Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trong các dân tộc ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh (Trang 101 - 106)

1 Tỉnh Đắk Nông được tách ra từ tỉnh Đắk Lắk tại Nghị quyết số 22/2003/QH ngày 26//2003 của Quốc hội.

2.3.2.6.Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số

Nguồn nhân lực ở đây bao gồm đội ngũ cán bộ và lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật người dân tộc thiểu số mà địa bàn Tây Nguyên đang

thiếu hụt trầm trọng. Để phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số và miền núi, Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này, Người đã chỉ ra những điểm rất cơ bản, đó là: đào tạo bồi dưỡng phải gắn với nhiệm vụ thực tế, phải có nội dung cụ thể, thiết thực, phải làm thường xuyên và đề nghị phát triển các loại trường đào tạo vừa học vừa làm cho con em đồng bào các DTTS.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các DTTS hiện nay Nhà nước cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tăng quy mô đào tạo cho các trường dân tộc nội trú và các trường đào tạo nghề trên địa bàn Tây Nguyên. Tăng chỉ tiêu cho các trường dân tộc nội trú huyện, tỉnh, cho phép cử tuyển học sinh nghèo DTTS ở cả vùng 2 và vùng 1, vì ở vùng 3 rất ít hoặc không có các em tốt nghiệp trung học phổ thông. Cần có kế hoạch cụ thể trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ DTTS. Tạo nguồn cán bộ cần có sự tuyển chọn từ trong số học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, đưa vào học ở các trường chuyên nghiệp, có quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng thành cán bộ lãnh đạo, quản lý cho từng vùng dân tộc. Ngoài ra cần chú ý đến cán bộ trẻ hoạt động thực tiễn có năng lực, có phẩm chất đạo đức và số thanh niên DTTS được rèn luyện trong quân đội đã hết thời gian nghĩa vụ về địa phương.

Đào tạo nguồn nhân lực DTTS phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, CNH, HĐH Tây Nguyên hiện nay vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài, bởi vậy cần có nhiều hình thức đào tạo: dài hạn, ngắn hạn, chính quy, tại chức, bồi dưỡng, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm điển hình,... tùy theo độ tuổi, đối tượng và nhu cầu của địa phương. Nhà nước, chính quyền địa phương cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho đối tượng đi đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời bố trí sử dụng hợp lý sau khi đào tạo. Cần quan tâm đến việc sử dụng đội ngũ cán bộ DTTS trưởng thành từ cơ sở, từ các phong trào quần chúng, qua đó lựa chọn, phát triển đảng, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa, chuyên môn để đủ điều kiện bố trí vào những chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành phù hợp với năng lực, sở trường của từng người.

*

Nhận thức đúng vị trí, vai trò của các DTTS ở Tây Nguyên, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm ngọn đuốc soi đường, trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, Đảng và Nhà nước ta đã có sự quan tâm sâu sắc đến đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Sự quan tâm đó được biểu hiện cụ thể bằng những chủ trương, chính sách phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên, như Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, Quyết định 168, 132, 134 ... của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ có những chính sách đúng đắn đó, cùng với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào địa phương, hiện nay bộ mặt kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã có những thay đổi rõ rệt, cơ sở vật chất, kỹ thuật được tăng cường, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cũng còn một số hạn chế như đời sống của các DTTS ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều vấn đề mới nảy sinh như tranh chấp đất đai, thiếu đất sản xuất, đất ở, tình trạng di dân tự do làm ảnh hưởng cuộc sống của DTTS tại chỗ, nạn phá rừng và hủy hoại môi trường sinh thái... Đây là những vấn đề cấp bách đặt ra trong phát triển kinh tế ở Tây Nguyên hiện nay.

Để phát triển kinh tế trong các DTTS ở Tây Nguyên hiện nay, vận dụng những quan điểm kinh tế của Hồ Chí Minh cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp đã nêu trên, nhằm khắc phục những hạn chế của quá trình phát triển trước đây và thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong các DTTS ở Tây Nguyên một cách bền vững.

