Những bất cập trong công tác thông tin

Một phần của tài liệu Quy trình sản xuất tin của Thông tấn xã Việt Nam - Những thành công và hạn chế (Trang 113 - 115)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.2.1.Những bất cập trong công tác thông tin

Hiện nay, đội ngũ phóng viên phân xã tuy bám sát địa bàn, hiểu rõ địa phương, nhiệt tình với công việc… song lại gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động nghề nghiệp như: Tầm bao quát vấn đề còn hạn chế (so với các nhà báo ở Tổng xã), phải duy trì mối quan hệ hữu hảo với địa phương (nhất là các tỉnh lẻ) nên phóng viên thường khó đụng đến những chuyện bức xúc, nổi cộm, trong khi đây là những chủ đề thường gây được sự chú ý, dễ tạo ra sản phẩm tin chất lượng, được sử dụng nhiều, đạt điểm cao… Hơn nữa, một số phóng viên còn lạm dụng công nghệ trong thời buổi làm báo hiện đại, đó là việc ít đi lại, chỉ cần ngồi một chỗ, nhờ quan hệ bạn bè, đồng nghiệp trao đổi qua hộp thư điện tử là có tin, bài rất nhanh. Cách làm này dễ gây tư tưởng ỷ lại, khó phát huy khả năng, tư duy nghề nghiệp, ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình hoàn thiện Quy trình sản xuất tin. Theo phóng viên Nguyễn Bá Hưng, trưởng phân xã Khánh Hòa, một người có thâm niên làm tin thông tấn hơn 40 năm, lối tác nghiệp này rất nguy hiểm nếu không thẩm tra nguồn tin một cách nghiêm túc. Hiện nay, tình trạng này vẫn xảy ra ở một số phóng viên. Anh Hưng kể lại thời làm báo những năm 70-80 của thế kỷ trước thì không đi không thể viết tin được. Như lần thường trú ở Sơn La, đường rừng núi đi lại khó khăn là vậy nhưng khi nghe máy bay Mỹ bị bắn rơi, giặc lái bị bắt ở xã vùng cao Chiềng Tương, huyện Mộc Châu cách thị xã Sơn La cả trăm cây số đường rừng, anh Hưng vẫn tìm mọi cách đến tận nơi viết tin, chụp ảnh. Sau này, thường trú ở tỉnh Phú Khánh (sau

này tách thành tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa), được phân công viết về nông nghiệp,

anh thường xuyên về Tuy Hòa - vựa lúa của (nay thuộc tỉnh Phú Yên) cách phân xã hơn 120km, để viết tin, bài. Quần đảo Trường Sa (thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa) xa xôi, cách trở là vậy nhưng anh vẫn cố gắng đến tận nơi, tiếp cận với các chiến sĩ Trường Sa ngay từ những năm đầu thường trú.

Một điều nữa về hạn chế ở công tác thông tin của phóng viên nằm trong kỹ năng thể hiện tin, bài. Thực tế thì so ra về năng lực làm báo với các báo, đài trong nước thì phóng viên TTXVN không thua kém gì, nhưng kỹ năng thể hiện tin, bài

(phát trên mạng TTXVN) lại ít được các báo, đài bạn đánh giá cao. Vấn đề ở đây

chính là không hợp gu về cách viết. Rất nhiều đồng nghiệp các báo, đài nói “tin

TTXVN hay nhưng viết không hay”. Vì vậy, việc thay đổi cách thể hiện tin, bài là

điều bức thiết để phù hợp với nhu cầu độc giả và tăng tính cạnh tranh. Trách nhiệm này thuộc về các phóng viên phân xã. Lại có trường hợp phóng viên phân xã trong hơn hai năm đã bị thui chột kỹ năng viết bài do “chỉ được viết bài khi BBT TTN đặt hàng”. Vẫn biết thể loại chính của thông tấn là tin chứ không phải bài song không nên cứng nhắc một cách máy móc vì thực tế việc lựa chọn thể loại để thể hiện tác phẩm báo chí phụ thuộc vào nội dung thông tin, tính chất thông tin, mục đích thông tin… Với việc hạn chế viết bài như thế nên phóng viên hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp để đảm bảo khâu viết tin, bài cho Quy trình sản xuất tin là một trở ngại.

Tuy nhiên, chủ thể mang tính quyết định lại là các ban biên tập ở Tổng xã. TTXVN những năm gần đây đã mở nhiều lớp bồi dưỡng viết báo hiện đại cho phóng viên thế nhưng cách viết ấy lại gần như không được chấp nhận ở không ít biên tập viên. Điều này thể hiện trong các sản phẩm tin và cũng đã được phản ánh trong nhiều cuộc hội thảo, hội nghị ngành. Việc đổi mới tư duy thông tin là việc của mọi người nhưng phải làm và làm quyết liệt ở khâu cuối cùng cho ra thành phẩm. Gu viết của ban biên tập thế nào thì phóng viên tất phải chạy theo thế đó. Như vậy đã hạn chế việc phối hợp giữa khâu biên tập và phóng viên khi mối quan hệ vô tình không bình đẳng. Và đã không ít trường hợp biên tập viên cho rằng phóng viên viết

dài dòng, diễn đạt không thoát, tự nhiên chủ nghĩa…”, thậm chí còn phê “viết lảm

nhảm” nên phải biên tập lại hoặc bỏ đi. Về phía phóng viên lại phản đối việc một số biên tập viên thiếu kiến thức về lĩnh vực thông tin của tin, bài phải biên tập, biên tập sai ý, chữa tin theo kiểu “lành thành què”, biên tập tin không hiện đại... Hoặc như một số tin có nội dung vô thưởng vô phạt vẫn được biên tập viên phát khá nhiều: Cấy lúa hè thu, gặt lúa xuân, sản xuất công nghiệp tháng này đạt tổng giá trị bao

nhiêu, tổng lưu lượng vận chuyển hành khách trong quý thế nào, giá trị tiểu thủ công nghiệp tăng giảm ra sao... Thậm chí, vẫn còn một số tin, bài phóng viên gửi ra Tổng xã cần thiết xử lý phát liền nhưng biên tập viên chậm trễ làm mất tính nhanh nhạy, kịp thời, giảm hiệu quả hoạt động của Quy trình sản xuất tin.

Một phần của tài liệu Quy trình sản xuất tin của Thông tấn xã Việt Nam - Những thành công và hạn chế (Trang 113 - 115)