6. Cấu trúc luận văn
3.1.3.2. Phối hợp tác nghiệp giữa các phóng viên phân xã
đột xuất
Thông thường, phóng viên phân xã thường tác nghiệp một mình trong những sự kiện thông tin được dự báo trước hay những đề tài đã lên kế hoạch. Tuy vậy, trong một số trường hợp đột xuất hiếm khi xảy ra hay thiên tai, mưa lũ… thì luôn cần có sự phối hợp tác nghiệp giữa các phóng viên phân xã thường trú tại địa phương. Thậm chí, có thể coi đây là một cơ hội để rèn luyện kỹ năng chuyên môn làm báo, nhất là đối với các phóng viên mới vào nghề. Vai trò của trưởng phân xã lúc này càng lớn khi trách nhiệm vừa viết và duyệt tin, viết bài mà còn tổ chức phối hợp, giao nhiệm vụ cho các phóng viên trẻ, đồng thời phối hợp với các phóng viên được cử từ Tổng xã tới hỗ trợ.
Trưởng phân xã Lào Cai - Lục Văn Toán đã trải qua một trận mưa lũ lịch sử ở Lào Cai cùng sự phối hợp tác nghiệp với hai phóng viên trẻ và phóng viên ảnh Tuấn Anh từ Tổng xã về công tác. Với những kiến thức cơ bản vốn có, sự say mê nghề nghiệp, sức trẻ và đặc biệt là qua sự phối hợp giữa các phóng viên mà trong đợt thông tin về cơn bão số 4 vào tháng 8/2008, phóng viên của phân xã Lào Cai đã vươn lên trưởng thành rất nhiều. Điều này thể hiện qua trên 40 tin, bài và hàng trăm bức ảnh phản ánh những ngày thiên tai ác liệt.
Đang trên đường đi công tác Hà Nội về Lào Cai vào buổi sáng ngày 9/8, anh Toán nhận được điện thoại của một cộng tác viên từ Lào Cai thông báo - lũ sông Hồng đã mấp mé cầu Cốc Lếu, trời Lào Cai mưa như trút nước kéo dài, khả năng ngập lụt nhiều nơi. Ngay lập tức, anh liền gọi về số máy bàn phân xã Lào Cai (lúc đó mới 5 giờ sáng), giao nhiệm vụ cho các phóng viên Hoàng Ngọc và Thanh Hải theo dõi tình hình mưa lũ trên địa bàn. Liền sau đó là tới tấp các tin dữ thông báo vào số máy di động của anh Toán: Bát Xát lũ quét đã “xóa sổ” cả một thôn; đường
đến các huyện bị cô lập; huyện Bảo Yên nhiều nhà bị lũ cuốn trôi. Đường bộ, đường sắt bị sạt lở, tắc nhiều nơi.
Biết chắc tình hình mưa lũ gây hậu quả rất nghiêm trọng trên địa bàn trong khi mình lại bị tắc đường không thể về nổi, anh Toán đành chọn phương án chỉ huy từ xa. Rất may dịp này có phóng viên Tuấn Anh (BBT-SX ảnh báo chí) lên công tác tại tỉnh cùng phối hợp nên phần ảnh coi như yên tâm. Tuy nhiên, anh Toán lúc này rất lo cho trường hợp hai phóng viên Hoàng Ngọc và Thanh Hải trẻ cả tuổi nghề và tuổi đời, chưa nắm hết địa bàn cơ sở, nhất là chưa có kinh nghiệm ứng phó thiên tai vùng núi. Qua tìm hiểu, anh biết phóng viên ảnh Xuân Trường đang có mặt tại Lai Châu. Phóng viên này có kinh nghiệm đi miền núi, đặc biệt làm ảnh thiên tai. Anh Toán lập tức đề nghị anh Xuân Trường sang hỗ trợ phân xã Lào Cai. Vậy là đến ngày 11/8, phân xã Lào Cai đã có 4 người, đủ bộ 2 tin, 2 ảnh chia hai cánh tác nghiệp. Bớt lo về con người, anh tập trung đôn đốc, nhắc nhở anh em bám sát địa bàn toàn tỉnh, quan tâm tới “rốn lũ” Bát Xát và Bảo Yên để thu thập thông tin, hình ảnh sao cho kịp thời nhất.
