Nhiệm vụ của nhà báo trong báo chí hiện đại

Một phần của tài liệu Quy trình sản xuất tin của Thông tấn xã Việt Nam - Những thành công và hạn chế (Trang 32 - 34)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.4.Nhiệm vụ của nhà báo trong báo chí hiện đại

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà báo là nhận thức và phản ánh thực tiễn cuộc sống đã và đang diễn ra hàng ngày với những phương thức thông tin, giải thích, giải đáp và bình luận những gì công chúng quan tâm. Áp lực lớn nhất và cũng là nghĩa vụ trách nhiệm xã hội lớn lao đối với nhà báo là thông tin cho công chúng các sự kiện và vấn đề thời sự, thời cuộc, là những vấn đề quan tâm bức xúc, những đòi hỏi muốn biết, được biết, được thông tin một cách công khai, minh bạch của công chúng và dư luận xã hội về những gì họ quan tâm.

Nhận thức và phản ánh thực tiễn của nhà báo trước hết và chủ yếu là nhận thức và phản ánh các sự kiện và vấn đề thời sự. Có sự kiện ngẫu nhiên, có sự kiện tất yếu, bản chất; có ngụy tạo và có sự kiện hiển nhiên, có sự kiện chính trị và có sự kiện văn hóa thể thao, đời sống…

Bản thân sự kiện nói lên vấn đề. Và mỗi sự kiện đều có dấu vết của nó. Do vậy, nhà báo cần phát hiện các sự kiện, các con số và đặt nó trong các mối quan hệ so sánh để có thể phân tích, lý giải vấn đề một cách sáng rõ và thuyết phục nhất. Sự kiện là khởi đầu và căn chứng nhưng mục đích của việc phản ánh, thông tin là phải

cắt nghĩa, giải thích và giải đáp được vấn đề. Sự kiện bao gồm có sự và kiện. Sự là việc có thật xảy ra, nhà báo không được bịa ra sự kiện, không được thêm thắt các chi tiết của sự kiện mà chỉ thông tin các có thật xảy ra và đương nhiên không phải cái nào có thật xảy ra cũng thông tin mà nhà báo phải lựa chọn. Kiện là lượng từ chỉ số lượng. Kiện to - nhỏ, kiện dài - ngắn, kiện nặng - nhẹ, kiện vuông - tròn… đều chưa được xác định cụ thể. Như vậy, kiện là lượng từ không định lượng.

Nhưng khi nói sự kiện thời sự cũng có nghĩa là có sự kiện xác thực, có thời gian, không gian, có hình thù cụ thể của nó với đầy đủ các chi tiết đang hoạt động. Cái khó của nhà báo là ở chỗ không chỉ phát hiện được sự kiện thông tin, mà quan trọng hơn là nhận thức, phán đoán năng lực và mối quan tâm tác động của sự kiện ấy trong tình hình cụ thể. Hay nói cách khác, giữa sự việc, sự kiện cụ thể với các vấn đề xã hội quan tâm có mối quan hệ nhất định. Sự kiện và mối quan hệ ấy tạo nên giá trị thông tin của tác phẩm báo chí. Phát hiện sự kiện đã khó nhưng phán đoán năng lực và mối quan hệ ở bối cảnh cụ thể của tình hình trong nước, trong khu vực và trên thế giới lại càng khó khăn gấp bội. Cũng có thể có bản thân một sự kiện làm khởi phát một vấn đề nào đó. Chẳng hạn, sự kiện tiến hành thăm dò địa chất chuẩn bị xây dựng khách sát trên đồi cát Vọng Cảnh (Huế) mà báo chí phát hiện đã nêu lên vấn đề quy hoạch và bảo vệ quần thể văn hóa thành phố Huế - sông Hương nói riêng và các địa danh khác nói chung.

