị, dễ hiểu:

Muốn ăn no mặc ấm phải làm thế nào? Phải tăng gia sản xuất! Song có một số đồng bào năm nay làm chỗ này, năm sau làm chỗ khác... Như thế không tốt. Ví dụ như cây bưởi năm nay trồng chỗ này sang năm trồng chỗ khác thì không tốt. Phải trồng một chỗ thì rễ mới sâu, nhành mới tốt, quả mới tốt. Như thế đồng bào cần cố gắng phải làm ăn định canh [43, tr.232].

Hai là, xác định thế mạnh để phát huy. Thế mạnh của miền núi là nông

nghiệp, chọn nông nghiệp làm khâu đột phá, phát triển nền nông nghiệp toàn diện, áp dụng khoa học, cải tiến kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, xen canh.

Hồ Chí Minh cho rằng sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền núi phải bắt đầu từ nông thôn, phát triển nông nghiệp làm cơ sở, tiền đề cho công nghiệp hoá sau này. Theo Người “phải làm cho miền núi và trung du thành

một nơi giàu có về nông nghiệp để nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân, để thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà” [45, tr.244-245]. Luận đề này cụ thể hoá tư duy sáng tạo của Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn điểm khởi đầu của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp lạc hậu, đó là đi lên từ chính nông nghiệp. Tuy nhiên, theo Người đó phải là một nền nông nghiệp toàn diện và phải được tổ chức sản xuất phù hợp với trình độ canh tác, tập quán sản xuất, năng lực quản lý và trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong Thư gửi Đại hội hợp tác xã và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến

miền núi và trung du, ngày 11 - 4 - 1964, Hồ Chí Minh chỉ ra phương hướng

sản xuất đúng cho các khu, tỉnh, huyện, xã, hợp tác xã là:

a) Về lúa: hết sức chú ý thâm canh ruộng lúa nước để có năng xuất cao, đồng thời làm tốt thuỷ lợi để tăng vụ. Giảm dần lúa nương và lúa đồi vì năng suất quá thấp mà lại gây sói mòn.

b) Về màu: chú trọng tăng diện tích, nhưng cũng hết sức chú trọng thâm canh để tăng năng suất ngô, khoai, sắn, v.v... Đồng thời chú trọng chế biến hoa màu và vận động nhân dân ăn độn để tiết kiệm gạo.

c) Về cây công nghiệp: khả năng trồng cây công nghiệp rất lớn. Phải trồng thật nhiều gai, trẩu, sở, chè, hồi, cây màng tang, đỗ tương, lạc, mía, v.v... Các thứ này dân ta cần nhiều và xuất khẩu cũng được tiền. Phải trồng thêm nhiều cây ăn quả.

d) Về chăn nuôi: phải đẩy mạnh chăn nuôi vì ở miền núi và trung du có nhiều điều kiện thuận lợi. Không những chú ý chăn nuôi lợn mà phải hết sức chú ý chăn nuôi trâu bò, ngựa, dê, ong, v.v...

đ) Về bảo vệ rừng: hợp tác xã nào cũng phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng... [45, tr.245].

Nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp, phát triển sản xuất, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi, Người nhấn mạnh: “Sản xuất phải toàn diện, trồng cây lương thực và cây

công nghiệp, phát triển chăn nuôi, phát triển nghề rừng, chú trọng đẩy mạnh chăn nuôi, vì miền núi có nhiều khả năng chăn nuôi” [44, tr.418].

Theo Hồ Chí Minh, áp dụng khoa học, cải tiến kỹ thuật đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải tuyên truyền, giải thích, huấn luyện dần dần để bà con thay đổi thói quen sản xuất. Ví dụ trước đây đồng bào trồng lúa, hoa màu mà không biết bón phân, chưa biết làm đất cho kỹ thì nay phải tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn để họ biết làm những việc đó, để tăng gia sản xuất. Bác nói: “Muốn lúa, ngô, khoai, sắn tốt phải cày sâu bừa kỹ... Bây giờ ta chưa có máy, nhưng sau này ta sẽ có. Có khi độ 5 năm, 10 năm nữa mới có. Trong thời gian đó cần phải cải tiến kỹ thuật, không thể cứ làm theo lối cũ để ngồi chờ 5 năm, 10 năm được” [43, tr.441]. Như vậy, Người đề cao tính chủ động của người nông dân trong sản xuất. Phải chủ động nâng cao năng suất lao động bằng nhiều cách, trong đó cần phải cải tiến kỹ thuật. Sự cải tiến đó không phải là cái gì to tát, nhưng hiệu quả sản xuất lại không nhỏ, ví dụ như làm cái lưỡi cày, lưỡi cuốc to hơn để có thể cày sâu, cuốc bẫm, làm đất được kỹ hơn.