Ngày 11/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban Phòng chống lụt bão TW đi chuyên cơ kiểm tra vùng lũ. Sau khi nghe tỉnh báo cáo tóm tắt tình hình thiệt hại, Bộ trưởng cùng lãnh đạo tỉnh đi khảo sát nắm tình hình thiệt hại sau lũ ở Bát Xát và Bảo Yên. Anh Toán liền nối ngay điện thoại về phân xã, cử tốp phóng viên bằng phương tiện cá nhân tìm cách vào Trịnh Tường, Bát Xát, nơi có thôn Tùng Chỉn bị thiệt hại nặng nhất để làm tin. Đồng thời cử một tốp đi Bảo Yên, Bảo Thắng và một số địa phương trong tỉnh nắm tình hình ngập lụt. Những “rốn lũ” này đều cách xa trung tâm thành phố, nơi phân xã đóng trụ sở từ 60 đến 80km. Ngay buổi chiều trong ngày, Thanh Hải và Tuấn Anh đã có bài và ảnh gửi về báo Tin tức theo đặt hàng của Tổng Biên tập báo và đưa tin tổng hợp hậu quả thiên tai toàn tỉnh. Chiều tối thì tốp đi Bát Xát cũng có thông tin, hình ảnh ghi nhanh về vùng lũ Tùng Chỉn.
Ngày 12, 13/8, phóng viên Thanh Hải lại hăng hái cùng một số đồng nghiệp báo địa phương vào xã A Lù, nơi chưa có thông tin nào về thiệt hại sau lũ do giao
thông và thông tin liên lạc bị tắc từ đầu. Lúc này, anh Toán nhận tin đường tàu cơ bản được khôi phục, nhà ga bán vé trở lại. Anh liền lên chuyến tàu đầu tiên, hy vọng sau tám tiếng đồng hồ sẽ có mặt ở phân xã, nhưng phải đến 17 giờ hôm sau anh mới xuống tới ga Lào Cai, chậm hai mươi tư tiếng. Tối đó, Thanh Hải cũng từ vùng lũ A Lù (Bát Xát) mang về đầy ắp thông tin. Sau khi viết bài, anh Toán trực tiếp duyệt. Chuyện về lũ vẫn rất thời sự, nhưng cũng đã bước vào giai đoạn khắc phục và cứu trợ. Trong khi các phóng viên phân xã Lào Cai với tác phong nhanh nhạy đều đã đưa được những thông tin cần thiết, kịp thời nhất về Tổng xã.
Dù trong hoàn cảnh lũ quét ngày trên vùng cao, đường sá không thể trở về được, nhưng với ý thức trách nhiệm, kinh nghiệm nghề nghiệp, trưởng phân xã Lào Cai - Lục Văn Toán đã bằng điện thoại di động, chỉ đạo nghiêm túc, sát sao cho các phóng viên phân xã trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các phóng viên Tổng xã đưa thông tin hết sức kịp thời và hiệu quả. Các êkíp phóng viên qua đợt tác nghiệp này cũng cho thấy tinh thần làm việc khẩn trương, có trình độ nghiệp vụ. Đặc biệt, trong đợt tác nghiệp này, hai phóng viên trẻ Hoàng Ngọc và Thanh Hải với sự chỉ đạo của trưởng phân xã, sự phối hợp tận tình của các phóng viên Tổng xã cùng với khả năng chuyên môn đã đạt hiệu quả thông tin rất cao và bản lĩnh nghề nghiệp theo đó cũng được trau dồi.
Quy trình sản xuất tin khi phối hợp tác nghiệp giữa các phóng viên phân xã trong trường hợp đột xuất được xây dựng như sau:
- Trưởng phân xã là người trực tiếp nắm thông tin về sự kiện đột xuất xảy ra trên địa bàn thường trú. Ngay lập tức, phải lên kế hoạch để chỉ đạo các phóng viên tại phân xã về quá trình tác nghiệp, thu thập thông tin. Đồng thời, liên hệ với các phóng viên Tổng xã, phóng viên phân xã lân cận để phối kết hợp trong quá trình đưa tin.
- Trưởng phân xã tiếp tục thu thập các đầu mối thông tin để luôn theo dõi sát sao tình hình sự kiện, kịp thời có ý kiến chỉ đạo đến các êkíp thực hiện quy trình.
- Các phóng viên thực hiện ngay từ đầu phải tạo tâm thế chủ động, tiếp thu ý kiến chỉ đạo trên cơ sở bám sát tình hình thực tế.
- Sau khi tiếp thu tinh thần chỉ đạo, các phóng viên chủ động phối hợp, bám sát hiện trường, theo dõi các nguồn tin để thu thập thông tin, viết tin, bài rồi chuyển cho trưởng phân xã duyệt.
- Tin, bài tiếp được chuyển lên Tổng xã, trải qua các bước biên tập và phát mạng.