Phát hiện và lựa chọn sự kiện thông tin có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động tác nghiệp hàng ngày của nhà báo, đặc biệt là quá trình làm tin. Nhưng không dừng lại ở đây, tiếp theo là nhà báo phải lựa chọn góc độ tiếp cận cho sản phẩm tin, bài. Góc độ tiếp cận (góc nhìn) là một trong những vấn đề quan trọng trong lý thuyết và thực tiễn hoạt động của báo chí hiện đại và hoạt động sản xuất tin hiện đại nói riêng. Cùng một sự kiện nhưng có nhiều góc độ tiếp cận thông tin khác nhau tùy theo nhóm công chúng - đối tượng của tờ báo và quan điểm, thái độ thông tin của nhà báo. Việc chọn góc độ tiếp cận sự kiện và vấn đề sẽ giúp nhà báo xác định hướng khai thác các chi tiết, dữ liệu thông tin về sự kiện đang quan tâm. Góc độ tiếp cận, hệ thống chi tiết - dữ liệu được tổ chức, liên kết trong tác phẩm theo mô

thức thông tin cùng với ngôn ngữ, giọng điệu là những “chất liệu” bộc lộ chủ đề, ý đồ, ý định của tác giả khi chuyển tải thông điệp cho công chúng, nhóm đối tượng của mình.

Năng lực hành nghề tác nghiệp của nhà báo thể hiện rất rõ ở việc phát hiện, lựa chọn và phán đoán về các sự kiện, chi tiết - dữ liệu thông tin cũng như sáng tạo sản phẩm tin, bài. Việc lựa chọn sự kiện thông tin, xác định chủ đề, cùng với phát hiện và lựa chọn chi tiết, ngôn ngữ giọng điệu của bài viết là những yếu tố quan trọng tạo nên phong cách sáng tạo của mỗi nhà báo. Đấy là chuỗi các kỹ năng và năng khiếu nghề nghiệp thể hiện năng lực hành nghề, tác nghiệp của người làm báo. Thông tin cái thật, cái có thật đã xảy ra nhưng phải đúng - đúng với bản chất sự kiện. Đúng nhưng phải trúng - tức là trúng vấn đề tâm điểm dư luận xã hội quan tâm hoặc đang cần định hướng dư luận xã hội. Trúng rồi nhưng phải hay, phải hấp dẫn - tức là chọn lựa chi tiết, sắp xếp số liệu, diễn đạt như thế nào cho hấp dẫn, cho cuốn hút công chúng. Tất cả những yêu cầu trên đây đều phải hướng tới việc thỏa mãn lợi ích, tức là thông tin sự kiện này nhằm đem lại lợi ích cho nhóm công chúng xã hội nào, cho nhân dân hay một nhóm người nào đó.

Trong báo chí hiện đại, một vấn đề không kém phần quan trọng nữa là kỹ năng tổ chức sự kiện và cách thức liên kết các sự kiện thông tin nhằm khơi nguồn và định hướng dư luận xã hội. Có những sự kiện chỉ có thể thông tin độc lập, một lần và dứt điểm, có thể tạo ra hiệu lực tác động ít hay nhiều, mạnh hay yếu. Tùy theo tính chất sự kiện có khả năng khơi nguồn dư luận xã hội sâu rộng hay không và sẽ đem lại hiệu ứng xã hội tích cực như thế nào để xác định kế hoạch thông tin tiếp theo. Chiến dịch thông tin - tuyên truyền “Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam” và “Mãi

mãi tuổi hai mươi” trên báo Tuổi trẻ TP.HCM là những dẫn chứng sinh động về

nghệ thuật tổ chức sự kiện, khai thác và liên kết các sự kiện trong một tiến trình thống nhất nhằm tạo ra hiệu lực và hiệu quả tác động của báo chí, khơi nguồn, phản ánh và định hướng dư luận xã hội.

Một phần của tài liệu Quy trình sản xuất tin của Thông tấn xã Việt Nam - Những thành công và hạn chế (Trang 32 - 34)