Tổ chức công tác biên tập

Một phần của tài liệu Quy trình sản xuất tin của Thông tấn xã Việt Nam - Những thành công và hạn chế (Trang 132 - 133)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.5.Tổ chức công tác biên tập

Vấn đề tổ chức công tác biên tập tin, bài của các phân xã phía Nam ngay tại TP.HCM thực chất là chia sẻ bớt áp lực với BBT TTN và BBT TKT, đồng thời nhằm mục đích đổi mới Quy trình sản xuất tin, nâng cao chất lượng thông tin, tập trung mạnh vào hai tiêu chí nhanh và chính xác. Hai tiêu chí này đã tạo thêm động lực cho phóng viên, từ đó làm thay đổi phương thức tác nghiệp còn nặng chất công chức của nhiều phóng viên trong nước hiện nay. Phóng viên và biên tập viên cũng rút khoảng cách thời gian từ khi sự kiện xảy ra đến khi thông tin đến công chúng.

TP.HCM và Nam Bộ nói chung là khu vực sôi động và luôn dẫn đầu nhiều phong trào trên mọi lĩnh vực, cũng là vùng, miền mang đậm nét bản sắc về lối sống, văn hóa địa phương. Phóng viên và biên tập viên phải có sự hòa nhịp, ăn ý mới chuyển tải được hơi thở của cuộc sống thấm đẫm chất vùng, miền của khu vực này vào trang viết mà không bị địa phương hóa. Mỗi phóng viên cần đầu tư nhiều thời gian và công sức vào việc tìm kiếm, “săn lùng” để phát hiện những thông tin hay, chất lượng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Loại bỏ những cái không phải là thông tin, động viên xứng đáng cho những thông tin chất lượng sẽ khuyến khích phóng viên dấn thân trong việc “săn” tin và hết mình với nghề. Trên cơ sở đó, thực hiện tốt quy chế quản lý phân xã, đặc biệt là đối với trưởng phân xã. Trưởng phân xã phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy chế và là tấm gương trong việc nâng cao hiệu quả của Quy trình sản xuất tin ngay từ khâu duyệt tin của phóng viên, chỉ đạo thông tin tại địa phương trước khi phóng viên gửi thông tin về biên tập.

Để đạt được mục đích trên mà mục đích cao nhất là xây dựng Quy trình sản xuất tin lý tưởng, CQĐD TTXVN tại TP.HCM phải tổ chức sắp xếp lại và quy tụ được đội ngũ biên tập viên từ các nguồn có sẵn là những người đã từng là phóng viên, nắm vững một số lĩnh vực, rồi tổ chức bồi dưỡng thêm kỹ năng biên tập cho họ; tiếp nhận sự hỗ trợ từ Tổng xã; hợp đồng với một số biên tập viên có nhiều kinh nghiệm, những nhà báo thạo nghề của một số tờ báo tại TP.HCM. Đặc biệt, lãnh đạo các ban biên tập tin, CQĐD TTXVN tại TP.HCM, các phân xã cần năng động, chủ động hơn, cụ thể hơn trong việc xây dựng và tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch thông tin hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và thông tin đột xuất, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc, định kỳ đánh giá rút kinh nghiệm tình hình thực hiện các nhiệm vụ thông tin. Quan trọng là phải xây dựng được quy chế trực biên tập theo ca một cách hợp lý; xây dựng quy chế về mối quan hệ phân xã - biên tập - Tổng xã. Phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật trang bị các thiết bị làm việc phù hợp, đáp ứng được yêu cầu biên tập và phát tin nhanh nhất.

Một phần của tài liệu Quy trình sản xuất tin của Thông tấn xã Việt Nam - Những thành công và hạn chế (Trang 132 - 133)