Ba là, muốn tăng gia sản xuất phải có tổ chức, phải có tổ đổi công. Từ (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

tổ đổi công tiến lên hợp tác xã bậc thấp, rồi đến hợp tác xã bậc cao. Xây dựng hình thức tổ chức sản xuất hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp phù hợp với trình độ đồng bào dân tộc thiểu số (cách tổ chức, quy mô). Hồ Chí Minh nói: “Muốn tăng gia sản xuất phải có tổ chức, phải có tổ đổi công... ở nông thôn làm ăn riêng lẻ 1 - 2 nhà thì không tốt, làm ít kết quả, 5 - 10 nhà cùng làm thì nhanh hơn, tốt hơn. Cho nên phải vào tổ đổi công” [43, tr.227].

Nhưng từ tổ đổi công phải tiến lên xây dựng hợp tác xã, “việc phải làm trước hết là phải tổ chức tổ đổi công thật tốt rồi tiến lên hợp tác xã thật tốt” [43, tr.439]. Tổ chức kinh tế hợp tác xã, trước hết nhằm mục đích bảo đảm cho đồng bào các dân tộc “cơm no, áo ấm”, “...làm cho thu nhập chung của hợp tác xã và thu nhập riêng của xã viên ngày càng tăng” [44, tr.318]. Theo quan điểm này, Hồ Chí Minh đã đồng nhất mục đích xây dựng hợp tác xã với mục đích của chủ nghĩa xã hội, và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền núi trực tiếp trở thành xây dựng và củng cố hệ thống các hợp tác xã. Với tư cách là

một tổ chức kinh tế - xã hội, hợp tác xã là một hình thức tổ chức sản xuất mới, phản ánh bản chất của chế độ xã hội mới, nên phải “tuyên truyền, giải thích cho đồng bào hiểu rõ tổ chức to có lợi như thế nào, để đồng bào tự nguyện tự giác tổ chức lại cho to hơn” [43, tr.240].

Về nguyên tắc, hợp tác xã phải được tổ chức theo đúng nguyên tắc tự nguyện, tự giác. Hồ Chí Minh vừa nhắc nhở, đồng thời cũng phê phán cách làm gò ép: “Tổ chức tổ đổi công, hợp tác xã phải tự nguyện, nghĩa là tuyên truyền giải thích ai muốn vào thì vào... Người ta thấy tổ đổi công, hợp tác xã làm tốt, người ta sẽ tự xin vào, không phải nắm cổ người ta kéo vào” [43, tr.441]. Và “xây dựng hợp tác xã nào phải làm cho hợp tác xã ấy tốt và vững” [44, tr.283]. “Các hợp tác xã xây dựng tốt, quản lý tốt sẽ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho xã viên. Ruộng của hợp tác xã tốt, thu nhập của xã viên tăng, đó là cách tốt nhất để tuyên truyền vận động bà con nông dân vào hợp tác xã” [43, tr.456].

Hồ Chí Minh chỉ ra quy mô hợp tác xã ở miền núi là:

Không nên quá to, quá to thì khó quản lý. Cũng không nên quá nhỏ, quá nhỏ thì sức người ít, khó phát triển. Nên tuỳ theo điều kiện mỗi địa phương, mỗi hợp tác xã, nhỏ thì độ 20 đế 30 hộ, to thì 50, 60 hộ. Như thế là vừa. Những nơi có nhiều dân tộc cùng trong một hợp tác xã thì phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết tốt thì sản xuất mới tốt [44, tr.610]. Về quản lý, Người cho rằng phải ra sức cải tiến việc quản lý của các hợp tác xã để hợp tác xã ngày càng phát triển và củng cổ. Muốn hợp tác xã phát triển tốt và vững thì: “Cán bộ, ban quản trị phải công bằng, dân chủ. Mọi việc phải bàn bạc với xã viên, sổ sách, tiền của phải rõ ràng minh bạch” [44, tr.282], và phải “một lòng một dạ phục vụ lợi ích của xã viên và của hợp tác xã” [44, tr.609].

Cùng với sự phát triển của sức sản xuất, mô hình hợp tác xã sẽ phát triển từ thấp đến cao: Tổ đổi công - Hợp tác xã cấp thấp - Hợp tác xã cấp cao - xã hội hoá nông nghiệp miền núi. Hợp tác xã phát triển, mức sống của nông dân cũng dần dần được cải thiện và nâng cao, phản ánh các nấc thang trưởng

thành và chín muồi về kinh tế - xã hội tương ứng với sự thay đổi kết cấu, tổ chức kinh tế kiểu mới, ở miền núi là xây dựng cơ sở hạ tầng, đáng chú ý nhất là thuỷ lợi và giao thông.