KẾT LUẬN

Tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề kinh tế cơ bản của nước ta, trong điều kiện quá độ từ một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội không trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Trong hệ thống quan điểm đó, có quan điểm về phát triển kinh tế trong các dân tộc thiểu số và miền núi. Những bài viết ngắn gọn bằng những ngôn từ rất giản dị, mộc mạc của Hồ Chí Minh chứa đựng những tư tưởng kinh tế có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc không chỉ trong quá khứ, mà cả ở hiện tại và tương lai. Những tư tưởng đó vẫn đang gợi ý, dẫn dắt Đảng ta, nhân dân ta trong việc tìm tòi những biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục đi lên, giành những thắng lợi mới. Tất nhiên, chúng ta không thể vận dụng tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh một cách máy móc, vì những điều Người nói và viết đều đã cách hiện tại trên dưới 50 năm với hoàn cảnh lịch sử rất khác hôm nay. Thực tế hiện nay đòi hỏi sự vận dụng sáng tạo tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh trên cơ sở nắm vững tinh thần, phương pháp luận Hồ Chí Minh. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể tìm ra giải pháp hữu hiệu thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước hiện nay.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong những năm đổi mới vừa qua, đặc biệt là bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS và miền núi, trong đó có đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên. Sự quan tâm đã được cụ thể hóa bằng những chủ trương, chính sách thiết thực, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng bức thiết của các dân tộc Tây Nguyên. Đó là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, các quyết định 135, 132, 168, 134,... của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện những chủ trương, chính sách đó, đời sống của của đồng bào các DTTS Tây Nguyên đã có sự thay đổi rõ rệt, cơ cấu kinh tế đã dần chuyển dịch sang sản xuất hàng hóa, thu nhập tăng lên, điện, đường, trường, trạm đã đến được hầu hết các thôn bản. Đây là sự phát triển vượt bậc của các DTTS ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, chính trong quá trình phát triển đó cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém như: sự phân hóa giàu

nghèo, tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, sự hủy hoại môi trường sinh thái, nguy cơ mất đi nền văn hóa cổ truyền của các dân tộc thiểu số,... Những hạn chế, yếu kém đó cần được Đảng, Nhà nước nhìn nhận một cách nghiêm túc để nhanh chóng có giải pháp khắc phục, tháo gỡ.

Vận dụng những quan điểm kinh tế của Hồ Chí Minh và căn cứ vào đặc điểm dân tộc, thực trạng phát triển kinh tế địa phương, trong những năm tới Đảng và Nhà nước ta cần có định hướng và thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS tại chỗ; hoàn thành và ổn định vững chắc định canh, định cư; phát triển kinh tế vườn; xây dựng những mô hình sản xuất tập thể trong nông nghiệp; thu hút đồng bào DTTS tại chỗ vào làm việc trong các nông, lâm trường quốc doanh; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực DTTS tại chỗ... Những giải pháp này về cơ bản là đang được triển khai, nhưng điều quan trọng là nó phải được thực hiện đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa, để trong 5 đến 10 năm tới có thể tạo ra sự phát triển toàn diện và bền vững trong các DTTS ở Tây Nguyên.

Tây Nguyên là một vùng đất giàu tiềm năng, đồng bào các DTTS Tây Nguyên dũng cảm, thật thà, chất phác, cần cù lao động. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, đồng bào Tây Nguyên đã một lòng một dạ theo Đảng, theo cách mạng, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, họ đang chung vai sát cánh cùng các dân tộc khác sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên lao động sản xuất, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên hòa nhập với sự phát triển chung của cả nước. Trên chặng đường phát triển đó, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng kinh tế của Người nói riêng vẫn là nền tảng, là kim chỉ nam cho hành động để đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên vươn lên cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trong các dân tộc ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh (Trang 101 - 106)