a. Nguyên tắc tính khoa học:
Nội dung các giải pháp phải đảm bảo tính khoa học của hệ thống của quá trình sư phạm. Tính khoa học thể hiện qua nội dung các giải pháp phải đảm bảo tính chính xác, trung thực và khoa học. Điều này đòi hỏi tác giả phải
có hiểu biết rộng về công tác quản lý TBDH ở trường học. Đồng thời phải thường xuyên nghiên cứu tài liệu, đọc nhiều sách và cập nhật thông tin có liên quan đến TBDH.
b. Nguyên tắc tính thực tiễn:
Phải căn cứ vào vấn đề tồn tại cần giải quyết của thực trạng TBDH và công tác quản lý TBDH trong nhà trường. Một mặt các giải pháp phải đảm bảo phù hợp với nguồn lực như: Nhân lực, tài lực: Đội ngũ giáo viên và nguồn vốn...). Mặt khác phải phù hợp với thực tế giảng dạy và học tập của nhà trường. Giải pháp phải mang tính khả thi và đảm bảo thực hiện được trong thực tế chứ không phải chỉ là lý thuyết.
Nguyên tắc này đòi hỏi trong quá trình đề xuất giải pháp phải nắm vững tri thức, nắm vững cơ sở khoa học và kết hợp hai điều kiện: Một là tri thức là những điểm có hệ thống, quan trọng và then chốt hơn cả. Hai là tri thức đó phải được vận dụng trong thực tiễn để cải tạo hiện thực, cải tạo bản thân. Thông qua đó khi đưa ra giải pháp phải ý thức rõ tác dụng của tri thức lý thuyết đối với đời sống, với thực tiễn. Như Hồ Chí Minh đã từng nói “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên. Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn hoặc bắn lung tung cũng như không có tên. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời phải hành”.
Nguyên tắc này dựa trên nhận thức luận của chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh. Theo Bác, “Thống nhất lý luận và thực tiễn là nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác- Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Một mặt, Người chống lại lý luận suông, nhưng mặt khác Người cũng chống lại bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, coi thường lý luận: “Có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”.
Để thực hiện nguyên tắc này cần phải:
- Khi xây dựng giải pháp cần lựa chọn những giải pháp cơ bản, phù hợp với những điều kiện thực tế của từng trường
- Về nội dung giải pháp quản lý TBDH người quản lý phải nắm vững tri thức lý thuyết, thấy rõ nguồn gốc của những tri thức đó và vai trò của tri thức khoa học đối với thực tiễn; phải vạch ra phương hướng ứng dụng giải pháp vào hoàn cảnh cụ thể của nhà trường; phải phản ánh tình hình thực tiễn vào nội dung từng giải pháp.
- Về phương pháp xây dựng các giải pháp cần điều tra quan điểm qua phiếu hỏi dành cho cả đối tượng là CBQL, GV và HS để thăm dò và đánh giá. Cần vận dụng những giải pháp có đổi mới và mang lại hiệu quả cao.
c. Nguyên tắc khả thi:
Các giải pháp phải có tính khả thi. Giải pháp quản lý TBDH phải phù hợp với nội dung và yêu cầu của mục tiêu quản lý nhà trường, làm cho TBDH phục vụ tốt nhất cho hoạt động dạy và học.
d. Nguyên tắc hệ thống:
Các giải pháp nội dung khác nhau nhưng phải hỗ trợ nhau để cùng hướng tới mục tiêu là quản lý hiệu quả nhất TBDH. Phải xem các giải pháp quản lý TBDH phải là một hệ thống đảm bảo lô gic khoa học công nghệ và khoa học sư phạm.