Bốn là, phải thực hành tiết kiệm, xoá bỏ những hủ tục trong cưới hỏi,

tang ma,... Nói chuyện với đồng bào và cán bộ ở nhiều nơi, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở tăng gia sản xuất phải đi đôi với thực hành tiết kiệm. Sản xuất mà không tiết kiệm thì cũng bằng không, như gió vào nhà trống, nước đổ vào thùng không đáy, do đó mà không có tăng tiến, không có phát triển. “Làm được bao nhiêu lại chén hết, như thế kết quả cũng như không” [43, tr.227], do đó phải tiết kiệm thì mới có để tăng gia, “Phải cần kiệm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp cho tốt, cho vững” [44, tr.282]. Tiết kiệm là để phục vụ sản xuất: “làm được 200 gánh thì ăn mặc một phần, rượu bớt đi, cưới cũng giảm, ma chay cũng giảm bớt đi..., còn thừa đem bán mua thêm trâu bò, nông cụ để năm sau sản xuất được nhiều hơn nữa” [43, tr.442].

Đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, do phong tục tập quán lâu đời nên việc cưới hỏi, tang ma thường tổ chức dài ngày và ăn uống linh đình, dẫn đến phải bán trâu bò, bán ruộng, bán thóc, đi vay nợ... Điều này gây lãng phí lớn về thời gian và tiền của, hơn nữa làm cho sản xuất đình đốn, không phát triển được. Hồ Chí Minh cho rằng đây là khuyết điểm mà đồng bào cần phải sửa chữa dần dần. Người còn trực tiếp phê phán một thói quen xấu của đồng bào là uống rượu nhiều quá, điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến sản xuất mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ. Người nói:

Đồng bào nấu rượu và uống rượu nhiều quá. Lâu lâu uống một chút thì không sao, nhưng uống nhiều thì không tốt vì:

- Rượu nấu bằng gạo nên tốn gạo. - Uống nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Đồng bào cần giúp nhau sửa chữa khuyết điểm đó [43, tr.241]. Ngoài ra, Người còn căn dặn cán bộ, đồng bào phải đấu tranh chiến thắng chính kẻ địch trong lòng mình thì mới đẩy mạnh sản xuất tốt được.

“Cán bộ, đồng bào có một số sợ khó khăn, không muốn cải tiến cách làm việc, không muốn cải tiến kỹ thuật. Cái đó là do bảo thủ, do ngại khó, vì đời ông đời cha làm thế nào thì nay cứ làm như thế” [43, tr.241]. Muốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống thì những phong tục, tập quán lạc hậu, những thói quen, những cách suy nghĩ, cách làm không tốt nêu trên cần phải được dần dần sửa chữa, loại bỏ.

Thứ ba, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông và thủy lợi.

Do điều kiện địa lý nên cái khó khăn lớn nhất đối với việc phát triển kinh miền núi là cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đặc biệt là giao thông và thuỷ lợi. Tuy nhiên, quan điểm của Hồ Chí Minh là đồng bào, cán bộ các dân tộc thiểu số và miền núi không thể thụ động trông chờ vào nhà nước, mà phải chủ động, sáng tạo làm những việc có thể làm để thúc đẩy sản xuất phát triển, ví dụ như làm thuỷ lợi nhỏ, làm đường giao thông liên thôn, liên bản, liên xã,... Bác nói: “cần chú ý làm công tác thuỷ lợi theo phương châm giữ nước là chính, làm thuỷ lợi nhỏ là chính, nhân dân tự làm là chính,...” [43, tr.456]. Hồ Chí Minh chỉ ra:

Nếu làm thuỷ lợi ở miền núi mà to như dưới xuôi thì khó, nhưng làm thuỷ lợi nhỏ thì không khó. Đồng bào phải biết phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, chủ động sáng tạo để làm thuỷ lợi. Những nơi khe núi, nếu mình biết đắp đập, cũng chứa được nước để lúc cần mở ra. Những chỗ như thế không phải là ít ở các tỉnh miền núi [45, tr.134].

Phải chú ý làm đường giao thông để phục vụ sản xuất, kết hợp chặt chẽ giao thông với thuỷ lợi. Trong Thư gửi Hội nghị tổng kết công tác giao thông

vận tải nông thôn và miền núi, Hồ Chí Minh nhắc nhở công tác giao thông

phải cố gắng hơn nữa, phải làm tốt hơn nữa, “Phải lấy phục vụ sản xuất là chủ yếu. Phải biết dựa vào nhân dân làm là chính” [44, tr.523]. Đối với những công trình lớn, trọng điểm, cần nhiều vốn, kỹ thuật thì Nhà nước phải đứng ra làm, còn đối với những công trình nhỏ, giao thông liên xã, liên huyện thì đồng bào đứng ra làm là chủ yếu. Người nói:

Về giao thông ở miền núi, đường sá còn rất kém. Cố nhiên đắp đường lớn là do trung ương phụ trách, Bộ Giao thông chịu trách nhiệm. Nhưng địa phương có thể làm đường nhỏ. Làng này qua làng khác, thì xã tự động làm. Nhiều xã đã làm tốt. Nên làm cho đồng bào thấy rõ lợi ích của việc làm thêm đường sá, tuyên truyền giải thích cho khéo, thì đồng bào tự làm và làm tốt [45, tr.134].

Tóm lại, theo Hồ Chí Minh để đẩy mạnh sản xuất trong các dân tộc

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trong các dân tộc ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh (Trang 42 - 49)